Người cuối cùng giữ nghề ở "Kinh đô guốc"

09:21 | 12/08/2012
LĐTĐ - Ở làng không có hội làng nghề, cũng chẳng có một tổ chức nào bảo vệ nghề. Cụ Đinh Văn Vĩnh, một người cao tuổi trong làng cho biết như thế. Kể cả thời kỳ hưng thịnh nhất thì "Kinh đô guốc mộc" cũng chỉ là làng nghề hoạt động riêng rẽ.

 

Từ xa xưa, guốc mộc làng Yên Xá - xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội đã là một thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Nhưng bây giờ, đó chỉ còn là câu chuyện của quá vãng. Cả làng Yên Xá đã bỏ nghề làm guốc, nghề truyền thống của quê hương. “Kinh đô guốc” một thời ấy chỉ còn đúng một gia đình lắt lay giữ nghề.

 

Lắt lay giữ nghề


Yên Xá- Ngôi làng ven đô xưa kia nổi tiếng về nghề làm guốc mộc bây giờ nhà cửa san sát. Các dự án này chưa kịp hoàn thành thì dự án khác lại mọc lên. Yên Xá bây giờ là một đại công trường xây dựng. Hỏi thăm nghề làm guốc, đám trẻ trai chẳng ai biết. Người cao tuổi cũng chỉ còn nhớ mang máng cụ nọ cụ kia vẫn còn làm. Nhưng lùng sục khắp trong ngoài làng, những "cụ nọ cụ kia" theo sự chỉ dẫn thì hoặc là đã qua đời, hoặc là già yếu hoặc là bỏ nghề ngót chục năm rồi.


May thay, giữa "kinh đô guốc mộc" một thời, mảnh đất mà người ta chỉ cần nhắc đến hai chữ "lộc cộc" đã đủ biết là làng Yên Xá giờ đây chỉ còn đúng một gia đình còn giữ nghề của cha ông. Đó là gia đình anh Vũ Văn Thiều ở xóm Giếng cuối làng Yên Xá.

 

 Người làm nghề cuối cùng ở Yên Xá. Ảnh: T.N


Trong ngôi nhà cao tầng khang trang của anh Thiều, chỗ nào cũng thấy guốc. Guốc đang trong giai đoạn hoàn thiện được xếp thành từng đống. "Cơ ngơi này không phải do guốc đem lại đâu. Vợ chồng chúng tôi mỗi người một nghề. Làm guốc chỉ là nghề phụ thôi", anh Thiều cho biết. Vậy là cái nghề đưa đến tiếng tăm cho cả làng, từng nuôi sống người làng, giờ đây chỉ còn một gia đình duy trì, nhưng đó cũng chỉ là nghề phụ thôi.


Anh Thiều đang làm cho một công ty vận tải. Chị Huê, vợ anh công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh. Anh Thiều cho biết, trước gia đình còn thuê thợ về làm nhưng do "không ăn thua gì" nên bây giờ chỉ hai vợ chồng làm tranh thủ hay ngày thứ Bảy và Chủ nhật. 


Guốc Yên Xá lúc ấy gồm 2 loại chính là guốc 5 phân và guốc 7 phân, có đóng triện hình con voi lên đôi guốc; cũng có hộ còn làm hàng cao cấp bằng gỗ thông. Người Yên Xá làm guốc mộc bằng gỗ vạng, bồ đề, xoan, gáo, thông... vừa dễ cưa xẻ, vừa nhẹ lại bóng đẹp.


Tùy theo kích thước của cây gỗ, người thợ cắt gạn rồi pha gỗ, đục, đẽo, tạo dáng, đánh nhẵn, gắn quai... Tất cả các khâu đều được làm thủ công nên kỹ thuật tạo dáng vô cùng quan trọng. Mà thợ Yên Xá rất giỏi, không cần máy móc mà các đôi guốc vẫn đều tăm tắp.

 

Đến năm 1995-1996, kỹ thuật làm guốc được cải tiến mạnh, bắt đầu dùng máy cưa, máy bào, máy đánh bóng, phun sơn… thay vì làm thủ công. Nhờ vậy, mỗi ngày làng nghề cung cấp cho thị trường hàng nghìn đôi guốc các loại, thêm thu nhập cho người làm nghề.

Chị Huê vừa ngồi đóng quai cho những đôi guốc vừa nói: "Càng ngày guốc mộc tiêu thụ càng khó. Chi phí mua gỗ xoan (loại gỗ làm guốc) ngày càng cao. Nên người làng bỏ hết nghề, chuyển sang làm nghề khác cũng dễ hiểu". Chị Huê nhẩm tính, mỗi đôi guốc vợ chồng chị nhập chỉ với 14 nghìn đồng, trong đó tiền gỗ, tiền quai, đinh và cả tiền điện chạy máy đã đến cả chục nghìn. Đó là chưa kể đến tiền công.


Hỏi đến chuyện giữ nghề, chị Huê cười: "Tôi vốn không phải người làng này. Đây cũng không phải nghề truyền thống của gia đình. Lấy nhau về, vợ chồng mới học nghề để làm. Chúng tôi coi là nghề phụ kiếm thêm thu nhập vậy thôi. Nếu không ăn thua cũng tính sẽ bỏ nghề. Những gia đình có 4, 5 đời nối tiếp nhau làm nghề. Trong làng có những cụ trước đây làm guốc nổi tiếng mà giờ còn không giữ nghề nói gì đến chúng tôi".


