Đang bị xẻ thịt!

10:06 | 07/08/2012
LĐTĐ - Mới đây, hàng loạt các sự cố xảy ra như sạt lở đất ở Ba Vì; sạt trượt mái kè Liên Trì, đê sông Hồng tại Đan Phượng... khiến dư luận thêm lo âu nhất là khi mùa mưa, bão đang đến.

Có dịp đi dọc một dải đê hữu sông Hồng mới thấy bàng hoàng trước cảnh một trong 4 hệ thống đê điều của các tỉnh phía Bắc bị xâm hại nghiêm trọng bởi các vụ xẻ thịt. Tại tuyến đê trọng yếu có vai trò ngăn lũ sông Hồng vào mùa mưa bão, và là một trong những trục giao thông quan trọng của Thủ đô, đoạn thì mặt đê bị băm nát bởi hàng trăm lượt xe tải lớn chở vật liệu xây dựng ngày đêm quần thảo; đoạn thì lún sụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chân đê.

Sạt lở đất ở xã Minh Châu- Ba Vì ngày càng nghiêm trọng

Đoạn qua xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, một dải mặt đê hữu sông Hồng kéo dài hơn 5km, hầu hết lớp bê tông nhựa trải trên bề mặt chỗ thì nứt toác, chỗ thì vỡ vụn, tạo thành ổ trâu, ổ voi, còn dưới chân đê nhiều chỗ bị sạt lở, biến dạng.  Xuôi theo tuyến hữu Hồng, qua địa bàn Thường Tín, Phú Xuyên, tình trạng vi phạm, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến sự an toàn của đê cũng diễn ra nghiêm trọng. Trên dải đê có chiều dài khoảng 32,5 km, nhiều nơi đã trở thành vũng “trâu đầm” khi người dân sản xuất gạch; tập kết vật liệu (cát, sỏi); đổ rác thải, trồng rau màu trên mặt đê… Còn dọc hai bên bờ sông Hồng, đoạn từ xã Thượng Cát (huyện Từ Liêm) đến xã Lĩnh Nam (huyện Thanh Trì) có tới hàng chục bãi cát và điểm khai thác cát. Tại những điểm khu vực thượng và hạ lưu cầu Thăng Long, cầu Long Biên, khu vực xã Hải Bối (Đông Anh), phường Bồ Đề (Gia Lâm), xã Lĩnh Nam (Thanh Trì) và trên địa bàn phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), ngoài việc hút cát từ dưới sông, các đơn vị, doanh nghiệp khai thác cát còn tập kết cát, sỏi được vận chuyển từ nơi khác đến, tạo thành những đống lớn, có đống tới hàng chục vạn m3, đè nặng lên thân đê.

Thống kê mới đây của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố, cho thấy: Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 1.616 vụ vi phạm Luật Đê điều. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, phát sinh thêm 128 vụ. Đáng lo ngại, bên cạnh những vi phạm cũ thì ngày càng gia tăng những trường hợp vi phạm mới trên 20 tuyến đê chính, kéo dài gần 470km và 25 tuyến đê bối, dài 82,537km. Những vi phạm này chủ yếu là xây nhà cấp 4, móng và công trình phụ; dựng lều quán, chợ tạm; đào xẻ đê, tôn cao đê, khai thác cát sỏi trong phạm vi bảo vệ đê, xây lò gạch; tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng lớn trên các bãi sông, gây ảnh hưởng đến thoát lũ và an toàn đê. Những địa bàn có nhiều vụ xâm hại đê điều nhất là Ứng Hoà, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì, Từ Liêm, Hoàng Mai…

Nhằm răn đe đối với các vi phạm về công trình đê điều, thủy lợi và phòng chống lụt bão, tháng 3 năm 2010, Nghị định số 04/2010/NĐ-CP, qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão đều bị xử phạt hành chính, tùy theo mức độ, tính chất của vụ việc. Thế nhưng thực tế cho thấy, trong thời gian qua, cơ quan có trách nhiệm và một số cấp chính quyền địa phương ở Hà Nội vẫn buông lỏng quản lý, chưa áp dụng triệt để các chế tài xử phạt để xử lý dứt điểm vi phạm, cùng với đó là sự đùn đẩy, đổ lỗi trách nhiệm. Việc này thể hiện qua kết quả xử lý, giải tỏa vi phạm của Hà Nội rất thấp khi gần 4 năm qua, từ năm 2008 đến quý I năm 2012, mới xử lý được 741 vụ, tồn đọng tới 875 vụ. Đáng nói, các vi phạm đã được xử lý hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Hậu quả của tình trạng lỏng lẻo trong quản lý này là vi phạm cũ không được xử lý đã phát sinh những vi phạm mới. Để rồi dẫn đến tình trạng là năm nào thành phố cũng phải chi một khoản tiền không nhỏ cho việc giải tỏa vi phạm, duy tu đê điều. Như năm 2011 vừa qua, thành phố đã phải đầu tư 796 tỷ đồng cho việc tu bổ đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn, trong đó có kè Thanh Điềm, kè Bát Tràng, kè Xuân Canh, Đổng Viên, Lệ Chi; đê tả, hữu sông Hồng...

Tuy nhiên, chính việc xử lý chưa nghiêm, khiến cho tình trạng vi phạm, lấn chiếm đê điều ở Hà Nội như “bệnh nhờn thuốc” mà mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhận xét: Vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, còn tồn đọng nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý, đồng thời phát sinh nhiều vụ có tính chất, mức độ nghiêm trọng. Kết quả thực hiện xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm trên toàn thành phố còn thấp, các vi phạm đã được xử lý hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Các vi phạm có quy mô lớn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an toàn đề điều, thoát lũ hầu như chưa xử lý được. Trong khi đó, tình trạng vi phạm ngày càng phức tạp, số vụ ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng với quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài.

A. Tùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này