Cơ hội “tái sinh” môi trường đọc

08:39 | 16/04/2020
(LĐTĐ) Nhìn từ dịch Covid 19, bên cạnh những tác động tiêu cực là những thời cơ mới cho hoạt động xuất bản nếu biết tận dụng. Nhất là sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách trực tuyến, qua đó tái sinh môi trường đọc và nâng cao văn hoá đọc. 
co hoi tai sinh moi truong doc Lần đầu tiên tổ chức Hội sách online chào mừng Ngày Sách Việt Nam năm 2020
co hoi tai sinh moi truong doc Tín hiệu đáng mừng cho hoạt động xuất bản thời dịch Covid-19

Tăng trưởng đột biến của phát hành sách trực tuyến

Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất bản nói chung, trong đó chủ yếu là thị trường phát hành sách truyền thống phụ thuộc vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

co hoi tai sinh moi truong doc
Ảnh minh hoạ

Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng báo cáo của các đơn vị phát hành sách lớn như FAHASA, Phương Nam, Nhân văn, Tiền phong, Tân Việt, Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình... và các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Anfabook, Thái Hà book, Nhã Nam, Đinh Tị, Đông A... doanh thu giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2020. Mặt khác, việc Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ đang căng mình đối phó với đại dịch Covid-19, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng cũng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nhất định nguồn cung bản thảo.

Các hoạt động liên quan nhập khẩu nguyên liệu in xuất bản phẩm cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn, trong điều kiện đơn vị sụt giảm hoặc không có doanh thu. Tất cả tác động tiêu cực đến toàn bộ Ngành Xuất bản, thống kê hết 3 tháng đầu năm, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối lập với mảng tối này, sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách trực tuyến là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động xuất bản khi nhiều độc giả tìm đến hình thức mua sách qua mạng. Mua sách online đang trở thành xu hướng ưa chuộng của nhiều bạn trẻ, nhất là trong giai đoạn phải hạn chế ra đường vì dịch bệnh. Đỗ Quỳnh Anh (26 tuổi, Hà Nội), là một nhân viên văn phòng có niềm đam mê với sách từ nhỏ. Từ khi công ty cho làm việc tại nhà, cứ rảnh rỗi là Quỳnh Anh lại lên Tiki - trang web thương mại điện tử, để tìm mua cho mình những quyển sách yêu thích.

Quỳnh Anh cho biết: “Từ đầu mùa dịch tới giờ, tôi đã mua gần chục đầu sách. Giá sách trên các web bán online hiện nay đang được giảm 30-40% với rất nhiều thể loại phong phú. Chỉ với cú click chuột mua hàng, 2 giờ sau tôi đã được cầm trên tay cuốn sách yêu thích, vừa tiết kiệm thời gian, công sức ra ngoài vừa hạn chế lây lan dịch bệnh”. Có thể thấy, việc mua sách trực tuyến đã trở thành lựa chọn tối ưu nhất cho nhiều người trong thời gian cách ly xã hội như hiện nay. Ngoài Tiki, hiện nay hầu hết các trang thương mại điện tử đều bán sách, từ Sendo, Shopee, Lazada... đến các nhà sách trực tuyến có tên tuổi như Fahasa, Vinabook, Anybooks.

Theo ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay, trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, 2 loại sách có mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2.7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần). Một số đơn vị khác như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, một số đơn vị như Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.

Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 (21/4/2020) diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 dang diễn biến phức tạp. Căn cứ Công văn số 255/CXBIPH-VP ngày 09/4/2020 của Cục Xuất bản, In và Phát hành về việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 và Hội Sách online chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7, Hội Sách trực tuyến quốc gia năm 2020 (Hội Sách online) sẽ được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin Truyền thông) chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, từ ngày 19/4 đến ngày 20/5/2020 tại Sàn giao dịch diện tử Book365.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hưởng ứng các hoạt dộng chào mừng Ngày Sách Việt Nam, nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong nhân dân Thủ đô, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa gửi công văn 843/STTBCXBTT đề nghị: Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tuyên truyền, khuyến khích các giáo viên, học sinh và các thành viên gia đình tích cực hưởng ứng, tham gia Hội Sách online, thiết thực chào mừng Ngày Sách Việt Nam, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Thư viện Hà Nội và hệ thống thư viện công thuộc Thành phố tuyên truyền về Hội Sách online trên cổng thông tin điện tử, Fanpage, các kênh truyền thông khác của đơn vị nhằm tuyên truyền đến đông đảo bạn đọc về Hội Sách; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội khuyến khích các đoàn viên thanh niên tích cực hưởng ứng, tham gia; các phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền, khuyến khích nhân dân, bạn đọc trên địa bàn tích cực hưởng ứng, tham gia Hội Sách online, thiết thực chào mừng Ngày Sách Việt Nam, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid -19…

Cùng thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2. Cuối tháng 2, lượng người dùng truy cập vượt trên 15.000 trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua tài khoản cũng liên tục tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống (có sự phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách) sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn. Việc thí điểm bán lưu niệm và các vật phẩm văn hóa khác qua các câu lạc bộ người hâm mộ cũng có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới ngoài sách.

Tận dụng thời cơ từ dịch Covid-19

Nhìn từ dịch Covid-19, bên cạnh những tác động tiêu cực là những thời cơ mới cho hoạt động xuất bản nếu biết tận dụng. Khi thị trường và phương thức kinh doanh truyền thống gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm thị trường và phương thức kinh doanh mới. Một số doanh nghiệp trước đây chưa quan tâm đến phát hành online, giờ buộc phải phát triển mạng lưới bán hàng online nhằm đối phó với sự sụt giảm thị trường như Fahasa, Phương Nam, Thái Hà book… Một số doanh nghiệp khác tuy đã chú ý đến phát hành sách online nhưng còn phụ thuộc chủ yếu vào đối tác nay nhận thấy sẽ phải chủ động hơn nữa trong xây dựng kênh bán sách online của riêng mình, phát triển mảng sách điện tử, từ đó làm phong phú thị trường sách, hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tính liên kết trong hệ thống theo đó sẽ chặt chẽ hơn, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) - Nguyễn Nguyên nhận định: Việc giảm nhịp điệu sống qua việc giảm giao thương và các hoạt động sản xuất - kinh doanh, các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời; hạn chế việc đi lại, tăng thời gian ở nhà của một bộ phận lớn người dân đã khiến cho cơ hội để họ tiếp cận sách tăng, tái sinh môi trường đọc và nâng cao văn hoá đọc. Đây chính là thời cơ hiếm có để tận dụng, xây dựng thói quen đọc sách, nhân tố quan trọng nhất để phát triển văn hóa đọc.

Thực tế, dù số lượng sách bán giảm nhưng một số mảng sách hay, nhiều giá trị, kén độc giả đã bán chạy hơn, với đối tượng đọc đa dạng hơn như các tác phẩm văn học kinh điển, sách nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử, tôn giáo, văn hóa… Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác, trên một phương diện nhất định, những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại như một thử thách để qua đó sàng lọc, loại bỏ những đơn vị kém năng lực, thiếu tầm nhìn, thiếu khả năng thích nghi, từ đó quy hoạch một cách tự nhiên toàn bộ hệ thống, làm cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này