Chân dung người Việt qua các tác phẩm tạo hình

08:44 | 23/04/2020
(LĐTĐ) Gần một thế kỷ, mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã ra đời và phát triển với những biến động không ngừng của thời gian cũng như về quan niệm nghệ thuật. Cho dù đã có những giai đoạn bị “Tây hóa”, nghệ thuật truyền thống bị đứt đoạn, nhưng rồi lại được tìm thấy và kế thừa dưới một hình thức khác mà qua những tác phẩm vẫn nhìn thấy bản sắc giá trị Việt Nam được thể hiện trên đó.
chan dung nguoi viet qua cac tac pham tao hinh "Birds of Prey" tung trailer đẹp mê hồn
chan dung nguoi viet qua cac tac pham tao hinh Độc đáo với tác phẩm tạo hình bằng giấy han-ji tại Hà Nội

Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, là nhân tố quan trọng cho sự hình thành và phát triển của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, các thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc như những chiến sĩ đem hết sức lực tài năng của mình phục vụ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Hòa bình thống nhất đất nước, các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc và những người làm công tác mỹ thuật tiếp tục đóng góp công sức rất lớn trong việc đặt nền móng cho sự nghiệp mỹ thuật nước nhà.

chan dung nguoi viet qua cac tac pham tao hinh
Tác phẩm “Dân quân gái Ngư thủy” của họa sĩ Hoàng Trầm

Những tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Diệp Minh Châu, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Thị Kim, Huỳnh Văn Gấm, Dương Bích Liên, Nguyễn Hải... từ lâu đã là những tên tuổi lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam. Nghệ thuật cách mạng đã tạo nên một trang sử mỹ thuật với nhiều phong cách, cá tính sáng tạo đem đến những biến đổi về chất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Theo nghiên cứu Hệ giá trị văn hóa Việt Nam của Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, người Việt vốn chưa bao giờ sáng tạo nên một hệ tư tưởng nào cho riêng mình, nhưng họ lại là người sử dụng các hệ tư tưởng đó cho mục đích của riêng mình, và mỹ thuật cũng không nằm ngoài đặc tính này của văn hóa.

Thời Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ đã biến công cụ cũng như lối tạo hình phương Tây để thể hiện ra những giá trị tâm hồn Việt. Đây cũng được xem như sự chuyển đổi từ hệ giá trị truyền thống sang hệ giá trị hiện đại đã được thay đổi bản thể về cấu trúc thẩm mỹ từ lối tư duy phương Đông sang tư duy phương Tây hiện đại.

Bản tính trọng tình của người Việt vừa là một ưu điểm, đồng thời trên một khía cạnh nào đó cũng là một nhược điểm. Thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, các đề tài thiếu nữ, hoa, phong cảnh hay mô tả một cuộc sống bình yên rất được ưa chuộng. Có lẽ, tâm hồn Việt, bản tính trọng tình đã hòa đồng với bản tính lãng mạn của nghệ thuật Ấn tượng Pháp.

Nền giáo dục mỹ thuật Việt kể từ khi chính quyền cách mạng tiếp quản sau năm 1945 dường như không có gì thay đổi nhiều. Với mục tiêu nghệ thuật phục vụ kháng chiến, mỹ thuật Việt Nam xuất hiện thêm các đề tài về chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, thêm một lần nữa nhận ra bản tính con người Việt trong sự thể hiện các đề tài này, mà lẽ ra tính chất khốc liệt là vấn đề chủ chốt trong việc phản ảnh chiến tranh. Rất nhiều các tác phẩm vẽ về cuộc chiến nhưng lại là những giây phút lãng mạn, yên bình của cuộc chiến. Đó là những tình cảm quân nhân xum vầy, chia nhau từng bát nước, tấm chăn; những tiếng đàn, câu ca vang lên giữa những trận đánh. Cùng với đó là giấc mơ về hòa bình.

