Phụ huynh lo lắng khi thiết bị công nghệ là "vật bất ly thân" của con trong mùa dịch

14:17 | 09/04/2020
(LĐTĐ) Sự tiếp xúc của trẻ với thiết bị công nghệ và văn hóa mạng trong thời gian nghỉ tránh dịch Covid-19 nhưng người lớn khó kiểm soát đang diễn ra ở mỗi gia đình. Nhiều phụ huynh lo lắng khi thiết bị công nghệ trở thành “vật bất ly thân” của con trong mùa dịch.    
phu huynh lo lang khi thiet bi cong nghe la vat bat ly than cua con trong mua dich Một số lưu ý với học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10
phu huynh lo lang khi thiet bi cong nghe la vat bat ly than cua con trong mua dich Giáo dục đại học đóng góp hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19

Đến giờ học online mà chị Hoàng Thị Ngát (Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa thấy tiếng lao xao của bọn trẻ học sinh lớp 5 như mọi ngày, chị liền bỏ rổ rau đang rửa, chạy vào phòng con xem thế nào. Vẫn đang nằm trên giường “ôm” cái ipad, Ngọc Minh, con trai chị đang say sưa chát với bạn mà không màng đến giờ học. Bực quá, chị giật cái ipad ném luôn vào sọt rác.

Thằng bé vội chạy ra nhặt cái ipad dính đầy lá rau muống phủi lấy phủi để, lại còn chạy vội vào lấy tờ khăn giấy lau lau, như thể báu vật. Máy tính vẫn chưa bật lên dù đã quá giờ học online với cô giáo chủ nhiệm 5 phút rồi.

phu huynh lo lang khi thiet bi cong nghe la vat bat ly than cua con trong mua dich
Cần có sự kiểm soát với trẻ khi sử dụng internet và các thiết bị điện tử (ảnh minh họa: Quỳnh Nga)

“Suốt ngày chỉ ôm cái ipad thôi, đến giờ học cũng quên. Từ giờ trở đi, cấm động vào ipad nghe chưa?”, chị Ngát quát con. Ngọc Minh lủi thủi mở máy tính học bài, mặt mũi phụng phịu. Khi nghe tiếng cô giảng bài qua phần mềm “zoom”, chị Ngát mới yên tâm. Nhưng đến lúc quá giờ cơm, mặc dù không còn nghe thấy cô giảng bài nữa mà chưa thấy con ra, chị Ngát chạy vào đã thấy cậu đang chát trên máy tính. Lần này thì chị bất lực toàn tập, bởi suy cho cùng, cứ ở nhà suốt ngày lại chỉ có một mẹ một con, không dùng thiết bị công nghệ thì biết làm gì? Ngay bản thân chị cũng khó mà rời được cái điện thoại cơ mà!

Trao đổi với phóng viên báo Lao động thủ đô, thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hiền Minh, một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới trầm cảm ở trẻ trong thời gian nghỉ dịch ở nhà quá lâu là vấn đề sử dụng các thiết bị điện tử truy cập internet. Đây cũng là nỗi lo chung của các bậc cha mẹ trong bối cảnh hiện tại.

“Chúng ta vẫn cần có sự kiểm soát với trẻ khi sử dụng internet và các thiết bị điện tử. Chúng ta cần thảo luận và thống nhất với trẻ về thời gian sử dụng internet mỗi ngày. Ví dụ: Sáng từ 9h-10h và chiều từ 16h-17h và hết thời gian sử dụng trẻ cần tự giác dừng lại nếu không sẽ không có lần sử dụng tiếp theo. Tuyệt đối không cho trẻ có cơ hội “mè nheo” thành công.

Trong thời gian sử dụng internet, cha mẹ nên gợi ý cho con vào các trang web có nội dung tích cực và hữu ích cho việc học tập và tìm hiểu thông tin của con như các trang học tiếng Anh, phim hoạt hình có nội dung tốt, các chương trình giải trí mang tính khoa học hoặc các trò chơi sáng tạo”, chuyên gia Nguyễn Hiền Minh cho biết.

phu huynh lo lang khi thiet bi cong nghe la vat bat ly than cua con trong mua dich
Để giúp trẻ vượt qua những cảm giác nhàm chán dễ dẫn đến trầm cảm, cha mẹ cần dành thời gian vui chơi với con (ảnh minh họa: Quỳnh Nga)

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, để giúp con có thời gian sử dụng internet hợp lý và hiệu quả, ngoài việc kiểm soát cha mẹ cũng cần có những kiến thức và sự hiểu biết nhất định về internet để biết cách sử dụng và quản lý tốt đối với con. Đồng thời, cha mẹ có thể bàn luận với con về các vấn đề liên quan tới internet và cùng chỉ ra cách sử dụng, tìm hiểu các ứng dụng trên internet phụ vụ cho học tập online hay tìm kiểm tài liệu.

Cha mẹ cũng cần hướng dẫn con cách tìm hiểu và tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, internet sao cho đúng, tránh những tin độc hại và các trang mạng không có nội dung lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào. Một số nhà mạng cũng đưa ra các gói giải pháp để quản lý không gian mạng lành mạnh dành cho trẻ, cha mẹ cũng có thể tham khảo để việc quản lý con được tốt hơn.

"Trẻ được nghỉ học thời gian đầu thường thích thú bởi các con có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn là việc phải căng thẳng lo bài vở trên lớp mỗi ngày. Tuy nhiên việc ở nhà quá lâu, kéo dài vài tuần và thậm chí là 1-2 tháng sẽ khiến một số trẻ có những biểu hiện trầm cảm.

Trẻ không được giao tiếp nhiều với bạn bè, xã hội mà chỉ quanh quẩn trong nhà với các thiết bị điện tử, sách truyện, vẽ tranh... mãi cũng sẽ nhàm, lâu dần có thể có những biểu hiện trầm cảm. Có trẻ rối loạn tiêu hóa do ăn ngủ thất thường, ít vận động, có trẻ sẽ giảm tập trung chú ý do sử dụng các thiết bị điện tử nhiều dẫn đến mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt... Để giúp trẻ vượt qua những cảm giác nhàm chán dễ dẫn đến trầm cảm, các bậc cha mẹ cần kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ trẻ", thạc sỹ Nguyễn Hiền Minh nhấn mạnh.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này