Đội tuyển quốc gia: Nỗi lo tiềm ẩn ở vị trí thủ môn

11:08 | 19/06/2020
(LĐTĐ) Vào cuối năm nay, các giải đấu bóng đá quốc tế và khu vực sẽ đồng loạt quay trở lại. Với nguy cơ không có được sự phục vụ của Văn Lâm trong khung thành đội tuyển Việt Nam, cùng với đó là phong độ thất thường của những cái tên còn lại (Bùi Tiến Dũng, Văn Toản, Văn Cường, Nguyên Mạnh), VFF đang tích cực thúc đẩy tiến độ nhập tịch của thủ thành Việt kiều Filip Nguyễn. Đây là tín hiệu đáng mừng khi khoảng trống mà Văn Lâm để lại sẽ có người thay thế. Tuy nhiên, điều này lại bộc lộ những hạn chế đang trở thành nỗi lo ở vị trí thủ môn của đội tuyển quốc gia.
Văn Lâm có xứng đáng bị chỉ trích sau trận thua của tuyển Việt Nam?
Thủ môn Phạm Văn Cường (Quảng nam FC): Đội tuyển Việt Nam tự tin trước những giải đấu lớn

Niềm hy vọng mang tên Filip Nguyễn

Trong thời gian qua, Đặng Văn Lâm luôn là lựa chọn số 1 trong khung thành đội tuyển quốc gia Việt Nam. Có Văn Lâm, Huấn luyện viên Park Hang-seo không phải vướng bận cho việc lựa chọn vị trí này trong đội hình ra quân trong các trận đấu.

5833 6z4a7451
Vị trí thủ môn của đội tuyển quốc gia vẫn là một nỗi lo.

Tuy nhiên, thủ môn số 1 của đội tuyển Việt Nam hiện vẫn đang phải "tập chay" cùng Muang thong United khi các giải đấu tại Thái Lan chưa kết thúc. Theo thông tin mới nhất, Văn Lâm thậm chí còn chắc chắn không thể cùng đội tuyển Việt Nam tham dự các trận đấu vào cuối năm, bao gồm cả AFF Cup 2020, do Thai-League sẽ đá xuyên suốt từ tháng 9/2020 cho tới tháng 5/2021.

Hơn thế, AFF Cup không thuộc hệ thống các giải đấu FIFA nên Muangthong United không có trách nhiệm phải nhả người. Điều này vô tình đẩy thầy Park vào vòng nguy hiểm trong bối cảnh Bùi Tiến Dũng và các thủ thành khác chưa gây được nhiều ấn tượng trong các giải đấu gần đây.

Niềm hy vọng lóe lên khi màn trình diễn ấn tượng trong màu áo Câu lạc bộ Slovan Liberec của thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn được Huấn luyện viên Park Hang-seo chú ý. Tuy nhiên, việc sử dụng Filip trong màu áo đội tuyển quốc gia là không thể, do anh chưa được cấp quốc tịch Việt Nam. Với mong muốn được đóng góp cho quê hương, tài năng gốc Việt sinh năm 1992 cùng gia đình đã tích cực làm hồ sơ xin quốc tịch Việt Nam. Dù vậy, do không đủ điều kiện (bắt buộc phải thường trú 5 năm tại Việt Nam và biết nói tiếng Việt) nên quá trình nhập tịch của Filip đã gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã cố gắng hỗ trợ thủ môn Việt kiều đang sinh sống tại Cộng hòa Séc trong điều kiện tốt nhất có thể. Trao đổi với báo chí, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF chia sẻ: "Cầu thủ Filip Nguyễn và gia đình anh luôn hướng về nguồn cội, khát khao được cống hiến cho đội tuyển Việt Nam. Bản thân thủ môn này cũng là cầu thủ có tài, rất xứng đáng được Việt Nam trọng dụng. VFF rất mong muốn có được sự phục vụ của Filip Nguyễn trong màu áo đội tuyển, vì thế chúng tôi đang tích cực hỗ trợ gia đình anh tiến hành các thủ tục về pháp lý.

Chúng tôi đã nghiên cứu một số văn bản quan trọng làm cơ sở cho việc nhập tịch Filip Nguyễn, trong đó Nghị quyết số 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Theo nội dung Nghị quyết này, Việt Nam cố gắng hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước, trong đó có thể dục thể thao".

