Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hàng năm có khoảng hơn 50 triệu trường hợp gãy xương có liên quan đến tình trạng loãng xương. Tại Việt Nam, tình trạng loãng xương tuy diễn ra âm thầm nhưng cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh ở mức khoảng 25% và tỷ lệ giảm mật độ xương cũng đã ở mức 50%.
TS Hương cho rằng, hậu quả đáng ngại nhất của loãng xương là gây gãy xương, tăng nguy cơ tử vong và tăng chi phí y tế. Vì thế việc chẩn đoán sớm và chính xác đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việt Nam đã có giá trị tham chiếu về mật độ xương cho người Việt. Tuy nhiên có một thực tế là tất cả máy đo mật độ xương ở nước ta chưa sử dụng tham chiếu này của người Việt. Vì thế, nhiều người đang bị chẩn đoán oán nên điều trị oan.
Chứng minh cho điều này, TS Hương đưa ra 2 ví dụ về máy đo loãng xương của 2 trung tâm tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong 2 năm, có 4500 nam giới đến đo. Kết quả chỉ ra rằng, 23% được chẩn đoán bị loãng xương nếu sử dụng tham chiếu do hãng chung cấp. Tuy nhiên, nếu sử dụng tham chiếu của người Việt thì có 7% bị loãng xương và sử dụng tham chiếu của Nhật Bản thì là 10%. Như vậy có khoảng 13% người bị chẩn đoán oan tương đương với 730 người.
Các chuyên gia khuyến cáo để phòng chống loãng xương người bệnh cần đảm bảo đủ canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn theo nhu cầu khuyến nghị; Giữ vững cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn; Không hút thuốc, không sử dụng nhiều rượu bia; Đi khám khi thấy các triệu chứng về xương khớp.
N. Huyền
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/50-phu-nu-tren-50-tuoi-bi-loang-xuong-10855.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này