Sau đại dịch, ưu tiên tuyển dụng “người cũ”

16:05 | 21/05/2020
(LĐTĐ) Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của nhân viên. Tuy nhiên, khi tuyển dụng trở lại, có tới 2/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ ưu tiên tuyển dụng các nhân sự đã từng làm việc tại công ty. Đáng chú ý, gần 60% ứng viên cho biết sẽ chấp nhận đề xuất này.
sau dai dich uu tien tuyen dung nguoi cu Hỗ trợ nhóm ứng viên chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tìm việc làm mới
sau dai dich uu tien tuyen dung nguoi cu Những điều cần biết về quy trình, thủ tục thi tuyển viên chức năm 2020
sau dai dich uu tien tuyen dung nguoi cu Kết nối cung- cầu lao động hiệu quả từ giao dịch tuyển dụng trực tuyến

Cắt giảm nhân sự, giảm lương khá phổ biến

VietnamWorks, trang web tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam vừa phát hành Báo cáo “Covid-19 và thị trường nhân lực: Những thách thức để tiến tới trạng thái bình thường mới” dựa trên kết quả khảo sát của 400 doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc.

Qua khảo sát, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đa số các quốc gia trong đó có Việt Nam đã tiến hành các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, đóng cửa trường học, các loại hình kinh doanh không thiết yếu và ngưng nhập cảnh. Điều này dẫn tới hàng loạt các doanh nghiệp trong ngành ẩm thực và đồ uống, nhà hàng/khách sạn/du lịch, giáo dục/đào tạo… phải dừng hoạt động.

Việc đa số người dân đều phải làm việc tại nhà, hoạt động tiêu dùng giảm sút nặng nề khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ/bán sỉ đóng cửa.Theo các chuyên gia về lao động - việc làm, đa số các ngành bị ảnh hưởng nhiều dẫn đến đóng cửa cũng là những ngành sẽ phải cắt giảm nhân sự hoặc lương, thưởng, phúc lợi.

sau dai dich uu tien tuyen dung nguoi cu
2/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ ưu tiên tuyển dụng các nhân sự đã từng làm việc tại công ty ngay trước thời điểm đại dịch

Thực tế cho thấy, tình hình doanh nghiệp đáng báo động, nhưng tình hình của người lao động còn trầm trọng hơn, khi có đến 70% số người được khảo sát (trong tổng số 3.400 người tham gia khảo sát) trả lời đang bị ảnh hưởng về thu nhập hoặc mất việc, trong đó có tới 39,6% người lao động đã mất việc và chỉ 1,1% trong số họ đã có công việc toàn thời gian trở lại.

Ảnh hưởng từ đại dịch khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí về nhân sự, trong đó tình trạng cắt giảm nhân sự cấp thấp, giảm lương từ quản lý cấp trung là phương án phục hồi phổ biến. Kết quả khảo sát cho thấy, khi được hỏi về việc “cắt giảm nhân sự tại các cấp bậc trong công ty”, 72% doanh nghiệp chọn cắt giảm nhóm nhân viên cấp thấp, trong đó 51% chọn cắt giảm nhóm nhân viên ít kinh nghiệm, 21% chọn nhóm thực tập sinh, mới ra trường.

Nhóm này cũng dự đoán sẽ đối mặt với khó khăn khi tìm việc mới, theo đó gần 42% doanh nghiệp lựa chọn khi khôi phục kế hoạch tuyển dụng sẽ ưu tiên tuyển nhân viên nhiều kinh nghiệm, chỉ 19% chọn tuyển nhân viên ít kinh nghiệm và 5% chọn tuyển thực tập sinh, mới ra trường.

Đối với phương án giảm lương, có 58% các doanh nghiệp lựa chọn giảm lương của nhân sự cấp trung cấp cao, trong đó có 17% doanh nghiệm chọn nhóm Trưởng nhóm/Giám sát; 20% chọn cắt giảm lương nhóm Quản lý, 21% chọn nhóm Giám đốc/Trưởng bộ phận.

39% doanh nghiệp sớm có kế hoạch tuyển dụng

Kết quả khảo sát của VietnamWorks cũng chỉ ra quan hệ tương sinh giữa “chi tiêu - việc làm” chưa ổn định trở lại. Bằng chứng là có gần 40% người lao động đã mất việc và chưa có việc làm toàn thời gian trở lại; trong số 60% lực lượng lao động còn đang đi làm thì 1/2 trong số này đang bị giảm thu nhập, dẫn đến giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng (nhóm lao động chính cũng đồng thời là nhóm mua sắm, tiêu dùng nhiều nhất trên thị trường), từ đó khiến doanh nghiệp buộc phải giảm năng suất sản xuất và chưa thể khôi phục kinh doanh hoàn toàn như khi trước dịch, kéo theo việc hạn hẹp hơn về những cơ hội việc làm do doanh nghiệp không có hoặc buộc phải giảm nhu cầu tuyển dụng.

