Cơ hội cho sản phẩm truyền thống

13:31 | 11/06/2020
(LĐTĐ) Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt tay thực hiện, nhưng sau một thời gian triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã “vào guồng” tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chương trình OCOP giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phỗng đất, một phần ký ức của tuổi thơ
Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống

Nâng cao giá trị sản phẩm

Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, chương trình OCOP đã đặt ra mục tiêu nâng cao thu nhập, tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng chất lượng đời sống cho nhân dân. Chương trình đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán lạc hậu sang sản xuất, kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn...

Cơ hội cho sản phẩm truyền thống
Sản phẩm tham gia OCOP được nâng tầm giá trị. (Ảnh minh họa: P.T)

Điểm nhấn đáng chú ý, trong chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ở thời điểm hiện tại, một số địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, cùng với đó là hỗ trợ nhãn hiệu, kinh phí quảng bá, xúc tiến thương mại.

Huyện Ba Vì là ví dụ. Theo đó, thực hiện OCOP, huyện đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế... Sau khi lựa chọn được đối tượng, huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các chủ thể kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng các chuỗi sản xuất; tư vấn, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm...

Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân, năm 2019, huyện Ba Vì đã có 9 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 4 sao. Trong đó, 6 sản phẩm đạt hạng 4 sao, gồm: Sữa tươi thanh trùng không đường Trang Viên, sữa tươi thanh trùng có đường Trang Viên, sữa chua trắng Trang Viên, sữa chua nếp cẩm Trang Viên, caramen Trang Viên, bánh sữa Trang Viên; 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao, gồm: Gà đồi Ba Vì, mật ong thiên nhiên Vinh Hoa, tinh bột nghệ nếp đỏ Trung Năng.

Tương tự, để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, thị xã Sơn Tây đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2030”. Khi chủ cơ sở sản xuất đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm, thành phố và thị xã sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ để các sản phẩm trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Để chương trình đạt hiệu quả cao, thị xã Sơn Tây chú trọng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người lao động; tháo gỡ khó khăn cho các hộ về con giống, cây giống, vật tư phục vụ sản xuất. Thị xã cũng hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương hiệu tập thể cho các sản phẩm; phát triển, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, bao bì, tem nhãn hàng hóa.

Nhờ sự nỗ lực này thị xã có 5 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao gồm: Chả cá Thuần Việt, gà Mía Sơn Tây, kẹo dồi phủ vừng Quý Thảo, kẹo lạc Cao Quý Thảo và giò lợn Phùng Thị Quế. Năm 2020, thị xã phấn đấu có từ 20 - 30 sản phẩm được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên như: Bánh tẻ Phú Nhi, mật ong Kim Sơn, miến dong Cổ Đông, bánh gai Đường Lâm, rau an toàn Viên Sơn… Qua đó góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Giải pháp căn cơ, bài bản

Thực tế cho thấy, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa phải được các cơ quan chức năng của Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, tại Hà Nội – nơi có nhiều nông sản đặc sản, nhưng số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa nhiều. Sự chậm trễ này khiến không ít nông sản của Thủ đô ít nhiều giảm sức cạnh tranh trên thị trường dù có lợi thế là luôn bảo đảm các yêu cầu về chất lượng.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của Hà Nội đang triển khai giới thiệu, tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có hệ thống siêu thị. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn có 1.350 làng nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm. Đây chính là lợi thế để thành phố triển khai chương trình OCOP. Để giúp các chủ thể tham gia OCOP đưa sản phẩm vào siêu thị, cơ quan chuyên môn của thành phố phối hợp hệ thống siêu thị trưng bày các gian hàng bán và trưng bày hàng nghìn sản phẩm tham gia OCOP.

Và cũng có một thực tế khác, dù chương trình OCOP mang lại những tín hiệu tích cực giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhưng hiện nay một số địa phương vẫn chưa xác định được dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường: Công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; chế biến sản phẩm còn ở dạng thô, thiếu sự liên kết; Việc quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; quản lý nhà nước còn bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường; người dân chưa phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa; việc chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, thị trường chưa được coi trọng. Việc đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị chưa được thực hiện nhiều. Trước những thuận lợi và khó khăn đặt ra, việc tiếp tục khắc phục những hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm tham gia OCOP, tìm ra giải pháp phát triển bền vững là công tác cần quan tâm bậc nhất hiện tại.

Rõ ràng, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Những kết quả đạt được từ OCOP ở Sơn Tây và Ba Vì là minh chứng rõ nét nhất. Đây được coi là hướng đi trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

P.Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này