Đề xuất phương tiện xe máy lưu thông phải bật đèn 24/24 giờ:

Lãng phí, nguy hiểm và không hiệu quả!

06:45 | 15/05/2020
(LĐTĐ) Ít ngày gần đây, nhiều quy định mới của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội, trong đó có quy định xe máy phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế suốt quá trình lưu thông trên đường. Nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, đề xuất trên khó mang lại hiệu quả. Đặc biệt, khi đưa vào triển khai thực tế đề xuất này sẽ tăng thêm gánh nặng cho lực lượng chức năng khi duy trì xử lý vi phạm.
lang phi nguy hiem va khong hieu qua Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông
lang phi nguy hiem va khong hieu qua Khí thải từ phương tiện vẫn khó kiểm soát?
lang phi nguy hiem va khong hieu qua Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông
lang phi nguy hiem va khong hieu qua
Nếu phương tiện giao thông bật đèn ban ngày có thể gây chói mắt với người điều khiển phương tiện đi ngược chiều. Ảnh: Giang Nam

Không phù hợp thực tế

Theo đó, tại Khoản 3, Điều 27 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có nêu: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Đáng chú ý, đề xuất được kỳ vọng giúp giảm tai nạn giao thông, tăng độ nhận diện của phương tiện này khi lưu thông. Trên thế giới, các quy định này được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Quy định này cũng đã áp dụng tại một số quốc gia như Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như nhiều nước khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu thực tiễn, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng đề xuất trên không phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Đặc biệt, nếu đưa vào triển khai sẽ gây tốn kém và phiền hà cho người dân và tăng thêm gánh gặng cho lực lượng chức năng. Lý giải những bất cập liên quan, ông Bùi Danh Liên chia sẻ, mục đích cao nhất của đề xuất là nhằm nhận diện và giảm tai nạn. Tuy nhiên, lượng phương tiện là xe máy đang có xu hướng áp đảo ô tô.

Cụ thể, phương tiện ô tô có khoảng hơn 1 triệu và xe máy là hơn 60 triệu phương tiện. Như vậy, để nhận dạng hiệu quả thì thay vì áp dụng cho xe máy nên chuyển sang đối tượng là ô tô sẽ hợp lý hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay hiện tượng ô tô phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn nghiêm trọng trên đường xảy ra rất nhiều, nếu áp dụng nhận diện ở nhóm phương tiện này hiệu quả kéo giảm tai nạn sẽ rõ nét hơn.

Ngoài ra, đặt giả thuyết đề xuất triển khai áp dụng trong thực tế, những người duy trì xử lý là các cơ quan như Cảnh sát giao thông, Công an… vô hình chung sẽ tăng thêm áp lực khi ngoài nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông thì nay phải đi “soi” các phương tiện và nhắc nhở người vi phạm trang bị và bật đèn khi lưu thông. Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông cho rằng, phương tiện lưu thông phải bật đèn 24/24 giờ phản cảm, không hợp lý thậm chí gây mất an toàn giao thông.

Diễn giải quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, ở Việt Nam, loại phương tiện di chuyển chủ yếu là xe gắn máy, vì vậy việc sử dụng đèn ban ngày, gia tăng sự căng thẳng cho người tham gia giao thông. Nguy cơ tai nạn nhiều hơn. “Một số nước ở châu Âu quy định bật đèn chiếu sáng vào ban ngày trong điều kiện thiếu ánh sáng làm giảm khả năng quan sát của người đi đường, đặc biệt vào mùa đông có tuyết, sương mù… Còn Việt Nam là nước nhiệt đới, trời nóng nên quy định bật đèn cả ngày không phù hợp” - TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ quan điểm.

Theo ghi nhận từ phía dư luận liên quan đề xuất này, không ít ý kiến cũng bày tỏ đề xuất phương tiện phải bật đèn 24/24 giờ là không thực tế. Nếu cố áp dụng máy móc sẽ gây ra sự xáo trộn và bức xúc không cần thiết. Nói cách khác, để quy định đi vào thực tế cần có sự nghiên cứu thực trạng đặc thù kỹ lưỡng như môi trường, thời tiết, mật độ (lưu lượng tham gia giao thông)… rồi mới triển khai thí điểm.

