Dòng họ khoa bảng lừng lẫy đất Thăng Long xưa

11:18 | 07/04/2020
(LĐTĐ) Hà Nội xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”, chỉ truyền thống hiếu học ở một vùng đất ven đô. Cót là tên nôm của làng Hạ Yên Quyết (nay thuộc phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Từ thế kỷ XIV, cùng các dòng họ Hoàng, Quản, Doãn... dòng họ Nguyễn Như Uyên đã về vùng ven sông Tô Lịch nơi đây để khai phá, lập làng và cho đến ngày nay được coi là một trong những dòng họ khoa bảng lừng lẫy đất Thăng Long.
dong ho khoa bang lung lay dat thang long xua Làng khoa bảng trên đất Thăng Long
dong ho khoa bang lung lay dat thang long xua Chùa Vua - Đấu trường cờ tướng danh tiếng đất Thăng Long
dong ho khoa bang lung lay dat thang long xua Cột cờ Hà Nội: Biểu tượng hùng thiêng của đất Thăng Long
Rạng danh dòng tộc

Làng Cót là 1 trong 20 làng khoa bảng của Việt Nam và là 1 trong 5 làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội. Hiện là làng khoa bảng duy nhất ở nội thành. Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, làng Cót có 11 tiến sỹ, trong đó dòng họ Nguyễn Như Uyên có 5 tiến sỹ được khắc tên trong bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cụ Tổ đồng thời là vị đại khoa đầu tiên của họ Nguyễn là Nguyễn Như Uyên.

dong ho khoa bang lung lay dat thang long xua
Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Như Uyên thường xuyên tổ chức tổng kết công tác khuyến học của dòng họ.

Gia phả họ Nguyễn có ghi rõ: Cụ thủy tổ Nguyễn Như Uyên sinh năm 1436 tại làng Cót. Khoa thi Kỷ Sửu, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) cụ đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (Hoàng giáp) về vinh quy tại làng Cót. Cụ là người khai khoa tiến sỹ của dòng họ, làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ sự (đứng đầu 6 Bộ) kiêm Quốc Tử Giám tế tửu (Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), Nhập thị Kinh Diên (vào cung giảng sách cho vua). Khi cụ về về hưu, được phong tước Thái Bảo, Liêm Quận Công và được vua ban cho đất đai an cư lập nghiệp ở làng Cót. Có thể nói cụ là một vị công thần tột đỉnh vinh hoa lúc bấy giờ. Nguyễn Như Uyên còn được nhà vua tin dùng và giao trọng trách trên mặt trận quân sự.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì ngày 23/8 năm Kỷ Hợi (1479) Nguyễn Như Uyên được cử làm Hành quân Chư doanh ký lục đi đánh Ai Lao, Bồn Man và Lão Qua. Vua trực tiếp chỉ dụ “Trên từ tướng súy, dưới đến quân lính, người nào chăm chỉ được việc hay lười biếng ngu đần, kẻ nào dám nhút nhát, hết thảy phải ghi chép cho rõ để tâu lên”. Tóm lại ông là người có công trị nước và đào tạo nhân tài trong thời kỳ thịnh trị nhất của chế độ phong kiến.

Người thứ hai của họ Nguyễn đỗ đại khoa là Nguyễn Xuân Nham cháu nhà chú bác với Nguyễn Như Uyên đỗ Đồng tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, năm Cảnh Thống thứ hai (1499), làm quan tới chức Hình bộ Đô cấp sự trung.Vị đại khoa thứ ba của dòng họ là Nguyễn Khiêm Quang tự là Dưỡng Hối, thụy là Lỗ Khê, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên năm thứ hai (1523) triều Lê, làm quan tới chức Mậu lâm lang Phụng trí đại phu, Lạng Sơn xứ tán trị, Thừa chánh sứ ti, Thừa chánh sứ, tham dự triều chính.Vị đại khoa thứ tư của họ Nguyễn là Nguyễn Nhật Tráng- ông là cháu nội cụ Nguyễn Khiêm Quang, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa ất Mùi - niên hiệu Quang Hưng năm thứ 18 (1595). Theo văn bia Quốc Tử Giám thì đây là khoa Tiến sĩ thứ 5 đời Trung Hưng, một khoa thi lớn, sĩ tử về bộ Lễ dự thi có trên 3.000 người, nhưng chỉ lấy đậu có 6 người (trong đó có hai vị Hoàng giáp là Nguyễn Nhật Tráng và Nguyễn Thực).

Nguyễn Nhật Tráng làm quan tới chức Đô cấp sự trung, tá lý công thần, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu. Khi mất được vua Lê truy phong là Bỉnh trung đại vương, Kiệt tiết công thần và cho lập đền thờ. Ở thôn Trung Kính Thượng trước đây có ngôi miếu thờ ông gọi là Quán ông Nghè. Ở làng Cót còn lưu truyền nhiều chuyện giai thoại lý thú về nhân vật lịch sử này.Vị đại khoa thứ năm của dòng họ Nguyễn Như Uyên là Nguyễn Vinh Thịnh cháu 4 đời của Nguyễn Nhật Tráng, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 2 (1659) đời Lê Thần Tông, thăng Mậu lâm lang Thẩm hình viện đề hình, giám sát ngự sử.

