Nghỉ tránh dịch, trẻ phải học kỹ năng “sinh tồn”

11:12 | 12/04/2020
(LĐTĐ) Tránh bị bỏng nước sôi hay bình nóng lạnh, nồi cơm điện, tránh các vật dụng đồ điện và khu vực nguy hiểm, kỹ năng phòng tránh và xử lý hỏa hoạn, kỹ năng vệ sinh cá nhân… đó là những điều mà nhiều cha mẹ bỗng nhận ra thật cần thiết khi con nghỉ tránh dịch và phải tự “sinh tồn” trong chính ngôi nhà của mình.     
nghi tranh dich tre phai hoc ky nang sinh ton Cần dạy trẻ 7 kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ
nghi tranh dich tre phai hoc ky nang sinh ton 14 điều nên dạy trẻ từ 3-4 tuổi
nghi tranh dich tre phai hoc ky nang sinh ton 11 nguyên tắc vàng dạy con lứa tuổi mầm non, tiểu học

Gửi bức ảnh bàn tay bị băng bó qua facebook cho một bạn cùng lớp, cô bé Nguyễn Thùy Linh (học sinh lớp 7, Hoàn Kiếm, Hà Nội) “khoe” rằng đây là lần thứ hai trong tuần bị đứt tay. Thùy Linh cho biết từ khi nghỉ học ở nhà do dịch Covid-19 đến giờ, vì mẹ không thường xuyên ở nhà nên cô bé phải học cách nấu ăn, gọt hoa quả để hai chị em cùng ăn.

Lần thứ nhất bị đứt tay là do gọt bí để nấu canh, lần thứ hai đứt tay là do thái rau. Chị Thu, mẹ của Thùy Linh cho biết, đây là “lần đầu tiên con tham gia việc nấu ăn trong gia đình”.

Là một phụ huynh có hai con nhỏ đang ở độ tuổi tiểu học, Thạc sĩ công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh cho biết, từ những ngày đầu trẻ nghỉ học trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm đã khiến không ít phụ huynh gặp nhiều khó khăn và lúng túng.

nghi tranh dich tre phai hoc ky nang sinh ton
Cần dạy trẻ những kỹ năng cần thiết khi ở nhà. (Ảnh minh họa: Trịnh Huyền)

“Điều chúng ta lo lắng nhiều nhất là trẻ liệu có tự chăm sóc và bảo vệ được chính mình khi ở nhà mà không có người lớn hay không? Trẻ lớn cấp 2 hay cấp 3 thì có thể đã ý thực được tốt hơn, nhưng trẻ nhỏ mẫu giáo, cấp 1 thì như thế nào? Chúng có thể tự lo bữa ăn cho mình được không? Chúng làm gì khi ở nhà cả ngày, chúng có học không hay chỉ xem ti vi, lên mạng.. chúng ta không kiểm soát được”, Thạc sĩ công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh cho biết.

Thạc sĩ công tác xã hội Nguyễn Hiền Minh cũng chia sẻ rằng, chị biết rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người quen và cả hàng xóm xung quanh và còn rất nhiều những gia đình khác trong xã hội hiện nay chưa thể hoặc không thể thu xếp có người trông trẻ liên tục cả ngày được. Nhiều gia đình đành để đứa lớn trông đứa bé, thậm chí đứa lớn mới lớp 1 lớp 2 trông đứa bé 4, 5 tuổi. Họ để trẻ trong nhà, căn dặn và cất những vật dụng nguy hiểm rồi mở tivi, ipad cả buổi để bọn trẻ ngồi yên trong nhà, đến trưa bố mẹ mới tranh thủ về lo bữa ăn cho chúng. Đối với những trẻ lớn hơn chút thì có thể chuẩn bị cơm trưa sẵn và đến bữa dặn bọn trẻ ăn.

Tất nhiên là cha mẹ cũng giao bài, dặn con làm bài, học bài nhưng tỉ lệ các con tự giác làm đầy đủ và nghiêm túc không nhiều, đặc biệt là những gia đình ở thành phố khi mà ở nhà có các phương tiện, thiết bị điện tử hấp dẫn hoặc bạn bè hàng xóm đều được nghỉ trẻ sẽ tụ tập chơi nhiều hơn. Nói chung trong tình huống bí bách vậy thì cha mẹ cũng đành phải xoay xở hết những gì có thể.

nghi tranh dich tre phai hoc ky nang sinh ton
Thạc sĩ Nguyễn Hiền Minh

“Từ những khó khăn bất cập này chúng ta mới nhận ra việc trang bị kỹ năng sống cho con để chúng tự lập được trong các tình huống cần thiết là điều vô cùng quan trọng, điều mà trước giờ có thể nhiều cha mẹ chưa để ý”, thạc sĩ Hiền Minh nhận định.

Theo thạc sĩ Hiền Minh, thời điểm này khi cả nước đang tiến hành cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình học của các con đang được triển khai trực tuyến, cha mẹ cũng có thời gian ở nhà nhiều hơn với trẻ để cùng con sinh hoạt trọn vẹn một ngày và hướng dẫn con về các kỹ năng sống cần thiết.

Cơ bản vẫn là những kỹ năng sinh tồn phải quan tâm hàng đầu, ví dụ những kỹ năng an toàn điện; tránh bị bỏng nước sôi hay bình nóng lạnh, nồi cơm điện; tránh các vật dụng nguy hiểm và khu vực nguy hiểm; kỹ năng phòng tránh và xử lý hỏa hoạn, kỹ năng vệ sinh cá nhân...

Đối với trẻ em khu vực nông thôn hoặc các khu dân cư mà trẻ có thể đi chơi xung quanh khu vực sinh sống thì cần giúp trẻ có kỹ năng phòng tránh người lạ bắt cóc, xâm hại tình dục hoặc đuối nước và các trò chơi nguy hiểm khác. Ngoài ra trẻ cũng cần học cách chuẩn bị bữa ăn đơn giản cho mình khi cha mẹ không có nhà.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể trang bị cho trẻ những kỹ năng này và làm thế nào để trẻ thích thú lắng nghe và ghi nhớ thực hành? Chẳng có cách nào ngoài việc cha mẹ phải đồng hành mỗi ngày với con qua từng tình huống và ví dụ cụ thể.

Có thể một số kỹ năng các con đã từng được học, được giới thiệu ở trường hay câu lạc bộ nào đó, tuy nhiên việc học không đi đôi với hành các con sẽ chóng quên. Vậy nên cha mẹ hãy tận dụng thời gian hàng ngày đang nghỉ ở nhà cùng con để tạo ra các tình huống cùng con thực hành, thảo luận và rút kinh nghiệm. Khi trẻ được thực hành bằng những tình huống cụ thể, chúng sẽ ghi nhớ lâu hơn.

Ngoài ra một số kỹ năng sống liên quan nhiều đến thao tác, đòi hỏi sự thành thục như nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, quét sân, gập quần áo... hoặc sử dụng máy tính phục vụ cho việc học online thì cha mẹ cần làm cùng con hàng ngày để con quen và thành thạo.

Qua việc cùng làm các công việc nhà giữa cha mẹ và con cái sẽ tạo ra sự gắn bó tình cảm và tương tác tích cực, thắt chặt sợi dây tình cảm hoặc sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái nhiều hơn. Cha mẹ sẽ nhận ra con mình đã lớn, đã có thể làm được nhiều việc giúp ích cho gia đình, bản thân các con cũng nhận ra giá trị của bản thân, sức lao động của con và trách nhiệm của con với gia đình ngay từ khi còn nhỏ.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này