Chuyện về người sinh con đúng thời khắc lịch sử

07:19 | 30/04/2020
(LĐTĐ) Mới gà gáy sáng, bà Phạm Hồng Kỳ đã dậy thổi cơm. Trong ánh lửa rơm bập bùng, lòng bà không khỏi lo lắng. Đã mấy hôm rồi, loa phát thanh của xã Ấm Thượng (huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ) bắc trên gốc cây đa ngoài đê thông báo quân ta đang tổng tiến công giải phóng miền Nam.
chuyen ve nguoi sinh con dung thoi khac lich su Ngày 27/4/1975, tiến công thần tốc giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu
chuyen ve nguoi sinh con dung thoi khac lich su Xúc động buổi giao lưu “Sắt son một niềm tin với Đảng”
chuyen ve nguoi sinh con dung thoi khac lich su Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời
chuyen ve nguoi sinh con dung thoi khac lich su
Bà Phạm Hồng Kỳ và ông Phạm Đình Giảng

Thổi xong cơm, bà Kỳ đổ ra cái nong, lấy cái khăn xô để làm cơm nắm. Hôm nay là ngày 28/4/1975, bà phải sang bệnh viện sơ tán cách nhà hơn ba mươi cây số để chờ sinh con. “Những ngày này, không khí trong xã khẩn trương lắm. Cứ đi ra khỏi cửa là nghe thấy mọi người kháo nhau: “Giải phóng đến nơi rồi, sắp giải phóng rồi. Quân đội cụ Hồ sắp tiến vào Sài Gòn”, bà Kỳ nhớ lại.

Sáng hôm ấy, bà cùng mẹ đẻ đi đò qua sông Thao, sang xã Văn Lang rồi tiếp tục đi bộ vào bệnh viện sơ tán. Khi ấy cả xã mới có một cái bệnh viện nhưng do sợ địch ném bom nên đã rút vào rừng cọ. Cơm nắm muối vừng cùng bịch quần áo, phích nước, tã lót chuẩn bị sinh, hai mẹ con bà Kỳ lặn lội tìm vào bệnh viện sơ tán. Trên đường đi, ai nhìn thấy mẹ con bà cũng đứng lại hỏi han, nào là “đi đẻ phải không? sắp giải phóng rồi, sướng nhất nhé”, rồi “chồng cô đâu sao không về đưa đi?.

Chả là sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán, bà Kỳ được phân công công tác ở Xí nghiệp mậu dịch huyện Bảo Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn (giờ là tỉnh Lào Cai), nhưng gần đến lúc sinh con, bà mới về Phú Thọ. Chồng bà là ông Phạm Đình Giảng, kỹ sư thuộc đội đóng tầu thuỷ đang công tác tại Bộ cơ khí lúc bấy giờ.

Hai ông bà cùng quê Sông Thao, Phú Thọ, nhà cách nhau xóm trên, xóm dưới. Khi bà Kỳ về quê sinh con, vì nhiệm vụ công tác nên ông Giảng không về được. Trong những ngày này ông vẫn còn đang ở Hà Nội. Lúc đó, dù đang mang thai sắp sinh nhưng bà Kỳ cũng không khỏi lo lắng, chỉ sợ Hà Nội bị ném bom. Trước đó, ông bà có biên thư hẹn ngày bà sinh sẽ về. Dường như không khí chiến thắng đã lan vào từng nhà, cho nên ai cũng thấp thỏm chờ đợi. Nhiều người vác cuốc ra đồng còn tụ tập ở cửa đình để tán chuyện.

Đi đến quá trưa, hai mẹ con bà Kỳ cũng đến được bệnh viện sơ tán nằm sâu trong rừng cọ. “Gọi là bệnh viện nhưng so với bây giờ chỉ như một túp lều thôi. Năm 1975, mọi thứ đều rất thô sơ. Bệnh viện nằm trên khoảng đất bằng phẳng dưới rừng cọ, lợp lá cọ, gặp khi trời mưa cũng dột chỗ nọ chỗ kia. Y bác sĩ chỉ có đâu năm, sáu người, bận rộn cả ngày đêm.

Bệnh nhân chủ yếu là những người bệnh nặng hoặc sắp sinh con. Ở bên ngoài, xã gắn một cái loa phát thanh trên cây cọ, sáng nào cũng mở phát thanh tuyên truyền. Những ngày này chủ yếu là tường thuật quân giải phóng mấy giờ, tiến đánh đến đâu, khí thế ra sao...Không khí trong bệnh viện lúc đó rất sôi nổi, nhưng cũng có những lúc trầm buồn”, bà Kỳ kể.

Buồn là vì trong số những bệnh nhân ở bệnh viện lúc bấy giờ, không ít người có chồng, có con đang ở chiến trường miền Nam. Bà Kỳ còn nhớ rõ, trong phòng chờ sinh còn có bà Liễu người Văn Lang có chồng đi chiến trường miền Nam. Hai người cưới nhau được một tháng thì chồng bà Liễu nhập ngũ.

Kể từ đó ông chưa một lần biên thư về, còn bà Liễu muốn báo tin cho chồng rằng họ sắp có đứa con đầu lòng lại chẳng có địa chỉ mà gửi thư. Bà Liễu ngày nào cũng thẫn thờ ra rừng cọ ngóng trông, rồi lại buồn buồn lo lắng: Liệu chồng bà có hành quân vào đến chiến khu an toàn? Còn sống hay đã hy sinh? Nhỡ giải phóng rồi mà ông vẫn không về thì sao?