Chị Huê cho biết, trước đây khi còn nhiều gia đình làm nghề, làm được bao nhiêu nhập đi bấy nhiêu. Số lượng cả làng làm ra hàng chục nghìn đôi vẫn không sợ ế. Nhưng bây giờ, tuy một mình một nghề, không ai cạnh tranh, nhưng anh chị Thiều Huê cũng chỉ làm cầm chừng mỗi tháng khoảng 500 đôi, nhập đi các mối xa.


Chỉ còn trong lời kể


Ở làng không có hội làng nghề, cũng chẳng có một tổ chức nào bảo vệ nghề. Cụ Đinh Văn Vĩnh, một người cao tuổi trong làng cho biết như thế. Kể cả thời kỳ hưng thịnh nhất thì "Kinh đô guốc mộc" cũng chỉ là làng nghề hoạt động riêng rẽ. Nghe cụ Vĩnh tâm sự tôi chợt nghĩ, chẳng có ai níu kéo, cả làng giờ chỉ còn vợ chồng anh Thiều làm nghề. Nhưng đó không phải là nguồn sống chính của họ... Nghề guốc có thể biến mất ngay trên quê hương guốc bất kỳ lúc nào.


Cho dù mất hay còn nghề thì đối với giới trẻ trong làng chẳng mấy quan trọng. Cụ Vĩnh cho biết, thế hệ trẻ Yên Xá, có học hành thì đi làm cơ quan này, cơ quan khác, không theo học đến cùng thì rủ nhau vào các khu công nghiệp làm công nhân. Chỉ những người như cụ Vĩnh gần trọn cả cuộc đời gắn bó với tiếng "lộc cộc" bây giờ nguy cơ mất hẳn nghề đang dần hiện hữu mới thấy buồn và tiếc.


Cụ Vĩnh hồi tưởng lại: "Giai đoạn 1980 đến 1990, ô tô từ nơi khác đến nối đuôi nhau vào làng nhập hàng. Cả làng thành công xưởng sản xuất guốc, sôi nổi. Ấy thế mà xã hội nhanh chóng đổi thay. Bây giờ thì không những vắng mà chẳng còn nữa. Nghề sắp mất hẳn rồi". Cụ Vinh nói mà lòng không khỏi xót xa.

 

Nghề guốc không còn đem lại no ấm cho người làm.


Nguyên nhân đẩy guốc mộc Yên Xá đến bên bờ vực xóa sổ thì hẳn người làng ai cũng biết. Cụ Vĩnh tâm sự rằng, trước đây độ vài ba năm vẫn còn một số nhà làm guốc vì yêu nghề, vì không muốn nghề của ông cha mai một. Nhưng rồi những người yêu nghề cũng đã già. "Cái nghề guốc mộc này không làm ra nhiều tiền cho nên không níu kéo được thế hệ trẻ. Guốc mộc bây giờ cạnh tranh làm sao được với dép nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc và những sản phẩm từ Sài Gòn. Mẫu mã vừa bắt mắt, giá thành lại rẻ nên được người tiêu dùng chọn", cụ Vĩnh nói.


Tiếng lộc cộc guốc mộc càng ngày càng hiếm hoi. Nếu một ngày không còn nghe thứ âm thanh gần gũi quen thuộc đó ở ngay chính quê hương của nó thì cũng chẳng mấy ai lấy làm bất ngờ. "Kinh đô guốc mộc" xưa đang lay lắt trên bờ vực biến mất. Ngay chính người duy nhất còn giữ nghề cha ông cũng không chắc mình sẽ từ bỏ nghề này lúc nào. Chị Huê nói rằng có những tháng chồng mình phải đi công tác ròng rã. Một mình chị ở nhà không thể đảm đương công việc xẻ gỗ. Quãng thời gian ấy công việc làm guốc lại phải dừng lại. Giờ hai vợ chồng cũng đã qua cái tuổi 50, không nhiều sức khỏe để làm thêm nữa. "Làm được ngày nào thì làm thế thôi", chị Huê nói.


Lộc cộc guốc mộc làng Yên Xá chuẩn bị trở thành tiếng của quá khứ vọng về mất rồi.

 

Theo sử sách đôi guốc đã xuất hiện ở Việt Nam khá sớm. Các sách cổ của Trung Quốc như Nam Việt chí, Giao Châu ký có ghi rằng Bà Triệu (ở thế kỷ III) đi guốc bằng ngà voi: "Triệu Ẩu vú dài ba thước, không lấy chồng, khi đi núi chân thường mang một loại guốc gọi là kim đề kịch" (Sách Giao Châu ký).


Ngày trước ở nông thôn, vào những ngày giá rét, phụ nữ và đàn ông khi đi dự hội hè đình đám thường đi guốc gộc tre. Guốc đi trong nhà được người đàn ông đẽo bằng gỗ, có mũi uốn cong cong bảo vệ ngón chân, quai dọc thì tết bằng mây chứ không phải bằng quai da đóng ngang như guốc kiểu thời cận đại.

 

Theo Giadinhnet

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này