Những thước phim huyền thoại về ngày Giải phóng

12:05 | 29/04/2020
(LĐTĐ) Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) cùng Lao động Thủ đô điểm lại những bộ phim ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc. Đó là những bộ phim được coi là "kinh điển" của điện ảnh Việt với những cảnh quay sống động cùng lối diễn xuất chân thực của dàn diễn viên tài năng, đã để lại nhiều tình cảm cho người xem. 
nhung thuoc phim huyen thoai ve ngay giai phong Thước phim quay Lễ Độc lập: Vẫn bí ẩn về người cầm máy
nhung thuoc phim huyen thoai ve ngay giai phong Sống cùng lịch sử qua những thước phim
nhung thuoc phim huyen thoai ve ngay giai phong NSƯT Chánh Tín trong những thước phim để đời

Giải phóng Sài Gòn

“Giải phóng Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân là một trong những phim lịch sử được sản xuất trong thời gian dài kỷ lục là 13 năm cho thời lượng 2 tiếng phát sóng. “Giải phóng Sài Gòn” đã tái hiện được những cảnh chiến đấu hào hùng, khốc liệt trong quá trình tổng tiến công 55 ngày đêm giải phóng miền Nam.

Nội dung phim tái hiện đầy đủ các sự kiện lịch sử: Cảnh Buôn Ma Thuột thất thủ; ngụy quân di tản nháo nhào ở sân bay Đà Nẵng; quân đội Sài Gòn thề cố thủ ở Xuân Lộc; xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, cắm cờ trên nóc Dinh, đánh dấu chiến thắng của quân, dân ta.

nhung thuoc phim huyen thoai ve ngay giai phong
Một cảnh trong phim Giải phóng Sài Gòn

Phim xuất hiện nhiều nhân vật, tất cả những vị anh hùng với sự quyết đoán, vĩ đại trong chiến đấu như Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Văn Tiến Dũng, tướng Trần Văn Trà… đều là những nhân vật chính đã làm đọng lại trong khán giả là những hình ảnh đẹp hào hùng.

Để có những thước phim chân thực về lịch sử là điều không đơn giản. Ví như, để kéo được 40 chiếc tăng vào thành phố đáp ứng cảnh quay, đoàn làm phim đã phải xin phép Bộ tổng tham mưu ngày giờ chính xác, dùng loại xe 10 tấn kéo từng chiếc tăng đi qua thành phố mà không làm tổn hại và xáo trộn cuộc sống người dân.

Hay để đưa được 1.000 khẩu AR15 đến trường quay, đoàn phim phải vượt qua một chặng đường khó khăn. Phần thì sợ bị cướp, phần thì phải trình báo suốt dọc chuyến đi, những người áp tải xe súng đạn này đã gặp nhiều vất vả.

Đặc biệt, diễn viên lồng tiếng cho nhân vật Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khản giọng khi cố gắng diễn tả cảm xúc của Tổng bí thư trong giờ G. Làm đến lần thứ mấy chục, diễn viên này bỏ dở: “Tôi không làm nữa”. Cả đoàn phim phải dỗ dành, động viên mãi diễn viên ấy mới thực hiện được những gì đạo diễn mong muốn.

Những người viết huyền thoại

“Những người viết huyền thoại” là một bộ phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng dựa trên nguyên mẫu tướng Đinh Đức Thiện và những người đi tiền trạm xây dựng đường ống xăng dầu, một trong những huyền thoại trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Bộ phim xoay quanh câu chuyện đầy bi tráng quanh việc lắp đặt đường ống dẫn dầu dài 5.000 km xuyên Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1969) khi tình thế yêu cầu chi viện xăng dầu vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng cao và cấp bách.

Những người lính cần mẫn gùi xăng xuyên qua cánh rừng nhiệt đới phủ đầy mìn lá, những chiếc xe vận tải chở xăng nổ tung dưới hỏa lực oanh tạc cơ, những cái chết bất ngờ, những tổn thất triền miên hết mùa khô tới mùa mưa dai dẳng, một phuy xăng vào được chiến trường phải trả bằng máu xương hàng trăm ngàn chiến sĩ… Họ thực sự đã viết lên huyền thoại.

