Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

10:43 | 20/05/2020
(LĐTĐ) Sáng nay 20/5, tại Hà Nội, Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, đề nghị của Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế tại kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 19 ngày (từ ngày 20/5 – 18/6/2020). Theo chương trình đã được thông qua, kỳ họp sẽ được chia làm 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.
chinh thuc khai mac ky hop thu 9 quoc hoi khoa xiv Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Cụ thể hóa mục tiêu "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội"
chinh thuc khai mac ky hop thu 9 quoc hoi khoa xiv Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Một kỳ họp “đặc biệt”
chinh thuc khai mac ky hop thu 9 quoc hoi khoa xiv Ngày đầu Kỳ họp thứ 9 dự kiến EVFTA sẽ được Quốc hội thông qua

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, mặc dù vừa phải tập trung chống dịch Covid-19, vừa phải đẩy mạnh phục hồi kinh tế, ổn định xã hội, nhưng các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực khẩn trương, nỗ lực cao nhất trong chuẩn bị để kỳ họp khai mạc hôm nay.

Điều đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, sự đồng sức, đồng lòng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

chinh thuc khai mac ky hop thu 9 quoc hoi khoa xiv
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc

Bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu và Việt Nam. Dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa… và đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng.

Trước những khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, chỉ đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA (Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế…

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp lần này chương trình nghị sự sẽ diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào các vấn đề như xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra các giải pháp thực hiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn.

Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, góp phần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp, huy động nguồn lực trong xã hội, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét, phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức; Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét một số nội dung quan trọng khác…

chinh thuc khai mac ky hop thu 9 quoc hoi khoa xiv
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng 20/5/2020

Cũng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến những tác động của đại dịch Covid-19 đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, thủy sản…sụt giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, chúng ta tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân…

“Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau dịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Theo Chương trình, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ) từ 20//5 – 18/6/2020; Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020); Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18/6/2020.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này