Để lựa chọn nước sát khuẩn nhanh, gel rửa tay phòng ngừa vi khuẩn, virus an toàn:

Nên theo danh sách được Bộ Y tế công bố

09:54 | 09/04/2020
(LĐTĐ) Với công dụng có thể diệt vi khuẩn, virus, hiện nay các loại dung dịch nước sát khuẩn nhanh hay gel rửa tay khô đã trở thành vật “bất ly thân” của mọi người để đối phó với đại dịch Covid-19. Để hiểu rõ hơn về tính chất, công dụng và cách phân biệt các loại nước sát khuẩn nhanh, gel rửa tay khô đảm bảo an toàn theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ (TS.BS) Lê Văn Nhân - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.
nen theo danh sach duoc bo y te cong bo LĐLĐ quận Đống Đa tặng khẩu trang và nước sát khuẩn cho người lao động
nen theo danh sach duoc bo y te cong bo LĐLĐ huyện Đan Phượng phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí cho đoàn viên, người lao động
nen theo danh sach duoc bo y te cong bo Cẩn trọng trước “ma trận” khẩu trang, nước rửa tay không rõ nguồn gốc

PV: Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh hay gel rửa tay khô là một trong những biện pháp giúp người dân phòng, chống virus. Vậy công dụng và thành phần của các loại nước sát khuẩn này như thế nào?

nen theo danh sach duoc bo y te cong bo
TS-BS Lê Văn Nhân, nguyên Phó Giám đốc TTYT Dự phòng TP. Hồ Chí Minh

TS.BS Lê Văn Nhân: Thành phần chính của nước rửa tay y tế nói chung và nước rửa tay khô nói riêng thường bao gồm: Chất diệt khuẩn (thành phần chính gồm Chlorhexidine, Chlorine, Ethanol (cồn), Iod, Triclosan…) và các chất phụ gia khác (như hương liệu tạo mùi...). Nước sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô có khả năng diệt các loại vi khuẩn, virus, mầm bệnh gây hại đến sức khỏe, khiến chúng không phát triển nữa và bảo vệ bàn tay sạch sẽ trong thời gian dài nhất có thể. Bên cạnh đó, nhiều loại nước rửa tay, sát khuẩn còn có thể chứa thành phần dưỡng chất, vitamin giúp cho bàn tay của bạn luôn được mềm mại.

PV: Trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm nước sát khuẩn, gel rửa tay khô, tuy nhiên người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn, đầu là sản phẩm nhái. Vậy cách phân biệt các sản phẩm này như thế nào thưa Bác sĩ?

TS.BS Lê Văn Nhân: Có thể thấy, hiện trên thị trường có rất nhiều loại nước rửa tay được giới thiệu có chức năng diệt khuẩn, khử khuẩn, kháng khuẩn nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng của một chế phẩm diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế. Cụ thể, nước rửa tay diệt khuẩn (NRTDK) phải được Cục Quản lý môi trường y tế (QLMTYT) thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành và được khảo nghiệm tính năng diệt khuẩn ở những cơ sở được phép của Bộ Y tế (như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh…). Đặc biệt, sau khi được cấp phép thì ở trên sản phẩm nước sát khuẩn hoặc gel rửa tay khô sẽ phải in đầy đủ thông tin, cụ thể số đăng ký (SĐK) bắt buộc phải có dòng chữ “VNDP-HC”. Ngoài ra, người dân có thể truy cập vào website của Cục QLMTYT – Bộ Y tế (http://vihema.gov.vn) để tra cứu danh sách các chế phẩm nước rửa tay sát khuẩn được lưu hành hợp pháp trên thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, có những cơ sở sản xuất nước rửa tay gia dụng chưa được khảo nghiệm tính năng diệt khuẩn, và tất nhiên không thể có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của Bộ Y tế nhưng vẫn đưa mặt hàng này ra bán. Các sản phẩm này thường lách luật bằng cách ghi là nước rửa tay diệt khuẩn nhưng có số đăng ký là mỹ phẩm (có ghi chữ CBMP trên sản phẩm) hoặc chỉ đăng ký là “tiêu chuẩn cơ sở” (có ghi chữ TCCS trên chai) hoặc không có cả số đăng ký…