Giữa cuộc chiếc khốc liệt ấy là tình yêu lãng mạn, nhẹ nhàng của những người lính. Thứ tình cảm nảy sinh giữa cuộc chiến làm con người có thêm niềm tin yêu với cuộc sống và niềm hy vọng về tương lai khi đất nước hòa bình.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, bộ phim đã toả sáng và giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải Khán giả bình chọn, Phim truyện nhựa xuất sắc đồng thời hai giải Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc. Với kinh phí khá ít ỏi cho một bộ phim chiến tranh – chỉ vẻn vẹn 10 tỷ đồng, trong đó có 2/3 là cảnh cháy nổ, người xem không khỏi khâm phục cho ý chí của đoàn phim.

Mùi cỏ cháy

“Mùi cỏ cháy” là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội, chiến tranh. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh còn Hoàng thì may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa. Mùi cỏ cháy do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản của phim do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đảm nhiệm, dựa trên quyển nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

Trong phim, đạo diễn Hữu Mười lấy lại 1 chi tiết từ nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc để xây dựng thành tình tiết nhân vật Thăng làm thơ tặng bạn gái và hẹn sẽ gặp nhau vào tháng 4/1975. Ông từng chia sẻ: “Trong một bức thư liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi bạn gái là Như Anh đã viết, “Hẹn đến ngày 30/4/1975 sẽ trả lời cho bạn câu hỏi, hạnh phúc là gì?”. Câu này anh Thạc viết 2 lần. Và không ai giải thích được, tại sao anh lại biết được ngày 30/4/1975 là ngày toàn thắng?

Trong phim, tôi có ý xây dựng nhân vật Thăng mang hình ảnh anh Thạc. Tôi xây dựng Thăng là một chàng trai trẻ, bình thường, yêu thơ ca. Không phải là người có khả năng dự đoán tương lai. Tôi cũng bỏ ngày 30 đi, chỉ dám để tháng 4/1975 là ngày hẹn gặp.

Anh Thạc đã tiên liệu quá chính xác, nếu đưa vào phim, đôi khi thành khiên cưỡng. Nhưng điều đó thật kỳ diệu, không ai giải thích được”. Tại Lễ trao giải Cánh diều Vàng năm 2011, “Mùi cỏ cháy” đã được trao 4 giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh xuất sắc, âm nhạc xuất sắc, biên kịch xuất sắc và quay phim xuất sắc nhất.

nhung thuoc phim huyen thoai ve ngay giai phong
Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy

Đừng đốt

“Đừng đốt” là một bộ phim được sản xuất vào năm 2009 do NSND – Đạo diễn Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản. Phim được tạo dựng dựa trên quyển hồi ký nổi tiếng cùng tên của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, được cô viết từ năm 1968 tới trước khi hy sinh 2 ngày vào năm 1970.

Bộ phim không chỉ tôn vinh nữ anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những người con đất Việt cho “giấc mơ hòa bình độc lập” mà còn kể về hành trình lưu lạc kỳ lạ của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm với sức hấp dẫn mới mẻ. Phim có điều kiện để thực hiện những đại cảnh hoành tráng.

Mọi chi tiết liên quan đến máy bay, phục trang, khí tài, cháy nổ, quân chủng... đều nhận được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, nên tránh được sự dúm dó của nhiều bộ phim về chiến tranh. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, ngay từ khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản, ông đã ấp ủ dự định làm phim dựa trên cuốn sách này.

Sau “Bao giờ cho đến tháng mười”, Đặng Nhật Minh tiếp tục chứng tỏ đẳng cấp khi làm phim về đề tài chiến tranh Việt Nam. Thành công của ông có lẽ bắt nguồn từ sợi dây liên kết đặc biệt giữa ông và nữ bác sĩ trẻ. Đặng Thùy Trâm từng là học trò của Giáo sư Đặng Văn Ngữ, thân phụ của đạo diễn Đặng Nhật Minh và cả 2 đều hy sinh anh dũng ngoài chiến trường.

Vị đạo diễn này từng tâm sự: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi trong số khá nhiều kịch bản đệ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt, kịch bản của tôi đã được chọn. Trong quá trình thực hiện, đến đâu đoàn phim cũng nhận được sự yêu mến của người dân. Đừng đốt là một nén hương tưởng niệm Đặng Thùy Trâm, nữ bác sĩ đã hy sinh vì tổ quốc trong cuộc kháng chiến.

Đó là tấm lòng những người làm phim chúng tôi”. “Đừng đốt” ra mắt tại Liên hoan Phim Fukuoka lần thứ 19 tại Nhật Bản và giành giải khán giả bình chọn. Bộ phim được phát hành cuối tháng 4/2009 tại Việt Nam và được chiếu ở Liên hoan Phim Quốc tế ASEM tại Hà Nội giữa tháng 5/2009. Bộ phim đã giành được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này