Thủ tướng đồng ý với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

07:07 | 23/04/2020
(LĐTĐ) Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 22/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2020 mà Bộ Giáo dục và Đào  tạo (GD&ĐT) đề xuất.
thu tuong dong y voi phuong an to chuc ky thi tot nghiep thpt nam 2020 Dự kiến phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
thu tuong dong y voi phuong an to chuc ky thi tot nghiep thpt nam 2020 Thêm chương trình luyện thi THPT quốc gia cho học sinh trên truyền hình
thu tuong dong y voi phuong an to chuc ky thi tot nghiep thpt nam 2020 Phần tự học có hướng dẫn vẫn có thể ra trong đề thi

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chủ động của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng phương án thi THPT phù hợp với tình hình dịch bệnh; đồng thời yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng trong đó tập trung vào một số việc: Ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy nhưng phải nâng cao chất lượng.

thu tuong dong y voi phuong an to chuc ky thi tot nghiep thpt nam 2020
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. (Ảnh: T.P)

Thủ tướng nhấn mạnh, kỳ thi này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành như Bộ GD&ĐT, Bộ Công an; tăng cường sử dụng công nghệ để đảm bảo tính trung thực của kỳ thi.

Bộ GD&ĐT ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn; trong đó có việc Bộ GD&ĐT phải tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi tại các địa phương chứ không thể buông lỏng. Trong quá trình tổ chức kỳ thi phải lưu ý việc đảm bảo phòng, chống dịch

Đặc biệt, tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao ngành Giáo dục và các địa phương thời gian qua đã quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Thủ tướng, ở một đất nước mà hơn 25 triệu học sinh, sinh viên phải ở nhà thì rất nhiều bức bối nhưng từng gia đình, từng cơ sở giáo dục và ngành Giáo dục đều đã chia sẻ, trong đó có không ít cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại an toàn, chu đáo, trong đó cần phát huy học qua mạng và truyền hình đã rất thành công thời gian qua. “Vì thời gian học còn lại của học kỳ II ít nên nội dung học phải được ngành Giáo dục tính toán có trọng tâm, trọng điểm” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Bài thi Khoa học xã hội đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử và Địa lí.

Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh Giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Kết quả làm bài của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD&ĐT cung cấp.

Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm, không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây.

Kỳ thi sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, y ban nhân dân tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi của địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.

Các tỉnh/thành phố sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này