Hướng đích 100% người dân Thủ đô được sử dụng nước sạch:

Kỳ cuối: Gỡ "điểm nghẽn" cấp nước sạch

15:15 | 15/05/2020
(LĐTĐ) Hiện các dự án cung cấp nước sạch của thành phố Hà Nội đã bao phủ tới 75% khu vực nông thôn, và đây cũng chính là "nút thắt" chưa thể vượt qua của cả nhà quản lý lẫn doanh nghiệp.
ky cuoi go diem nghen cap nuoc sach Kỳ 2: Mục tiêu cả “lượng” và “chất”
ky cuoi go diem nghen cap nuoc sach Kỳ I: Đảm bảo “nguồn cung” nước sạch trong mùa nắng nóng
ky cuoi go diem nghen cap nuoc sach Hà Nội: 100% người dân được sử dụng nước sạch vào năm 2020

Nhiều dự án chậm tiến độ

Đến nay thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước. Trong đó, có 11 dự án phát triển nguồn cấp nước tập trung, 28 dự án phát triển mạng. Dự kiến, đến hết năm 2020, các dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 96% gia đình có nhu cầu. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm. Bên cạnh những vướng mắc do giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép chậm... thì nguyên nhân chính khiến nhiều dự án triển khai không đúng tiến độ là việc cân đối thu chi

Cụ thể, trong 11 dự án phát triển nguồn tập trung đang triển khai thì mới có 4 dự án hoàn thành, còn lại là chậm hoặc chưa triển khai. Trong số 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước, mới có 14 dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành, 12 dự án đang triển khai thực hiện, còn lại 2 dự án chưa thực hiện.

ky cuoi go diem nghen cap nuoc sach
Công nhân Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông vận hành hệ thống cung cấp nước sạch (Ảnh: Khánh Chi).

Ví dụ, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng, do Công ty Cổ phần nước mặt sông Hồng thực hiện đến nay đang triển khai cầm chừng, đã chậm tiến độ hơn 1 năm, mà nguyên nhân trước đây là do giải phóng mặt bằng, nhưng sau khi có mặt bằng thì nhà đầu tư lại chậm triển khai thực hiện.

Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận đã được Uỷ ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương từ năm 2013 do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện. Nguồn cung cấp nước sạch hiện chưa phủ tới phạm vi dự án. Tiến độ thi công tuyến đường theo quy hoạch chưa triển khai. Công tác giải phóng mặt bằng trạm tăng áp X1, X2 gặp vướng mắc, khó khăn, tuyến truyền dẫn nước sạch cấp nguồn cho dự án chưa được đầu tư xây dựng.

Nhà máy nước Mê Linh tại xã Tiến Thịnh được thành phố phê duyệt chủ trương từ tháng 6/2018 với phương thức vừa thi công vừa làm thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho 12 xã còn lại của huyện Mê Linh. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp phải rào cản là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa công suất 2.000m3/ngày đêm do Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư triển khai hoàn thành dự án từ năm 2013. Tuy nhiên dự án tạm dừng từ tháng 6/2016 do việc chuyển nguồn nước thô (từ nguồn nước sông Đáy sang nguồn nước Hồ Quan Sơn), còn phục vụ nhiệm vụ tưới tiêu. Bà con nơi đây vẫn hàng ngày dùng nước giếng khoan và trông chờ dự án…

Cần tạo sự đồng thuận

Để có một nhà máy nước sạch đi vào hoạt động, cung cấp nguồn nước sạch đến các hộ dân, chủ đầu tư thực hiện xây dựng và lắp đặt nhiều hạng mục công trình, từ giải phóng mặt bằng, cải tạo, xây dựng hệ thống cấp nước đầu mối, trạm bơm nước thô, hồ trữ lắng, khu xử lý hóa chất, hệ thống điện, trạm biến áp để vận hành cấp nước sạch, đến lắp đặt hệ thống ống dẫn nước, đồng hồ đo đếm đến tận hộ dân... Vì vậy, nguồn vốn để xây dựng được công trình cấp nước sạch là không hề nhỏ. Thế nhưng, khi các công trình này đi vào hoạt động thì hiệu quả vận hành lại chưa được như kỳ vọng.

ky cuoi go diem nghen cap nuoc sach
Tại nhiều nơi người dân vẫn chưa mặn mà với "nước sạch" (ảnh: Mai Quý).

Theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều nơi, người dân không chịu đấu nối sử dụng nước sạch do phải trả chi phí sử dụng hàng tháng và chi phí đầu tư hệ thống mạng cấp nước sau đồng hồ. Trong khi đó, đối với những gia đình đã hoàn thành việc đấu nối, lượng nước sử dụng hàng tháng cũng rất ít, chủ yếu phục vụ việc ăn uống… còn các hoạt động khác như tắm, gội vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nước tự nhiên.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đình Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội, thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Hoài Đức từ năm 2018, đến nay Công ty đã cấp nước tới 15/15 xã, thị trấn thuộc dự án, tỷ lệ hộ dân đăng ký hiện đạt 83%. Đây là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp cấp nước, song tính bình quân trên địa bàn, lượng nước sử dụng còn thấp (khoảng 14m3/tháng/hộ). Đáng nói, trong số 24.900 hộ đăng ký, có gần 2.000 đồng hồ không phát sinh khối lượng sử dụng.

Trước các vướng mắc hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã giao Sở Tài chính, Sở Tài Nguyên và Môi trường căn cứ quy định hiện hành tham mưu báo cáo thành phố.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này