Thầm lặng giữ gìn vệ sinh môi trường

13:16 | 29/06/2020
(LĐTĐ) Đến xã Liên Hồng - huyện Đan Phượng, vừa lúc trời tạnh mưa, chị Nguyễn Thị Đoan đón tôi trong bộ quần áo bảo hộ bị nước mưa làm cho lấm chấm ướt, vừa cười vừa nói: Chị cố quét cho xong đoạn đường này để mưa không bị dồn rác vào, gây ngập úng…  
Giải bóng chuyền hơi trong công nhân viên chức lao động huyện Đan Phượng
LĐLĐ huyện Đan Phượng phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí cho đoàn viên, người lao động

15 năm gắn bó với nghề lao công, chị Nguyễn Thị Đoan, nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường Tân Hội có đến 15 năm là Tổ trưởng phụ trách khu vực xã Liên Hồng. Được giao nhiệm vụ quét dọn tuyến đường liên thôn của xã - khu vực có mật độ dân cư đông, cộng thêm một phần chợ dân sinh nên lượng rác thải rất lớn.

Không quản ngại gian khó, chị luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao, bảo đảm đúng tiến độ, không để xảy ra tình trạng rác ứ đọng lâu ngày. Chị tâm niệm: Đã là lao động chân chính thì nghề gì cũng đáng quý, vì vậy, 15 năm qua, mặc dù công việc chỉ là gắn bó với cái chổi, cái xẻng, xe rác… nhưng chưa bao giờ chị Đoan cảm thấy mặc cảm và nản lòng.

Chị tâm sự “Ngày mới bước chân vào nghề, chị đã xác định những khó khăn: phải tiếp xúc với khói bụi, rác thải ô nhiễm... Thế nhưng, làm nghề rồi mới thấm thía những nỗi nhọc nhằn không thể kể hết. Đó là những khi con nhỏ ốm đau, rồi những nguy hiểm trong quá trình thu gom rác…”.

4337 nly
Chị Nguyễn Thị Đoan đang làm việc tại xã Liên Hồng.

Thấy chị chợt dừng lại, tôi ngập ngừng hỏi: “Vậy trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, chị...”, như hiểu được ý tôi, chị cười bảo: “Chị vẫn làm việc bình thường, với lại được Công ty trang bị cho khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn nên chị cũng yên tâm hơn. Nếu mình sợ xin nghỉ thì sẽ có chuyện gì xảy ra với bao nhiêu rác thải sinh hoạt”. Câu nói ấy của chị khiến tôi thật cảm phục vì sự tận tâm mà chị dành cho công việc mà theo lời chị thì đó là lòng “yêu nghề”...

Khi mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ, hay khi những con đường bắt đầu sáng đèn thì cũng là lúc những người công nhân vệ sinh môi trường như chị bắt đầu tất bật với công việc. Cũng do đặc thù, công việc có khi là từ 4 giờ 30 sáng, cũng có khi từ 20 giờ tối đến 21, 22 giờ đêm, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết... lượng công việc tăng gấp đôi thì thời gian làm việc lại kéo dài hơn.

Nhưng không vì thế mà chị nản lòng; thu gom rác cũng không phải dễ, lúc mình đi thu thì người dân không có nhà hoặc chưa mang ra, đến khi xe rác đi rồi họ mới mang rác ra đường để, một số người tiện tay còn vứt rác tung toé khắp nơi. Trước tình trạng đó, chị nhẹ nhàng nhắc nhở; để khắc phục, chị nắm thêm giờ giấc sinh hoạt của từng cụm dân cư để điều chỉnh giờ thu gom rác, khu nào trước, khu nào sau.

Chợt ánh mắt chị vui hẳn lên khi nhớ đến 2 mẹ con mà chị gặp một vài lần trong khi đang làm việc; đến đoạn chị đẩy xe rác, người mẹ dừng xe lại để cháu bé bỏ hộp sữa đã hết vào thùng rác, đứa bé không quên nói với chị: “Cháu cảm ơn bác”. "Những khi ấy tôi cảm thấy vui lắm, quên hết mệt mỏi và càng muốn làm việc tốt hơn nữa để giữ lấy môi trường luôn xanh - sạch - đẹp", chị Đoan chia sẻ.

Là một tổ trưởng khối vệ sinh môi trường, ngoài hoàn thành tốt công việc hằng ngày của Tổ là thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, duy trì vệ sinh môi trường tại các ngõ, xóm, chị Đoan còn là một tuyên truyền viên tích cực, thuyết phục, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Nói về chị Đoan, bà Nguyễn Thị Hoa (xã Liên Hồng - Đan Phượng) cho biết: “Chị Đoan là người lao công rất chịu khó, tận tâm với công việc, chưa bao giờ người dân chúng tôi phải phàn nàn về chị”.

Chị Nguyễn Thị Hường, phụ trách Công đoàn Công ty Cổ phần Môi trường Tân Hội, cũng cho biết: “Chị Đoan là một công nhân năng nổ và rất nhiệt tình, không chỉ hoàn thành phần việc được giao, chị luôn sẵn sàng hỗ trợ nhận thêm nhiệm vụ ở khu vực khác khi cần. Đặc biệt, chị là người đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình thu gom rác bằng xe cơ giới (xe điện) giảm phần lớn sức lao động cho công nhân vệ sinh môi trường”.

Khi cuộc sống càng hiện đại, xã hội càng phát triển thì lượng rác thải ra càng nhiều, nỗi vất vả của những người lao công ngày càng tăng thêm. Thế nhưng, họ vẫn như những chú kiến cần cù, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống đời thường, không quản ngày hè bỏng rát hay những đêm đông giá buốt, “Chị lao công như sắt, như đồng..” (Tố Hữu) ấy vẫn đều đặn đưa những nhát chổi tre làm sạch những con đường.

Và tôi chợt nhận ra rằng việc làm tốt, ý nghĩa đâu cần là những thành tích gì to tát, mà nó chỉ giản đơn là ở những việc làm bình dị, yêu ngành, yêu nghề, làm đẹp cho đời, cho xã hội như chị lao công cần mẫn Nguyễn Thị Đoan.

Khi tạm biệt chị để ra về, hình ảnh chị lao công với chiếc áo lấm chấm ướt, đôi tay thoăn thoắt hót từng bãi rác trên đường và tiếng chổi tre loẹt quẹt vang lên giữa con đường đã vắng người qua lại khiến tôi trân quý và xúc động đến kỳ lạ.

Hải Yến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này