Xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ, có khả thi?

16:15 | 28/05/2020
(LĐTĐ) Hiện nay, hàng chục triệu xe máy vẫn chưa được kiểm soát cả về khí thải lẫn niên hạn. Trong khi đó, ô nhiễm không khí trong đô thị được xác định chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới. Để tăng hiệu quả bảo vệ môi trường, đề xuất kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông - một điểm bổ sung trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được kỳ vọng là “liều thuốc” kéo giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, để triển khai ý tưởng trên là điều không dễ thực hiện, bởi kiểm soát khí thải đối với xe máy khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với ôtô.
xe may phai kiem tra khi thai dinh ky co kha thi Đề xuất xe máy lưu thông phải bật đèn 24/24 giờ: Cần xem xét hiệu quả
xe may phai kiem tra khi thai dinh ky co kha thi Kinh nghiệm bảo vệ bản thân khi chạy xe máy dưới trời nắng nóng
xe may phai kiem tra khi thai dinh ky co kha thi Lãng phí, nguy hiểm và không hiệu quả!

Vẫn đang thả nổi, không kiểm soát

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ Giao thông Vận tải công bố đang thu hút sự quan tâm của người dân. Trong đó, nhiều điều khoản mới tác động trực tiếp đến xe máy - loại phương tiện cơ giới đang sử dụng nhiều hiện nay. Cụ thể, khoản 6 Điều 93 trong dự luật quy định mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải. Dự luật cũng nêu rõ việc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Thực tế, tại Hà Nội, trong các loại hình phương tiện giao thông đô thị thì xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của đa số người dân, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, thành phố hiện có khoảng 6,6 triệu phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó xe máy lên tới 6 triệu chiếc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của xe máy là 6,75%.

xe may phai kiem tra khi thai dinh ky co kha thi
Hiện khí thải xe máy vẫn đang được thả nổi, không kiểm soát. Ảnh: Giang Nam

Đáng nói, tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, chỉ số ô nhiễm thường xuyên ở mức cao, không có lợi cho sức khỏe. Một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí được xác định là do khí thải từ phương tiện cơ giới đường bộ. Đặc biệt, các phương tiện không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Nói cách khác, xe máy càng cũ nát thì lượng phát thải khói càng cao, trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Theo ghi nhận thực tế tại các quận nội thành, số người sử dụng xe máy đặc biệt là những xe “quá đát” chủ yếu vào các khung giờ 3 – 5h sáng; 11h30-13h30 chiều và từ 22h đêm đến 3h sáng. Các loại phương tiện “quá đát” này phần lớn chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ. Xe cũng hội tụ “nhiều không” như không còi, không gương, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan…

Dù xếp vào dạng xe “nhiều không”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông nhưng một lượng lớn các nhu yếu phẩm như: Gas, thịt lợn, cá, nước tinh khiết, đồ gỗ nội thất, nước giải khát, phế liệu, nước rác phục vụ chăn nuôi gia súc, vật liệu xây dựng… vẫn đều đặn được các xe này “tải” và phân phối khắp Hà Nội. Sở dĩ các loại xe này được “chuộng” bởi khi sang tay, mua bán lại thường rẻ và vứt xe ngoài đường sẽ không sợ mất.

Được biết, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chất lượng không khí tại Hà Nội ngày càng bị ô nhiễm thì một phần lại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ việc một bộ phận người dân chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường. Nhiều người có thói quen sử dụng phương tiện trong một thời gian dài mà không có sự chăm sóc, sửa chữa. Trong khi vì mưu sinh, nhiều phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng

Cần lộ trình thực hiện

Quanh đề xuất xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ, không ít ý kiến cho rằng đây là động thái hết sức cần thiết, tạo khuôn khổ và hành lang pháp lý để giải quyết một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, từng bước thay đổi thói quen của người dân khi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Đặc biệt, thông qua việc đăng kiểm, kiểm tra định kỳ sẽ sàng lọc và loại bỏ được các xe cũ nát. Từ đó dán tem đạt chuẩn khí thải để phân biệt xe cũ và xe mới.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc kiểm soát khí thải xe gắn máy là rất cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe máy, lượng xe máy cũ nhiều. “Đây là việc phải làm, và càng sớm triển khai càng hiệu quả bởi số lượng xe máy hiện giờ đã rất lớn. Tôi nghĩ nhiều nước đã áp dụng và ta hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm trong công tác triển khai. Đặc biệt chúng ta cần có những lộ trình thực hiện cụ thể…” - TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

xe may phai kiem tra khi thai dinh ky co kha thi
Phương tiện xe cơ giới xả khói là một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội diễn ra phức tạp với mức nguy hại tăng cao.

Ở góc độ tiếp cận khác, quanh đề xuất này nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn khi kiểm định xe máy tập trung vào các xe cũ nát. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng xe máy cũ nát thường là những lao động nghèo. Họ sử dụng xe máy cũ như phương tiện chủ yếu để mưu sinh. Ngoài ra, nếu được triển khai áp dụng thực tế thì việc kiểm định dễ kéo theo hệ lụy là trung tâm đăng kiểm không đảm bảo chất lượng mọc lên như nấm. Chất lượng công tác kiểm định, phí kiểm định… cũng giành được không ít sự quan tâm.

Bàn sâu hơn về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng nêu quan điểm cần phải có lộ trình cụ thể thì khi triển khai thực tế mới mang lại hiệu quả. “Trước khi áp dụng thực tế thì cần tổ chức các cuộc khảo sát, đánh giá mức ảnh hưởng đến người lao động nghèo, từ đó sẽ có các phương án hiệu quả.

Ngoài ra, khâu đoạn kiểm định, kiểm tra khí thải của xe máy nên xã hội hóa với mức chi phí vừa phải. Chẳng hạn, có thể giao việc kiểm tra cho các tiệm sửa xe. Nếu một năm kiểm định, kiểm tra khí thải của xe máy chỉ phải chi trả dưới 100.000 đồng, chia ra từng tháng thì số tiền bỏ ra không lớn, mang lại lợi ích cho môi trường, mọi người sẽ sẵn sàng chung tay, ủng hộ” - TS Hoàng Dương Tùng cho biết.

Rõ ràng, nếu quy định của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi về kiểm định, kiểm tra khí thải của xe máy được thông qua thì sẽ giúp cho việc kiểm soát xe máy đạt chuẩn khí thải ở cả hai đầu là đầu vào từ nhà sản xuất và đầu ra từ người sử dụng. Ngoài ra, khi triển khai có sự khảo sát kỹ lưỡng, lộ trình áp dụng cụ thể với mức chi phí hợp lý, thủ tục đơn giản… công tác kiểm định, kiểm tra khí thải của xe máy sẽ đi vào cuộc sống.

“Khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn ở các đô thị. Bởi vậy, việc kiểm soát khí thải là cần thiết, rất nhiều nước trên thế giới đã triển khai thực hiện. Ở nước ta, kiểm soát khí thải ở ô tô đã triển khai nhưng xe máy thì chưa, dù năm 2010, Thủ tướng phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, trong đó mục tiêu là áp dụng trước tại các đô thị đặc biệt, loại 1 và loại 2. Việc không kiểm soát khí thải dẫn đến hệ lụy là những xe quá niên hạn, xe cũ vẫn lưu hành. Đây là việc phải làm, và càng sớm triển khai càng hiệu quả bởi số lượng xe máy hiện giờ đã rất lớn. Tôi nghĩ nhiều nước đã áp dụng và ta hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm trong công tác triển khai. Đặc biệt chúng ta cần có những lộ trình thực hiện cụ thể…” - TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này