Những quy định chỉ nằm trên giấy

10:52 | 20/06/2020
(LĐTĐ) Được "khai sinh" với mục đích điều chỉnh những hành vi sai trái, lệch lạc nhằm xây dựng một xã hội chuẩn mực, tốt đẹp, văn minh hơn, tuy nhiên không ít văn bản quy phạm pháp luật dù đã có hiệu lực về mặt pháp lý nhưng lại sớm bị "quên lãng". Để các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc nâng tính khả thi còn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành.
Quy định mức đóng BHXH bắt buộc
Một số cửa hàng kinh doanh vi phạm quy định giờ mở cửa

Nhiều đề xuất, quy định thiếu tính thực tế

Những ngày qua, khi bản Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét, không ít ý kiến trái chiều đã xuất hiện liên quan đến những đề xuất, kiến nghị của đơn vị soạn thảo luật.

5411 anh 2b
Chó thả rông… dù đã có quy định với chế tài xử lý cụ thể song cho đến nay mới chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở.

Nhiều đề xuất bị cho là thiếu thực tế và không khả thi. Điển hình nhất là quy định bắt buộc phải bật đèn 24/24 giờ đối với mô tô, xe máy khi tham gia giao thông. Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, đây là cách làm được nhiều nước phát triển ở châu Âu áp dụng từ lâu nhằm tăng tính nhận diện phương tiện, giúp tránh nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông. Mang tính học hỏi song gần như ngay lập tức đề xuất này vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận, bởi thiếu khả thi.

Còn nhớ, năm 2016, Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 chính thức có hiệu lực với một điều khoản quy định gây nhiều tranh cãi, đó là tất cả các ô tô 4 chỗ phải trang bị phương tiện chữa cháy. Sau 5 năm, Thông tư có hiệu lực, quy định gây tranh cãi này vẫn không thể đi vào đời sống vì vô vàn những bất cập phát sinh. Vừa qua, trong bản Dự thảo lần 2 Thông tư hướng dẫn về trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Công an đã chính thức dỡ bỏ quy định này, thay vào đó là quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 đến dưới 10 chỗ ngồi thay vì phải có bình chữa cháy chỉ cần có hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Thực tế hiện nay, không ít quy định của pháp luật đang rơi vào tình trạng ban hành rồi bị phớt lờ. Hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông là ví dụ. Theo đó, tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có ghi rõ, người phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông bị phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó bị phạt 5-10 triệu đồng. Trong lĩnh vực này, cũng có hành vi vi phạm bị xử phạt đến 30 triệu đồng…

Quy định rõ ràng là vậy nhưng dường như đến nay, hiếm có cơ quan chức năng nào xử phạt. Dễ thấy, tình trạng dán tờ rơi, quảng cáo trên tường, nơi công cộng hoặc phát tờ rơi rồi “xả” ngay tại các ngã ba, ngã tư giao thông vẫn tồn tại. Tương tự, không ít quy định như: Chó mèo ra đường phải rọ mõm, phải được cấp số quản lý, bán thức ăn đường phố phải có giấy phép, xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng… được cho là chỉ nằm trên giấy. Bởi vậy mới có tình trạng một nhà mở nhạc, cả phố bị “tra tấn”. Không ít nơi, tình trạng vi phạm trật tự, vệ sinh công cộng tràn lan, rác xả bất cứ đâu có thể, khói thuốc lá mặc sức đầu độc cộng đồng.

Cần tiếp thu góp ý phản biện

Khách quan nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng có quy định nhưng không thể thực thi. Trước hết có thể do công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân thực hiện các quy định chưa đến nơi đến chốn. Cũng có thể do nhiều người biết nhưng bỏ qua, “điếc không sợ súng”, hoặc thấy nhiều người vi phạm mà không bị làm sao nên người ta tặc lưỡi để được việc của mình mà không cần quan tâm đến lợi ích của người khác. Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, nhiều luật sư cho rằng, quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, bên cạnh tính khả thi còn phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm thi hành phận sự của giới chức có trách nhiệm. Bởi thế, cùng với việc ghi rõ chế tài xử phạt hành vi vi phạm cũng cần phải có những chế tài rõ không kém với giới chức trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm trong địa bàn mình phụ trách.

5413 anh 1 11
Hành vi vứt, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định sẽ bị phạt. Tuy nhiên, cho đến nay không khó để bắt gặp tình trạng xả rác thải tràn lan.

Quanh vấn đề này, Chuyên viên tư vấn luật Nguyễn Ngọc Sinh góp ý, để quy định pháp luật đi vào cuộc sống các cơ quan chức năng liên quan cần xử lý kịp thời các vi phạm. Đặc biệt, cần có những quy định ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu không làm nghiêm thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người coi nhẹ hoặc mất niềm tin vào luật pháp.

Một điểm đáng chú ý, nếu việc góp ý phản biện và tiếp thu để điều chỉnh được triển khai và thực hiện nghiêm túc thì sẽ trực tiếp góp phần hạn chế tình trạng “bỏ quên” các quy định pháp lý. Chẳng hạn, ở đề xuất phương tiện xe máy lưu thông phải bật đèn 24/24 giờ, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội phản biện rằng đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra không nên áp dụng quá cứng nhắc và máy móc các quy định. Khi đề xuất cần căn cứ vào những điều kiện cụ thể và mang tính đặc thù của giao thông Việt Nam.

Viện dẫn điều này, ông Bùi Danh Liên chia sẻ, trong công cuộc chống dịch Covid – 19 thời gian qua, Việt Nam xử lý tương đối hiệu quả và thành công. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới có những phương cách tưởng chừng hữu hiệu song khi áp dụng thực tế lại không mấy hiệu quả. Đồng quan điểm này, chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, ở Việt Nam, loại phương tiện di chuyển chủ yếu là xe gắn máy, vì vậy việc sử dụng đèn ban ngày, gia tăng sự căng thẳng cho người tham gia giao thông. Nguy cơ tai nạn nhiều hơn.

Tiếp thu những ý kiến phản biện, trao đổi quanh đề xuất này, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết quy định về đèn nhận diện là nội dung được luật hóa theo quy định tại công ước quốc tế trong lĩnh vực này, đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước có khí hậu tương đồng Việt Nam. Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Hằng Nga cũng chia sẻ quy định bật đèn nhận diện xe máy vào ban ngày sẽ không quy định “cứng” thành quy tắc giao thông.

Thay vào đó, chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa đảm bảo quy định của Công ước, vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người tham gia giao thông. "Trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa đảm bảo quy định của Công ước vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân" – đại diện Vụ trưởng Pháp chế thông tin.

Rõ ràng, để một chính sách mới ban hành đi vào được cuộc sống không hề đơn giản, ngay cả những chủ trương đúng như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông phải mất một thời gian dài tuyên truyền cũng như nỗ lực của các cơ quan chức năng mới đi vào nề nếp. Chính vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm ngay từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân cho đến khi ban hành các quy định, điều luật.

Đ.Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này