Sản xuất khẩu trang, cứu cánh cho ngành Dệt may

14:41 | 14/04/2020
(LĐTĐ) Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là khoảng 200 triệu chiếc/tháng. Điều đó cho thấy, Việt Nam có đủ năng lực trở thành quốc gia sản xuất khẩu trang lớn trên thế giới.
san xuat khau trang huong di moi cho nganh det may Hơn 23 triệu khẩu trang sẽ được cung ứng ra thị trường trong thời gian tới
san xuat khau trang huong di moi cho nganh det may Đề nghị xử lý hình sự doanh nghiệp dùng giấy vệ sinh sản xuất khẩu trang
san xuat khau trang huong di moi cho nganh det may Đôn đốc tiến độ các đơn vị sản xuất khẩu trang

Từ lâu, dệt may đã trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, số liệu cho thấy, hiện ngành này có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 chỉ sau nhóm hàng điện thoại. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đã gặp khó khi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc bị “đứt đoạn”. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu như châu Âu, Mỹ… gần như bị đóng băng.

san xuat khau trang huong di moi cho nganh det may
Việt Nam có đủ năng lực để trở thành quốc gia sản xuất khẩu trang lớn của thế giới

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, giảm bớt thiệt hại khi các đơn hàng bị hủy bỏ; đặc biệt là đáp ứng nhu cầu thực tế về khẩu trang trong nước cũng như tại các thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, một trong những mặt hàng mà trước đây nhiều doanh nghiệp chưa từng nghĩ tới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với việc chuyển đổi hướng sản xuất trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế sẵn có về cơ sở xuất, nhân công và đặc biệt là không đòi hỏi đầu tư nhiều. Do đó, sau khi sản xuất đủ cung ứng cho thị trường trong nước, thì vẫn có đủ năng lực và sản lượng để xuất khẩu khi mà nhu cầu thế giới về khẩu trang đang tăng mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, sự tiếp cận nhạy bén và chuyển đổi nhanh chóng giữa các sản phẩm dệt may truyền thống với mặt hàng khẩu trang sẽ là bí quyết để các doanh nghiệp dệt may không chỉ cầm cự qua mùa dịch, mà còn có thể tạo ra một “sân chơi” mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như đất nước. Vì thế, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu. Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Mặc dù nhận định Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới, nhưng để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài Cục Xuất nhập khẩu lưu ý các doanh nghiệp dệt may cần hết sức lưu ý đến các yếu tố khác. Cụ thể là trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Bên cạnh đó, để xuất khẩu đạt hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may cần quan tâm đến yếu tố chất lượng, tại thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Theo quy định tại Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ, khẩu trang y tế chỉ được xuất khẩu trong trường hợp viện trợ, hỗ trợ quốc tế được Chính phủ Việt Nam cho phép. Và nếu được cấp phép thì cũng chỉ cho xuất khẩu tối đa 25% sản lượng của doanh nghiệp. Theo đó, hiện Bộ Y tế đang thực hiện mua dự trữ khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch về lâu dài. Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ xuất khẩu khẩu trang y tế là cần thiết. Cũng theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hiện còn quá sớm để đề cập đến việc Việt Nam có thể trở thành “công xưởng” sản xuất khẩu trang của thế giới, bởi thực tế việc sản xuất khẩu trang chỉ là phương án tạm thời giúp doanh nghiệp vượt khó trong tình hình dịch bệnh Covid-19, tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, sau dịch bệnh, trong trường hợp Việt Nam và các nước khác khống chế được dịch Covid-19, khả năng cung ứng và dự trữ trong nước đối với mặt hàng này đáp ứng đủ nhu cầu, thì các bộ, ngành có thể phối hợp xem xét, kiến nghị Chính phủ biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế, cũng như khẩu trang vải kháng khuẩn. Qua đó, tạo ra hướng đi “mới” cho doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trong nước.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này