Dự án Đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông: Không thể chậm tiến độ mãi

11:09 | 09/06/2020
(LĐTĐ) Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lúc đầu số tiền đầu tư 552 triệu USD, sau đó tăng lên 891,92 triệu USD. Chậm tiến độ 10 năm và hiện đang phải trả lãi mỗi năm 650 tỉ đồng mà chưa biết khi nào đưa vào vận hành thương mại đang là câu chuyện thời sự hiện nay.
khong the cham tien do mai Không có cơ sở để xem xét đề nghị 50 triệu USD của Tổng thầu EPC
khong the cham tien do mai Ga đường sắt trên cao biến thành chợ hoa

Từ n lần tuyên bố…

Tháng 10/2011 khi dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông -Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu khởi công, theo kế hoạch mà chủ đầu tư đưa ra thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2014.

khong the cham tien do mai
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, ngốn trên 891 triệu USD, từ ngày khởi công đến nay gần 10 năm vẫn chưa thể vận hành…

Từ tháng 10/2014 - 6/2015, sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30/6/2015. Tuy nhiên, kế hoạch bị đổ bể, tiếp theo đó dự án bị đối vốn và tổng số tiền đầu tư lên tới 891.92 triệu USD và trải qua n… lần hứa sẽ cho vận hành thương mại, nhưng rốt cuộc vẫn chưa thấy đâu.

Nhớ lại chiều ngày 12/5/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đi kiểm tra tiến độ công trình dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Tại đây, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh: "Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là biểu tượng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khó khăn nhất của dự án trong giai đoạn vừa qua là nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được hai nước giải ngân, vì vậy không thể để các khó khăn, vướng mắc khác làm cản trở tiến độ dự án”. Tiếp đó ông đánh giá và chỉ đạo: "Công trình này tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Ban Quản lý dự án, tổng thầu và các đơn vị phải nỗ lực hơn nữa, quyết không lùi tiến độ, đảm bảo dự án vận hành thử nghiệm vào tháng 10/2018 và khai thác thương mại vào tháng 12/2018”.

…đến chưa biết ngày nào

Mặc dù 3 đời lãnh đạo ngành GTVT đều tuyên bố thời gian đưa vào vận hành dự án, tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội liên quan đến dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành, nhưng chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác. Cụ thể, còn tồn tại một số các vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán....

Liên quan hồ sơ hoàn công và nghiệm thu, báo cáo nêu rõ: Tại các cuộc họp trực tuyến và bằng văn bản, Ban Quản lý dự án Đường sắt tiếp tục đôn đốc Tổng thầu tập trung bố trí nhân sự hoàn thiện hồ sơ các hạng mục về phần xây dựng (hạng mục kiến trúc các nhà ga và đơn thể Depot) và các tồn tại về hồ sơ phần thiết bị đồng thời yêu cầu các đơn vị tư vấn khẩn trương rà soát, kiểm tra có ý kiến dứt điểm các vấn đề tồn tại, làm cơ sở để Tổng thầu hoàn thiện cuối cùng. Về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống, Chính phủ cho biết: Các vấn đề mà tư vấn ACT đưa ra phải thực hiện theo quy định của pháp luật và cần Tổng thầu tích cực phối hợp, thực hiện cung cấp các hồ sơ tài liệu, mới có thể hoàn thành việc đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.

Đối với khó khăn vướng mắc của gói thầu tư vấn giám sát, báo cáo cho hay: Do Tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên Dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới. Đồng thời do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm nên chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu tư vấn giám sát.

Trong khi đó, theo thông tin mà báo chí mấy ngày qua đăng tải, tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán số tiền 50 triệu USD để vận hành hệ thống và yêu cầu thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Còn phía chủ đầu tư thì cho rằng đây là đòi hỏi vô lý. Gói thầu tư vấn giám sát chưa có thì cũng chẳng giám cơ quan quản lý Nhà nước nào giám ký giấy “thông hành” về chất lượng an toàn (an toàn công trình, an toàn chạy tàu), đấy là chưa kể “quả bóng” 50 triệu USD mà tổng thầu đề nghị thanh toán…thì chưa biết đến bao giờ dự án này mới đi vào hoạt động!

Ký sự đội vốn và lỡ hẹn

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng vào 10/2011 với vốn đầu tư ban đầu là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD theo tỷ giá lúc bấy giờ). Trong số đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD), vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 13,1 km, đi trên cao, với 12 nhà ga và theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành tháng 6/2014.

Báo Lao động trong một bài viết của Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai đưa ra dẫn chứng tuyến đường sắt trên cao của Ethiopia (quốc gia châu Phi) cũng do Trung Quốc tài trợ từ nguồn vay ODA, dài 31,1km, 39 nhà ga. Tốc độ tàu chạy có thể đạt tới 70 km/giờ, vốn đầu tư 475 triệu USD và đã hoàn thành sau 38 tháng thi công. Trong khi đó, tuyến Cát Linh- Hà Đông dài chỉ 13 km mà số tiền đầu tư lên tới trên 891 triệu USD, sau 10 năm thi công đến nay vẫn chưa và chưa biết khi nào đi vào hoạt động. Đây là những con số biết nói cần suy nghĩ.

Từ tháng 10/2014 – 6/2015, sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30/6/2015. Tuy nhiên sau gần 10 năm thi công và được điều chỉnh lên tới trên 891 triệu USD, đến nay dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây dựng nhưng vẫn chưa thể vận hành và nhiều lần lỡ hẹn khai thác. Cụ thể, tháng 7/2015, tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo tiến độ các nhà ga trên tuyến mới đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ đến giữa 2016.

Đến giữa năm 2016, dự án lại lỗi hẹn, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu ngày 31/12/2016, tổng thầu phải hoàn thành xây lắp, cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, tổng thầu EPC một lần nữa xin lùi đến đầu 2018. Tháng 12/2016, Bộ GTVT trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tiến độ do chờ xác định lại tổng mức đầu tư, nên lùi thời điểm chạy thử vào tháng 10/2017. Nhưng mốc này cũng bị vỡ do việc vay vốn bổ sung 250 triệu USD của Ngân hàng Eximbank Trung Quốc gặp trục trặc về pháp lý dẫn tới giải ngân chậm.

Tháng 5/2017, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương xử lý các vướng mắc, đặc biệt về vốn để dự án vận hành thương mại vào quý II/2018. Đến tháng 12/2017, trong cuộc họp tiến độ, sau khi Ngân hàng Eximbank thông qua thủ tục giải ngân vốn bổ sung, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu cuối 2018 dự án phải vận hành thương mại. Nhưng dự án vẫn không thể về đúng hẹn. Mốc tiến độ tiếp tục được lùi lại sau khi vận hành thử nghiệm từ tháng 9/2018, chính thức vận hành tháng 4/2019 cũng đã bị phá vỡ. Như vậy, tính đến tháng 4/2019, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã 8 lần vỡ tiến độ. Một dự án tốn quá nhiều tiền của, gần 10 năm chưa hoàn thiện và với cả chục lần hứa sớm đi vào vận hành. Vấn đề đặt ra đã đến lúc không thể trì hoãn việc đưa vào khai thác thương mại dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông!

H. Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này