Khó khăn do dịch Covid-19, hướng dẫn viên làm đủ nghề mưu sinh

06:56 | 18/04/2020
(LĐTĐ) Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Không có việc làm, nhiều hướng dẫn viên du lịch phải chuyển hướng sang làm những công việc tạm thời để mưu sinh, mong chờ ngày du lịch “hồi sinh” sau đại dịch.
kho khan do dich covid 19 huong dan vien la m du nghe muu sinh Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân trong những ngày cuối cách ly toàn xã hội
kho khan do dich covid 19 huong dan vien la m du nghe muu sinh Chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của ASEAN

Thu nhập từ vài chục triệu đồng/tháng đến… bằng 0

Từ đầu tháng 2/2020, anh Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) liên tục nhận được những cuộc điện thoại báo hủy tour từ các công ty du lịch. Chỉ 2 tuần sau đó, anh không nhận được cuộc điện thoại nào từ công ty nữa. Tour cũ đã hủy hết, tour mới không có đồng nghĩa với việc Tuấn Anh chính thức rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tuấn Anh nhớ lại, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán năm 2020, anh là một trong những hướng dẫn viên tự do “đắt” tour dẫn đoàn khách Hàn Quốc. Với vốn tiếng Hàn kha khá, anh thường xuyên dẫn khách đến các điểm như Hà Nội – Ninh Bình – Hạ Long – Sapa.

Trong những tháng cao điểm, những hướng dẫn viên du lịch như Tuấn Anh không mấy khi ở nhà. Có khi đi cả tháng, thường xuyên hành trình trên các cung đường với khách.

Anh cho biết, thông thường mỗi khách Hàn Quốc sẽ phải chi khoảng gần 10 triệu đồng cho một tour du lịch 5 ngày 4 đêm ở Việt Nam. Việc dẫn tour cho những đoàn khách từ 15 – 20 người/đoàn đem lại cho anh một khoản thu nhập đáng kể.

Từ tiền lương, tiền tips của khách, tiền phần trăm với các đơn vị lưu trú và một số khoản khác, anh có thể kiếm được hàng chục triệu đồng/tháng, đủ dư dả chi tiêu trong cuộc sống và lo cho gia đình.

kho khan do dich covid 19 huong dan vien la m du nghe muu sinh
Không còn tour dẫn, nhiều hướng dẫn viên xoay sở làm nhiều nghề ngoài chuyên môn mưu sinh qua đợt dịch (Ảnh: T.A)

Thế nhưng mọi nguồn thu dường như mất trắng sau khi dịch Covid -19 bùng phát. Đã hơn 3 tháng trôi qua, tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp. Những ổ dịch liên tục xuất hiện, hàng không tạm ngưng vận chuyển, người dân hạn chế di chuyển... Tuấn Anh sống trong trạng thái không có thu nhập.

Không chỉ riêng Tuấn Anh, theo Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có hơn 27 ngàn hướng dẫn viên, cả nội địa và quốc tế. Phần lớn trong số này là hướng dẫn viên hoạt động tự do, không thuộc sự quản lý về nhân sự của một đơn vị lữ hành nào.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách mua tour du lịch giảm mạnh. Số đông hướng dẫn viên phải chịu cảnh thất nghiệp tạm thời nhưng chưa biết kéo dài đến bao giờ.

“Tôi đã ở nhà hơn 3 tháng, thực sự có lúc tâm trạng cảm thấy căng thẳng. Cuộc sống của một người hướng dẫn viên bắt đầu có sự thay đổi 180 độ, từ thời gian đến thói quen công việc hằng ngày. Không còn những hôm phải dậy sớm đón khách, điện thoại đã không cần cài báo thức, mục ghi chú trên điện thoại cũng trống trơn vì đâu còn tour hay điều gì để lưu ý nữa”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Đủ cách xoay xở trong mùa dịch

Với những hướng dẫn viên tự do, thông thường họ sẽ nhận được thù lao sau mỗi tour, nếu không có tour thì họ hoàn toàn không có thu nhập. Do đó, khi có sự cố phát sinh, hầu hết đều phải sống bằng khoản tiền tích luỹ, dự phòng ngày trước hoặc chuyển sang làm công việc tạm thời khác.

Những ngày hiện tại, Tuấn Anh đang học cách thay đổi toàn bộ thói quen chi tiêu và sinh hoạt. Anh trở về sống với bố mẹ để tiết kiệm chi phí và cùng vài người đồng nghiệp tìm kiếm công việc mới.

kho khan do dich covid 19 huong dan vien la m du nghe muu sinh
Khi dịch bệnh qua đi, hi vọng hoạt động du lịch Việt Nam sớm sẽ được khôi phục (Ảnh: T.A)

Trong thời điểm này, có người chọn cách ở nhà trông con, nhưng cũng có người lựa chọn bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ hay shipper giao hàng.

Tuấn Anh cho biết: “Ban đầu tôi học lái xe ô tô, sau đó lập tài khoản đi chạy xe công nghệ. Tuy nhiên sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tôi chuyển hẳn sang làm giao hàng và đồ ăn, hạn chế tiếp xúc với mọi người”.

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình, Tuấn Anh cho biết bản thân anh cũng hạn chế nhận đơn hàng. Theo đó, với hơn chục đơn hàng trong nội thành, trung bình mỗi ngày anh kiếm được từ 200-300 ngàn đồng.

“Thu nhập tất nhiên sẽ không bằng lúc làm hướng dẫn viên nhưng đang trong giai đoạn khó khăn chung, ngành nào cũng bị ảnh hưởng, tôi hiểu điều đó nên cũng vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên đây chỉ là công việc tạm thời. Khi nào hết dịch, du lịch “hồi sinh”, tôi chắc chắn quay lại làm hướng dẫn viên. Không chỉ là công việc mà đó còn là đam mê của bản thân tôi”, Tuấn Anh tâm sự.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này