Báo cáo “Covid-19 và thị trường nhân lực: Những thách thức để tiến tới trạng thái bình thường mới” của VietnamWorks cho thấy, điểm sáng trong cơn khủng hoảng này là có 16,2% các doanh nghiệp đang tăng trưởng và tăng quy mô nhân sự; 43,2% các doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, vẫn có khả năng duy trì lực lượng nhân sự cũng như lương và phúc lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, 30,5% các doanh nghiệp đã phải cắt giảm nguồn lực nhân sự (bao gồm cắt giảm nhân sự, lương và phúc lợi), để có thể duy trì doanh nghiệp qua cơn khủng hoảng, với xu hướng chọn cắt giảm lương hơn là cắt giảm nhân sự; và có tới 10,8% các doanh nghiệp đã phải thực hiện cả cắt giảm nhân sự lẫn lương, phúc lợi của người lao động.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng được ghi nhận từ kết quả khảo sát của VietnamWorks trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sau giãn cách xã hội với khoảng 400 doanh nghiệp, khi được hỏi về tình hình doanh nghiệp, có đến gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực nhất định để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh.

Cụ thể, 44% doanh nghiệp cho biết vẫn đang hoạt động bình thường, có khả năng duy trì lực lượng nhân sự cũng như lương và phúc lợi cho người lao động; 16% các doanh nghiệp cho biết họ đang tăng trưởng và tăng quy mô nhân sự. Bên cạnh đó, nhóm chịu tổn thương do Covid-19 chiếm 40%, trong đó 30% doanh nghiệp đã phải cắt giảm nguồn lực nhân sự để duy trì qua cơn khủng hoảng, 10% các doanh nghiệp chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương, phúc lợi.

Nhận định về thị trường tuyển dụng nhân lực thời gian tới, theo các chuyên gia về lao động - việc làm, mặc dù sự tăng trưởng về số lượng công việc đăng tuyển trong 1 tuần đầu tháng 5/2020 (thời gian sau giãn cách) tăng đến 20%, nhưng vẫn chưa đủ để cân bằng cán cân cung - cầu khiến thị trường tuyển dụng và việc làm hiện nay vẫn cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Đáng chú ý, khi được hỏi về thời gian hoạt động tuyển dụng trở lại, có đến 39% doanh nghiệp thể hiện sự lạc quan sẽ sớm khôi phục hoạt động tuyển dụng, trong đó 14% cho biết họ khôi phục hoạt động tuyển dụng ngay lập tức; 8% chọn nửa tháng sau, 17% chọn phương án khôi phục 1 tháng sau. Bên cạnh đó, có 20% doanh nghiệp cho biết vẫn chưa xác định được khi nào đưa hoạt động tuyển dụng trở lại bình thường; 19% doanh nghiệp đợi đến 3 tháng sau, 17% chọn thời điểm nửa năm sau.

Và khi được hỏi về đối tượng ứng viên ưu tiên tuyển dụng khi bắt đầu hoạt động bình thường trở lại, có tới 2/3 các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng các nhân sự đã từng làm việc tại công ty ngay trước thời điểm đại dịch vì những lý do: Các nhân sự này đã quen việc, họ vẫn còn gắn bó với công ty và giảm được chi phí tuyển dụng. Đây là một điểm đáng chú ý cho các ứng viên khi tìm việc, và có đến 60% các ứng viên sẽ chấp nhận quay lại làm việc ở công ty cũ.

Từ góc độ người lao động, qua khảo sát ý kiến của ứng viên, nhiều lao động cho biết, họ sẵn sàng quay lại công ty cũ, nhưng sẽ ra đi nếu giảm lương quá lâu. Bằng chứng là khi được hỏi, nếu công ty cũ mời làm việc lại, có đến gần 60% ứng viên sẽ chấp nhận đề xuất này, tuy nhiên, 1/2 trong số này cho biết điều kiện đi làm lại là “sẽ không đồng ý giảm lương so với trước đây”. Đối với nhóm chấp nhận giảm lương, nhưng vẫn có một giới hạn nhất định về thời gian chấp nhận điều này, theo đó 70% số này cho biết sẽ chấp nhận trong 3 tháng trở lại.

Khi tiếp tục hỏi nếu thời gian giảm lương vượt quá mức chịu đựng thì hầu hết người tham gia khảo sát đều có những phản ứng khác nhau để có được thu nhập tốt hơn đúng với mong đợi, trong đó 63% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tìm kiếm các cơ hội mới và chỉ 37% tiến hành đề nghị công ty tăng lương và phúc lợi.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này