Mặt khác nhiều sản phẩm mỹ phẩm cho rằng có làm xét nghiệm về diệt khuẩn tại một cơ sở xét nghiệm nào đó (chỉ là một trong những tiêu chuẩn đơn giản nhất), thì cũng không thể so sánh với tiêu chuẩn NRTDK do Cục QLMTYT cấp phép được. Vì quan trọng không chỉ là sản phẩm đạt yêu cầu diệt khuẩn tại cơ sở xét nghiệm mà là, hồ sơ đăng ký sản phẩm diệt khuẩn tại Cục QLMTYT còn phải bao gồm rất nhiều tiêu chí phải đạt như: Cơ sở nhà máy sản xuất; Nhân sự đạt chuẩn; Trang thiết bị kiểm nghiệm được sản phẩm ít nhất phải có các máy sắc ký lỏng, sắc khí khí, phòng vi sinh, nói chung phải có phòng LAB đạt tiêu chuẩn...

PV: Khi sử dụng nước sát khuẩn nhanh, gel rửa tay khô không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng?

TS.BS Lê Văn Nhân: Dung dịch sát khuẩn tay nhanh thì phải diệt được vi khuẩn mà không cần đến nước, do đó thành phần của dung dịch này phải chứa một lượng lớn hóa chất để diệt khuẩn. Do đó, nó có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như: chất diệt khuẩn có thể gây nên khô da tay, bong tróc, căng cứng, hoặc còn ảnh hưởng đến những vấn đề khác về mặt sức khỏe… Hiện có nhiều loại dung dịch sát khuẩn, nhưng không đảm bảo quy chuẩn. Khi sử dụng không những có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh và gây phản ứng phụ tại chỗ như viêm da kích ứng, dị ứng mà thậm chí còn gây độc hại cho cơ thể.
Ngược lại, nước sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô đạt chuẩn có khả năng diệt các loại vi khuẩn, virus, mầm bệnh gây hại đến sức khỏe, khiến chúng không phát triển nữa, bảo vệ bàn tay sạch sẽ trong thời gian dài nhất có thể và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

PV: Thưa Bác sĩ, vậy giải pháp tốt nhất để vệ sinh tay bảo vệ bản thân, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch là gì?

TS.BS Lê Văn Nhân: Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương pháp vệ sinh tay tốt nhất vẫn là rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trong ít nhất 20 giây với đầy đủ các bước cơ bản, hoặc sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn.

Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh mà chủ yếu là vệ sinh tay bằng cách rửa tay với nước sạch và xà phòng. Đồng thời phải áp dụng đồng bộ với những phương pháp hỗ trợ khác như vệ sinh trong ăn uống, tập thể dục, mang khẩu trang, tránh nơi đông người... Chỉ sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh trong những trường hợp không có nước sạch và xà phòng. Hạn chế mua những loại nước rửa tay không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không có giấy đăng ký lưu hành của Cục QLMTYT (BYT)… Khi trẻ sử dụng cần có sự giám sát và hướng dẫn của bố mẹ hoặc người lớn.

Nên vệ sinh tay trong các trường hợp tay bẩn như trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc người bệnh, khi hoạt động ngoài trời, sau khi giao tiếp có va chạm bàn tay, đi tàu xe hay vào bệnh viện… Để phòng tránh lây nhiễm dịch, tránh dùng tay chưa rửa chạm vào mắt, mũi và miệng. Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay che mũi và miệng khi hắt hơi, ho, sổ mũi và rửa tay ngay. Làm sạch và khử trùng thường xuyên các bề mặt và vật dụng mà bạn hay chạm vào (như mặt bàn, bàn phím vi tính, máy điện thoại, đồ điều khiển...).

Xin cảm ơn Bác sĩ về những chia sẻ trên!

Đỗ Đạt (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này