Kinh tế - xã hội Thủ đô hồi phục và phát triển sau dịch bệnh Covid -19

10:28 | 19/06/2020
(LĐTĐ) Vượt qua khó khăn, thách thức bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19, kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đang từng bước phục hồi và tăng trưởng. Hầu hết chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Thành phố trong tháng 5 đều tăng so với những tháng trước đó. Đặc biệt an sinh xã hội đảm bảo, đời sống người dân từng bước được nâng cao…
Kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật
Hà Nội tiếp tục phát huy đầu tàu kinh tế

Kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Ngay sau khi dịch bệnh Covid -19 được kiềm chế, kiểm soát, Thành phố đã bắt tay ngay vào các biện pháp tái khởi động sản xuất, kinh doanh, khôi phục nền kinh tế trong tình hình mới. Trong đó, các cơ quan, đơn vị xác định mục tiêu trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch Covid - 19, kiên quyết ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn Thành phố và phát sinh các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt đến hết năm 2020, song song với tập trung khôi phục, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội.

1043 3453 img 5270
Lãnh đạo thành phố thăm quan gian hàng tại khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) tại Hội nghị “kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020”

Thành phố đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động thương mại, bán hàng dưới nhiều hình thức để thu hút người dân, doanh nghiệp tăng cường trao đổi, giao thương hàng hóa…Cũng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, thay vì chỉ diễn ra một lần vào tháng 11 như mọi năm, năm nay Thành phố tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội vào tháng 6, 7 và tháng 11.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội, Trần Thị Phương Lan, qua chương trình Thành phố xác định kích cầu thị trường nội địa nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid -19. Mặc dù, tối 12/6 mới khai mạc, nhưng nhiều doanh nghiệp đã triển khai chương trình từ đầu tháng 6.

Vì thế trong 10 ngày đầu tháng 6 chương trình đã thu hút hơn 600 doanh nghiệp với gần 800 chương trình có mức khuyến mại lên tới 70%, tổng giá trị ước tính khoảng 1.200 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 7/2020 chương trình sẽ thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tham gia.

Nhờ các biện pháp đồng bộ kinh tế, xã hội tháng 5 và 6 của Thành phố đều tăng trưởng. Trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 của Hà Nội đã tăng 12,3% so với tháng 4 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước như: Chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất hóa chất, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu…

Doanh thu ngành vận tải, dịch vụ hỗ trợ tháng 5 tăng 34,7% so với tháng 4, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Tháng 5, ngành Du lịch Hà Nội cũng bắt đầu khởi động trở lại các hoạt động nhằm thu hút du khách, nhất là khách du lịch trong nước. Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm ước đạt 102.923 tỷ đồng, đạt 36,9% dự toán, bằng 94,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 19,2%). Chi ngân sách địa phương thực hiện 23.724 tỷ đồng, đạt 23% dự toán. Riêng thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 1.056 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 12,54 nghìn tỷ đồng.

Cắt giảm chi thường xuyên

Bên cạnh giải pháp kết nối cung cầu, đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ sản phẩm, Thành phố còn triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp hiệu quả như cắt giảm chi thường xuyên, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid -19...

Trong đó, ngày 1/6/2020, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 09 về việc triển khai một số nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19.

Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cấp thiết để dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; thực hiện cắt giảm ít nhất thêm 5% dự toán chi thường xuyên còn lại của 09 tháng cuối năm 2020 (ngoài số tiết kiệm 10% dành nguồn cải cách tiền lương Thành phố giao đầu năm).

Trong đó: Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách các cấp; thực hiện cắt giảm các khoản kinh phí đi học tập, trao đổi, công tác tại nước ngoài, các khoản chi cho các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, kinh phí tuyên truyền quảng bá của Thành phố trên phương tiện truyền thông, giảm kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch... rà soát, cắt giảm, giãn, hoãn các dự án cải tạo, chống xuống cấp, kinh phí mua sắm ... chưa thật sự cấp thiết, cấp bách để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời, Thành phố cũng yêu cầu triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19. Uỷ ban nhân dân Thành phố giao cục Thuế triển khai việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 41 / 2020 / NĐ - CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh xác định số thuế, tiền thuê đất được gia hạn thời hạn nộp và thực hiện thủ tục đề nghị gia hạn; kịp thời đôn đốc tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn sau khi hết thời gian gia hạn theo quy định, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ thuế, nợ tiền thuê đất.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố triển khai thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai công tác hỗ trợ người dân, các đối tượng chính sách gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng quy định.

Nghiêm túc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn

Cùng giải pháp trên để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính sẽ loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp. Hiện, Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương. Đây là năm thứ ba liên tiếp Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội được duy trì, giữ vững thứ hạng cao. Kết quả trên phản ánh sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở.

1119 sieuthi 1591714963
Ảnh minh họa.

Trên cơ sở kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đã đạt được, thời gian tới Thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững thứ hạng, trong đó sẽ loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp.Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp.

Kịp thời công bố, công khai và cập nhật thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. Các đơn vị chức năng thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính các cấp, thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định thủ tục hành chính; xử lý nghiêm các trường hợp giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp dân, trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính với công dân.

Thành phố cũng sẽ triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, các dịch vụ công thiết yếu cơ bản: y tế, giáo dục, điện, nước, vệ sinh môi trường…

Thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước

Ngày 27/6, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Hội nghị được tổ chức sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi sẽ là thông điệp mạnh mẽ của thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại thành phố Hà Nội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, ổn định cho các nhà đầu tư lựa chọn.

Nhờ các biện pháp đồng bộ kinh tế xã hội tháng 5 và 6 của Thành phố đều tăng trưởng. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 của Hà Nội đã tăng 12,3% so với tháng 4 và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước như: Chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất hóa chất, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu…Doanh thu ngành vận tải, dịch vụ hỗ trợ tháng 5 tăng 34,7% so tháng 4, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Tháng 5, ngành Du lịch Hà Nội cũng bắt đầu khởi động trở lại các hoạt động nhằm thu hút du khách, nhất là khách du lịch trong nước.

Qua hội nghị, thành phố Hà Nội cũng tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020; đồng thời cũng là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước, thu ngân sách trên địa bàn đạt dự toán được giao.

Ngoài ra, trong nhiệm vụ cuối năm 2020, để phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội Uỷ ban nhân dân Thành phố yêu cầu Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, điều hành, giải quyết dứt điểm những vấn đề dân sinh bức xúc, như thiếu nước sạch cục bộ, vi phạm giờ mở cửa bán hàng, và trật tự xây dựng…

Thành phố tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch cục bộ trong thời gian cao điểm mùa hè, nắng nóng; đồng thời, kịp thời khắc phục ngay các sự cố vỡ đường ống nước trong thời gian ngắn nhất. Thành phố triển khai các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS).

Uỷ ban nhân dân Thành phố cũng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động sau thời kỳ dịch Covid -19; chủ động tiếp cận các nguồn thông tin trên thế giới để nghiên cứu triển khai các chương trình đào tạo phù hợp tình hình thực tiễn, đảm bảo nguồn cung và chất lượng lao động Thành phố…

Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trên cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Thành phố, chắc chắn bức tranh kinh tế xã hội của Thủ đô ngày càng khởi sắc sau dịch bệnh Covid -19.

Trần Vũ 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này