Trẻ thấp còi vì nhà tiêu không hợp vệ sinh

08:47 | 18/09/2014
LĐTĐ -Đây là ý kiến của bà Susanna Smets, điều phối viên Chương trình nước và vệ sinh tại Việt Nam tại buổi lễ công bố nghiên cứu lợi ích kinh tế của sáng kiến cải thiện vệ sinh.

Nghiên cứu này được Chương trình nước và vệ sinh (WSP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức thực hiện tại Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.  Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ diễn ra trong vòng hai thập kỷ qua  đã làm giảm đáng kể tình trạng phóng uế bừa bãi ở các vùng nông thôn từ 44% (năm 1990) xuống còn 3% (năm 2012). Dù vậy, tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng công trình chưa hợp vệ sinh vẫn ở mức từ 26 %  đến 30%. Đáng ngại là, người nghèo ở nông thôn thường có tỷ lệ phóng uế bừa bãi hoặc sử dụng nhà tiêu chưa hợp vệ sinh cao gấp 5 lần (58%) so với người giàu.

Việc sử dụng nhà tiêu chưa hợp vệ sinh ở vùng nông thôn miền núi Việt Nam dẫn đến thực tế trẻ dưới 5 tuổi có chiều cao thấp hơn 3,7 cm so với trẻ ở những nơi mọi người đều sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trẻ thấp còi không chỉ thấp hơn so với trẻ cùng độ tuổi mà khả năng nhận thức và kết quả học tập cũng dễ bị kém hơn khi lớn lên và đến tuổi thành niên. Những đứa trẻ này có khả năng lao động kém hơn khi trưởng thành và đóng góp được ít hơn cho sự phát triển của đất nước.  “Chấm dứt phóng uế bừa bãi và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh nên là một vấn đề ưu tiên đối với các nhà hoạch định chính sách, những người quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực hiện tại và tương lai của đất nước. Nói một cách đơn giản, đầu tư vào vệ sinh có nghĩa là đầu tư vào một thế hệ tương lai thông minh và có khả năng lao động tốt” điều phối viên Chương trình nước và vệ sinh kiến nghị.

N.H
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này