Nên cân nhắc kỹ

lang phi nguy hiem va khong hieu qua
Bật đèn ban ngày có thể gây chói mắt với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo tìm hiểu, những quy định pháp lý hiện hành mới chỉ yêu cầu người điều khiển phương tiện xe máy bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Về chế tài, theo Điểm l, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000 - 200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau.

Khi chạy xe trong khu đô thị, khu đông dân cư thì người điều khiển phương tiện không được sử dụng đèn chiếu xa trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Lái xe cũng không được sử dụng đèn chiếu xa khi đi ngược chiều. Ngoài ra, khi chạy trong hầm đường bộ lái xe bắt buộc phải sử dụng đèn chiếu sáng gần. Nếu vi phạm lỗi này lái xe máy sẽ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

Những ngày qua, khi bản Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhiều đề xuất bị cho là thiếu thực tế và không khả thi, hoặc nhiều quy định được đơn vị soạn thảo luật hóa từ các văn bản dưới luật. Còn nhớ, khi Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 chính thức có hiệu lực với một điều khoản quy định gây nhiều tranh cãi, đó là tất cả các ô tô 4 chỗ phải trang bị phương tiện chữa cháy. Sau 5 năm, quy định gây tranh cãi này vẫn không thể đi vào cuộc sống vì vô vàn những bất cập phát sinh. Vừa qua, trong bản dự thảo lần 2 thông tư hướng dẫn về trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Công an đã chính thức dỡ bỏ quy định này.

Rõ ràng, những chế tài xử lý liên quan đã có và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, ở góc độ thực tế là hiện nay người tham gia giao thông thường xuyên phải đối mặt với tình trạng người sử dụng ô tô, xe máy bật đèn pha chiếu sáng xa vô tội vạ. Ngay giữa tuyến phố trung tâm thành phố, không khó để bắt gặp cảnh tượng lái xe bật đèn pha rọi thẳng vào các phương tiện khác.

Những vi phạm liên quan đến “độ đèn chiếu sáng” khiến cường độ ánh sáng vượt nhiều lần cho phép cũng diễn ra phổ biến. Đáng nói là, với những vi phạm này các lực lượng chức năng xử lý, giám sát không xuể. Và nếu đề xuất phương tiện phải bật đèn 24/24 giờ được áp dụng triển khai mà không giám sát, xử phạt vi phạm tốt thì việc tham gia giao thông sẽ càng khó kiểm soát.

Quanh đề xuất phương tiện lưu thông phải bật đèn 24/24, ông Bùi Danh Liên chia sẻ, các cơ quan đóng vai trò tham mưu, đề xuất không nên áp dụng quá cứng nhắc và máy móc các quy định. Khi đề xuất cần căn cứ vào những điều kiện cụ thể và mang tính đặc thù của giao thông Việt Nam. Viện dẫn điều này, ông Bùi Danh Liên chia sẻ, trong công cuộc chống dịch Covid – 19 thời gian qua, Việt Nam xử lý tương đối hiệu quả và thành công. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới có những phương cách tưởng chừng hữu hiệu song khi áp dụng thực tế lại không mấy hiệu quả.

Khách quan nhìn nhận trên nhiều góc độ, đề xuất phương tiện lưu thông là xe máy phải bật đèn 24/24 giờ có mục đích hướng tới là nâng cao an toàn cho người đi xe máy. Nói cách khác quy định đèn nhận diện ban ngày là một trong những giải pháp kỹ thuật có hiệu quả tiềm năng, góp phần kéo giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban ngày. Tuy nhiên, đề xuất cũng “vướng” phải muôn vàn bất cập, đặc biệt là chưa phù hợp với điều kiện giao thông thực tế ở Việt Nam, bởi vậy, các cơ quan nghiên cứu cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này