Còn nhiều người nữa có con vào chiến trường. Loa phát thanh tường thuật trận chiến càng ác liệt, họ lại càng lo lắng không biết con của họ có trở về hoặc trở về lành lặn được hay không? Trong cái không khí cận kề ngày chiến thắng ấy, có những hân hoan, có những mong đợi và có cả những đêm không ngủ của những người cha, người mẹ, người vợ đang ngóng chồng, con nơi chiến trường. Bà Kỳ cũng còn nhớ, bà loáng thoáng nghe họ an ủi nhau: “Thôi bác đừng lo lắng nữa, nếu chẳng may thằng cả mà hy sinh thì cũng là hy sinh cho Tổ quốc”.

Sáng ngày 30/4, bà Kỳ trở dạ từ lúc 5 giờ sáng. Bà nhớ trong lúc ấy, trên đầu vẫn vang vang tiếng loa phát thanh thông báo quân ta sắp giải phóng Sài Gòn. Cơn đau ập đến mấy tiếng đồng hồ, xen lẫn âm thanh xôn xao khắp bệnh viện. Đúng 11 giờ 30 phút, tiếng khóc oe oe báo hiệu một em bé ra đời, cũng là lúc những tiếng hô vang “cụ Hồ Muôn năm” lan khắp rừng cọ. Mẹ của bà đang nắm chặt tay bà, nước mắt cũng chảy ra: “Thắng rồi, giải phóng rồi Kỳ ạ”.

Bà còn nhớ, trong tiếng reo vui còn có những tiếng nức nở. Bệnh nhân ôm nhau khóc, bác sĩ ôm nhau khóc, bệnh nhân ôm bác sĩ khóc... còn bà Kỳ cũng khóc khi nhìn ngắm sinh linh bé nhỏ vừa chào đời trong thời khắc lịch sử thiêng liêng của Tổ quốc.

Cho đến sáng ngày mùng 1/5, niềm vui mới thật sự tròn vẹn khi ông Giảng về đến nơi. Ông vứt cái xe đạp ở ngoài cửa bệnh viện, lao đến bên vợ con. Khi ấy bà Kỳ còn nghe ông cuống quýt hỏi: Đặt tên cho con chưa? Đặt chưa?

chuyen ve nguoi sinh con dung thoi khac lich su
Chị Phạm Hải Vân, sinh đúng 11h30 sáng ngày 30/4/1975 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Phạm Đình Giảng cho biết, mặc dù đã làm đơn xin nghỉ phép trước đó lâu rồi nhưng đến lúc ấy phép vẫn chưa được duyệt vì xưởng cơ khí đang trong giai đoạn thử nghiệm tàu ở Hồ Tây. Đến tận chiều ngày 29/4 ông mới có lệnh nghỉ phép từ Bộ mà ngày ấy xe ca từ Hà Nội lên Phú Thọ mỗi ngày chỉ có một chuyến.

Vậy là hôm sau, ông quyết định đạp xe đạp đi Phú Thọ. Đường cái gập ghềnh, lên dốc xuống đèo chứ không thuận tiện như bây giờ. Xe đạp cứ lên dốc là dắt bộ, xuống dốc thì đi. Ông vừa đi vừa nghỉ, đến đêm mới về đến nhà ở xã Ấm Thượng. Mẹ ông đưa cho lọ ruốc và cân gạo nếp, ông lại đạp xe sang Văn Lang tìm đến bệnh viện sơ tán để thăm vợ con.

“Trên đường đi, không khí hân hoan vui mừng tràn ngập khắp nơi. Riêng tôi thì niềm vui đã được nhân gấp hai mươi lần vì vừa có con đầu lòng, vừa được sống trong không khí giải phóng nước nhà. Hồi ấy ở Hà Nội rất sợ, nhiều người đã xin chuyển công tác vì sợ ném bom, nhưng kể từ giờ phút ấy, tất cả chúng tôi không ai còn phải sợ nữa. Đã thật sự giải phóng rồi”, ông Giảng xúc động nhớ lại ngày lịch sử.

Ngay ngày mùng 1/5, trong không khí hân hoan của người dân xã Văn Lang, ông bà đã đặt tên cho cô con gái đầu lòng là Phạm Hải Vân. Ông Giảng lý giải, ngay trước khi ông đạp xe lên Phú Thọ với vợ con, ở xưởng đóng tầu nơi ông làm việc mọi người lan truyền câu chuyện quân ta bất chấp địch ném bom đã vượt qua đèo Hải Vân vào giải phóng Huế - Đà Nẵng và giành thắng lợi ngày 29/3/1975. Dù đang ở Thủ đô Hà Nội, nhưng trong lòng ai cũng hân hoan, cái tên đèo Hải Vân đã ở trong tâm trí ông từ đó. Cho nên, ông quyết định đặt tên con là Hải Vân.

Năm nay, bà Phạm Hồng Kỳ đã bước sang tuổi 66, còn ông Phạm Đình Giảng đã ở tuổi 71. Sau giải phóng, ông làm ở Bộ cơ khí thêm vài năm rồi theo bà lên Lào Cai công tác. Bà Kỳ sinh được bốn người con, bà ở với cậu con trai út, còn hai cô con gái giữa thì lấy chồng ở xa, chỉ còn chị Hải Vân ở cạnh ông bà, ngày nào cũng chạy qua chạy lại cùng em trai chăm sóc ông bà.

Hàng năm, cứ đến ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả nhà lại có một cái sinh nhật đặc biệt. Chị Phạm Hải Vân cho biết, năm nào vào sinh nhật chị, bố mẹ chị cũng nhắc lại câu chuyện “11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975”. Dường như mỗi năm, ký ức tươi đẹp đó lại trở về trong trí nhớ của người già, dù ông bà đã quên đi nhiều thứ, nhưng ngày này thì vẫn có thể minh mẫn kể đi kể lại từng điều nhỏ nhất.

Bảo Thoa 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này