Để nhận được hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng an sinh- xã hội

Những điểm gì người lao động cần lưu ý?

11:09 | 09/06/2020
(LĐTĐ) Thời gian qua, Báo Lao động Thủ đô nhận được thắc mắc của nhiều người lao động về thủ tục, điều kiện để được hưởng gói chính sách hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Liên quan tới vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Nga – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội lưu ý người lao động cần nắm chắc nội dung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg để được thụ hưởng gói chính sách an sinh xã hội này.
nhung diem gi nguoi lao dong can luu y Nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh, tiếp tục làm tốt công tác an sinh- xã hội
nhung diem gi nguoi lao dong can luu y Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động
nhung diem gi nguoi lao dong can luu y Bí thư Thành ủy Hà Nội kiến nghị sớm có chính sách hỗ trợ giáo viên bị cắt, giảm lương
nhung diem gi nguoi lao dong can luu y
Ảnh minh họa.

Những nhóm đối tượng được hỗ trợ

Theo luật sư Nguyễn Thị Nga, với gói hỗ trợ hơn 62.000 tỉ đồng, có khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm đối tượng thụ hưởng, bao gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp, để được hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện sau: Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo thời hạn của hợp đồng từ 1 tháng liên tục trở lên, tính từ ngày 1/4 đến hết 30/6; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; làm việc tại doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Doanh nghiệp lập danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, đề nghị Công đoàn cơ sở và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách.

Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách theo đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động và gửi doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả.

Về hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Quyết định số 15 quy định người lao động được hỗ trợ kinh phí khi có đủ các điều kiện sau: Có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 1/4/2020 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 15/6/2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

4 lưu ý quan trọng đối với người lao động

Căn cứ Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thì người lao động gặp khó khăn do Covid-19 cần làm việc sau đây để nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP (ngày 9/4/2020).

Thứ nhất, trường hợp người lao độngbị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Người lao động lập và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định 15/2020 cho UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) để rà soát, xác nhận mức thu nhập và tổng hợp danh sách trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho người lao động.

Thứ hai, trường hợp người lao động không giao kết hợp đồng lao động (hay lao động tự do) bị mất việc làm: Người lao động lập và gửi văn bản đề nghị theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Quyết định 15/2020 cho UBND cấp xã sau ngày 15 hằng tháng để rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho người lao động.

Thứ ba, trường hợp lao động tự do có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định 15/2020 và ngược lại.

Thứ tư là trường hợp người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, thì doanh nghiệp sẽ chủ động lập danh sách người lao động trong doanh nghiệp có đủ điều kiện được hỗ trợ để gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hỗ trợ cho người lao động, nên người lao động không phải lập và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ nữa.

H. Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này