Độc đáo di tích Nhà thờ họ Nguyễn Như Uyên

Kể từ đời thủy tổ Nguyễn Như Uyên ở những thời kỳ trước, dòng họ Nguyễn Như Uyên có 3 Chi, đến nay đã phát triển thành 17 Chi, với số đinh trên 1.000 người, và là dòng họ lớn nhất quận Cầu Giấy. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dòng họ Nguyễn Như Uyên đã phát triển lớn mạnh về mọi mặt, nhất là số trai đinh, nhưng vẫn giữ trọn nền tảng của một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Hiện nay ở làng Cót còn có nhà thờ họ Nguyễn Như Uyên được xây dựng trên một khu đất đẹp với cảnh quan tĩnh mịch và thiêng liêng cho nơi thờ cúng, gian giữa nhà thờ có bốn chữ Liêm quận công từ. Nhà thờ kết cấu theo kiểu chữ “Nhất” với các hạng mục: Cổng, mộ phần của các cụ đỗ đại khoa, bức bình phong và bái đường. Từ cổng bước qua khoảng sân lát gạch đỏ là tới mộ phần gồm các ngôi có cốt ở dưới.

Những ngôi mộ này mới được chuyển về năm 1996. Bốn ngôi phía ngoài ốp đá đều có dựng bia ghi năm đỗ đại khoa của các cụ tổ. Phần chính giữa là mộ phần của Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên có mái che một tầng bốn mái đao cong, phía dưới đặt cốt, phía trên đặt tượng. Tượng được tạc với kích thước bằng người thật, ngồi đĩnh đạc trên ngai, đầu đội mũ cánh chuồn màu đỏ, mình vận hồng y thắt đai, râu dài, hai tay đặt trên gối. Toàn bộ tượng toát lên vẻ nho nhã, quắc thước lột tả được con người khoa bảng Nguyễn Như Uyên thủa xưa.

Tiếp đến là bức bình phong nằm phía sau mộ phần, được làm dưới dạng cuốn thư đắp lưỡng long chầu nguyệt, chầu vào giữa. Rồng tạc trong tư thế long đằng vân với các họa tiết sắc nét, thể hiện quyền uy của linh vật này. Nổi nhất của di tích là tòa bái đường ba gian hai dĩ kết cấu theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai trụ biểu, hai tầng ba mái thắt cổ diêm, mái lợp ngói ri. Tại hạng mục này bài trí ba ban thờ: Ban thờ giữa và hai ban thờ tả, hữu. Ban thờ giữa uy nghiêm nhất, gồm hoành phi, câu đối hương án và các đồ thờ tự khác. Hai ban tả, hữu bài trí giản lược hơn.

Kể từ đời thủy tổ Nguyễn Như Uyên ở những thời kỳ trước, dòng họ Nguyễn Như Uyên có 3 Chi, đến nay đã phát triển thành 17 Chi, với số đinh trên 1.000 người, và là dòng họ lớn nhất quận Cầu Giấy. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dòng họ Nguyễn Như Uyên đã phát triển lớn mạnh về mọi mặt, nhất là số trai đinh, nhưng vẫn giữ trọn nền tảng của một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Hiện nay ở làng Cót còn có nhà thờ họ Nguyễn Như Uyên được xây dựng trên một khu đất đẹp với cảnh quan tĩnh mịch và thiêng liêng cho nơi thờ cúng, gian giữa nhà thờ có bốn chữ Liêm quận công từ.

Đặc biệt, tại tường bên trái ngoài sân tạc 5 bức phù điêu trên nền tường với kích thước 13,5m x 2,7m, miêu tả cuộc đời công danh và hành trạng của Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên. Bức thứ nhất mô tả cảnh cụ khi còn nhỏ gắng công đèn sách; bức thứ hai miêu tả cảnh cụ đi thi và vinh quy bái tổ; bức thứ ba là hình ảnh cụ nhận sắc chỉ và quan phục trong triều; bức thứ tư mô tả cảnh cụ tháp tùng nhà vua chinh phục Ai Lao và Bồn Man; bức thứ năm là cảnh cụ hồi triều nhậm chức Quốc Tử Giám Tế Tửu.

Đây là những bức phù điêu có giá trị nghệ thuật cao. Trong nhà thờ còn có một số hoành phi và câu đối nhắc đến truyền thống của quê hương, công lao và sự nghiệp của vị khai khoa làm rạng danh cho dòng họ. Ngày 5/10/2012, dòng họ vinh Nguyễn Như Uyên dự tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng “Di tích lịch sử - văn hóa” (cấp thành phố) tại Nhà thờ họ Thái Bảo, Liêm Quận Công Nguyễn Như Uyên. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của các thế hệ con cháu một dòng họ khoa bảng trên mảnh đất ngàn năm văn vật. Giữa năm ngoái, nhằm tôn vinh nhân cách cao đẹp và tài năng cũng như những cống hiến của tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Như Uyên, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa của Hoàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên (1469 – 2019).

Theo ông Nguyễn Trung Thanh, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc Nguyễn Như Uyên, hiện tại dòng họ đang tổng hợp tư liệu, sắp xếp lại gia phả qua 21 đời để tiến hành in ấn thành một cuốn hoàn chỉnh. Mặt khác, đang chuẩn bị các tư liệu để viết cuốn Sử ký dòng họ Nguyễn Như Uyên với bề dày lịch sử 600 năm hình thành và phát triển. Nhiều năm qua, công tác khuyến học của dòng họ luôn được chú trọng và được coi là nền tảng để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho dòng họ, quê hương và đất nước.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này