Việc được xếp trong diện nhân tài về thể thao sẽ giúp Filip Nguyễn được ưu tiên miễn trừ các điều kiện bắt buộc theo quy định. Nếu sớm được cấp quốc tịch trước tháng 9 tới, ngoài việc chuẩn bị cho AFF Cup 2020 vào cuối năm, Filip Nguyễn hoàn toàn có thể góp mặt ở đợt hội quân của đội tuyển Việt Nam vào cuối tháng 8 để chuẩn bị cho Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.

Vẫn còn những nỗi lo

Dù đã vơi đi những lo lắng cho vị trí khung gỗ của đội tuyển quốc gia ở các mùa giải sẽ diễn ra vào cuối năm nhờ một niềm hy vọng mang tên Filip Nguyễn, nhưng việc phải trông chờ vào các thủ môn Việt Kiều đang cho thấy những mối lo từ việc đào tạo cũng như phong độ thi đấu thủ môn trong nước ở giai đoạn hiện nay.

Người hâm mộ trong nước hẳn chưa quên thành tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà khi U23 Việt Nam giành ngôi Á quân giải U23 châu Á năm 2018. Trong thành công này có đóng góp rất lớn của người hùng Bùi Tiến Dũng. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau phong độ thi đấu sa sút của Bùi Tiến Dũng đã khiến anh phải chịu đựng chuỗi ngày dài trên băng ghế dự bị của Câu lạc bộ Hà Nội. Việc không được ra sân thường xuyên càng khiến phong độ của Dũng mất dần do thiếu đi sự cọ xát. Gần đây, trong màu áo Câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh, cầu thủ quê Thanh Hóa đã có những pha cứu thua xuất sắc ở Cup Quốc gia. Thế nhưng, như thế là chưa đủ để xóa nhòa đi những sai lầm của chính anh trong màu áo U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á 2020. Đáng nói, Bùi Tiến Dũng lại tiếp tục dự bị tại Câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh, anh vẫn chưa có trận bắt chính nào từ khi V-League 2020 trở lại.

Một gương mặt khác vốn nằm trong danh sách gọi lên tuyển của Huấn luyện viên Park Hang-seo là Nguyễn Văn Toản, thủ môn đang thi đấu cho Câu lạc bộ Hải Phòng. Mới đây anh cũng có trận đấu tại Vòng 4 V-League 2020 gây thất vọng trước Becamex Bình Dương. Ở trận đấu này, Văn Toản để thủng lưới 5 bàn, trong đó bàn thắng thứ 3 của đội chủ nhà có được từ sai lầm của anh.

Ngoài ra, thủ môn Phạm Văn Cường của Quảng Nam cũng để lại ấn tượng không tốt khi có pha bắt bóng không chuẩn xác sau cú đá phạt của trung vệ Igor Jelic của SHB Đà Nẵng. Sai lầm này khiến bóng trôi qua tay và đi vào lưới. “Đóng góp” vào thất bại 1-6 của Quảng Nam trước đoàn quân của ông Lê Huỳnh Đức tại Vòng 4 V-League hẳn khiến nỗi lo về phong độ của Phạm Văn Cường trong lòng Huấn luyện viên Park Hang-seo tăng thêm đáng kể. Để thủng lưới 5 bàn và 6 bàn chỉ trong một vòng đấu, đây là tín hiệu đáng lo ngại mà thủ thành số 2 của tuyển quốc gia là Văn Toản và số 3 là Văn Cường để lại ở một giải đấu quốc nội.

Với những vấn đề khác nhau đến từ nhân sự cho vị trí khung gỗ của đội tuyển quốc gia ở thời điểm hiện tại, việc chờ đợi vào Văn Lâm, Filip Nguyễn hay một thủ môn Việt kiều nào khác cũng chỉ giải quyết được những khó khăn cho vị trí này mang tính nhất thời. Về lâu dài, chắc chắn phải có những chiến lược dài hạn trong việc đào tạo thủ môn trong nước, cũng như tạo điều kiện để những tài năng này được thi đấu cọ xát thường xuyên. Có như thế, cơn đau đầu trong việc tìm thủ môn cho tuyển quốc gia trước mỗi giải đấu mới được giải quyết dứt điểm.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này