Cho đến nay, đề tài chiến tranh cách mạng cũng không thực sự được ưa chuộng. Trong khi đó các thể loại đề tài tả cảnh sinh hoạt, ca ngợi một cuộc sống ấm no hạnh phúc, hoặc những hoạt cảnh có tính chất hóm hỉnh, hài hước lại xuất hiện một cách rất đa dạng. Có lẽ quan niệm của người Việt luôn hướng đến một cảm xúc bình yên, yêu thương, đằm thắm hơn là phản ánh những gì quá khốc liệt. Điều này dường như là một truyền thống, bởi người Việt dẫu liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh hàng nghìn năm trước, nhưng cảm xúc đau thương trong nghệ thuật lại ít được nhắc đến.

Những tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Phan Chánh, Diệp Minh Châu, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Tỵ, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Thị Kim, Huỳnh Văn Gấm, Dương Bích Liên, Nguyễn Hải... từ lâu đã là những tên tuổi lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam. Nghệ thuật cách mạng đã tạo nên một trang sử mỹ thuật với nhiều phong cách, cá tính sáng tạo đem đến những biến đổi về chất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Về ngôn ngữ tạo hình, nghệ thuật việt Nam với những đặc tính cộng nhập, cải biến, mà ít khi là loại trừ hay phản ứng, nên ngoài những hình thức ngôn ngữ theo lối biểu đạt truyền thống, thì mỹ thuật hiện đại còn ghi nhận những lối biểu đạt phương Tây. Sự đa loại hình, đa phong cách đã bổ sung vào hệ giá trị ngôn ngữ tạo hình Việt Nam những nhân tố mới. Không chỉ là không gian hai chiều, lối biểu trưng biểu cảm mà cả hệ thẩm mỹ phương Tây, nhưng đồng thời cũng đã cải biến lối tạo hình đó trở thành ta.

Về chất liệu nghệ thuật, có lẽ chỉ chất liệu sơn mài là thu được những thành công đáng kể bởi những đặc tính của chất liệu này mang sẵn trong nó giá trị tiềm năng tương ứng với nghệ thuật hiện đại, khả năng bộc lộ cá tính nên nó đã phát triển một cách mạnh mẽ. Những chất liệu lụa ngoài đặc tính kỹ thuật ra thì hàm chứa đằng sau nó là những nguyên lý mỹ học, triết học phương Đông, cho nên nếu chỉ cách tân được một số kỹ thuật lụa, và vẽ lụa như vẽ tranh phản ánh kiểu phương Tây, thì nghệ thuật lụa vẫn mãi chỉ dừng ở mức độ biểu hình trên một chất liệu truyền thống. Trong khi ngược lại với nó thì sơn mài đã nói được cả tiếng nói biểu hình của phương Đông lẫn phương Tây, do vậy mà nó được công nhận và phát triển rực rỡ.

Trên thực tế văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã trải qua những sự chuyển đổi các hệ giá trị khác nhau. Đó là sự chuyển đổi những giá trị từ xã hội truyền thống nông nghiệp tiểu nông phong kiến sang xã hội công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhưng lại mang nặng tính thuộc địa (trước 1945); sự chuyển đổi từ xã hội trong tình trạng chiến tranh (9 năm chống Pháp và 30 năm chống Mỹ) sang xã hội hòa bình…Trong mỹ thuật, sự chuyển đổi này đã để lại dấu ấn trên những đề tài cũng như phong cách mỹ thuật. Đôi khi chúng là phủ định lẫn nhau, như nghệ thuật sau đổi mới là sự phủ định những định thức của mỹ thuật kháng chiến.

Mỹ thuật đương đại với sự ra nhập của các khuynh hướng mới như sắp đặt, trình diễn đã khiến những quan niệm nghệ thuật của Việt Nam cũng ít nhiều được thay đổi. Nó không còn đóng khung trong những tác phẩm hội họa, mà mở rộng ra cả những ngữ nghĩa không gian khác nhau. Sự xuất hiện các khuynh hướng mới này cũng khiến cho nghệ thuật đương đại Việt Nam có được một sự tiệm cận hơn đối với nghệ thuật thế giới. Tuy nhiên, tâm hồn người Việt và sự yêu chuộng hòa bình luôn thể hiện rõ nét trong các tác phẩm mỹ thuật qua nhiều thời kỳ.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này