Chợ đầu mối - cần thiết hay lãng phí?

16:16 | 21/01/2014
LĐTĐ - Khi Tết đã đến rất gần, người đi mua sắm chuẩn bị Tết ngày một đông hơn- chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại một số chợ đầu mối của Hà Nội. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, thực tế cho thấy chợ đầu mối của Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề.

 

Nhiều người cho rằng chợ đầu mối chỉ là sự nâng cấp

 của chợ xanh hay chợ cóc!

 

Xây chợ rồi để không

 

Trong số các chợ đầu mối có tên tuổi như Long Biên (Hoàn Kiếm), Minh Khai (Từ Liêm), BaZa (Gia Lâm)… chợ đầu mối phía Nam nằm ở khu Vĩnh Tuy (Hoàng Mai) cũng thuộc loại "số má đầy đủ”. Người ta hy vọng xây chợ này để xóa sổ các khu chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Chợ này còn là nơi tập kết các mặt hàng nông, lâm sản và thực phẩm của các huyện phía Nam thành phố cũng như các tỉnh kề cận như Hà Nam, Nam Định… 

 

Chợ được xây dựng trên một vị trí khá lý tưởng, rộng rãi. Ngoài bến bãi đậu xe thì chợ còn được xây dựng bởi 2 khu nhà kết cấu kiên cố, tường xây, cửa xếp kéo và lợp tôn. Trông cơ ngơi "hoành tráng” như vậy, ai cũng nghĩ chợ sẽ thu hút được nhiều tiểu thương. Nhưng trớ trêu thay, đến nay, đi vào hoạt động chưa được bao lâu, hai khu nhà có tên A và B này lại… chẳng có ai thuê. Cả hai dãy chỉ lác đác vài ki-ốt, chủ yếu là thuê để chứa hàng khô.

 

Người ta không vào chợ mà lại tràn ra ngoài phần lưu không phía trước để mua bán. Bất cập nhất là khu vực bán buôn thịt gia súc, gia cầm ở ngay lối vào khu B cũng như bên hông chợ. Nước thải lều phều, đen đặc và tanh hôi chảy ra. Thêm vào đó là khói, than, củi và lửa.

 

Tương tự, chợ đầu mối phía Bắc cũng đìu hiu. Chợ đầu mối Bắc Thăng Long mà người dân quen gọi là chợ Hải Bối được xây dựng từ năm 2004 trên một diện tích rộng tới 30.000m2, kinh phí đầu tư lúc đó lên tới 13 tỷ đồng. Chợ có chức năng tập trung các nguồn rau xanh, cá thịt cùng hàng trăm mặt hàng nữa của khu vực kề cận và các tỉnh phía Bắc chuyển về. Nhưng trái với hy vọng và kỳ vọng, chợ Hải Bối lại... không có người vào. Hiện chỉ có khoảng 1/3 ki-ốt là có chủ. Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện thoại theo số được công khai trên mạng của Ban quản lý chợ, nhưng không có ai nhấc máy. Qua chợ đầu mối Minh Khai (Từ Liêm) cũng lâm vào cảnh "ế ẩm”. Chợ này được sử dụng tới trên 41.000m2 đất và kinh phí đầu tư cho hai giai đoạn lên đến trên 27 tỷ đồng. 

 

 

Thuê ki-ốt để... chứa đồ

 

Lỗi tại... quy hoạch

 

Hiện Hà Nội có 414 chợ, trong đó có 12 chợ hạng 1; 67 chợ hạng 2; 304 chợ hạng 3 và 31 chợ chưa phân hạng. Để tránh tình trạng lộn xộn, đảm bảo thông thương, chủ trương xây dựng mới các chợ và xây thêm chợ đầu mối xem ra rất hợp lý. Nhưng do không có sự tính toán cẩn trọng, quy hoạch thiếu thực tiễn, đa số các chợ đầu mối đều gây lãng phí lớn cho ngân sách.

 

Vì sao các chợ đầu mối vắng người và không phát huy được hiệu quả như mong đợi? Trao đổi với những người ngày đêm lấy chợ làm sự mưu sinh, chúng tôi mới vỡ nhẽ có quá nhiều bất cập. Nguyễn Hoàng Long, một người làm nghề xe ôm kiêm chạy hàng cho vợ ở chợ đầu mối phía Nam cho biết, cái bất cập đầu tiên đối với anh là phải gửi xe. Với cánh chạy xe và chạy hàng như các anh ở chợ thì đây là một khoản phí khá cao. Mỗi lần vào chợ là mất 3.000 đồng, một ngày để lấy hàng và chở hàng anh đã phải vào chợ đến vài chục lần. Như vậy anh đã mất tới cả trăm nghìn chỉ để chi phí cho chuyện ra vào chợ. 

 

Bà Nguyễn Thị Nam, chủ một quầy hàng buôn bán hoa quả nằm ngay trên đường tránh dẫn lên tầng 1 cầu Thăng Long cho biết, cái khổ nhất của chợ là không có không gian cây xanh. Trên thì lợp mái tôn, ngày nắng thì nóng như thiêu. Gió và khí nóng thông thốc lùa vào làm cho các hàng hoa quả, hàng rau xanh nhanh chóng héo úa và hao cân, khiến các tư thương lỗ chỏng gọng. Mùa Đông thì gió lạnh lùa tứ phía. Chính vì thế mà khách hàng dần xa chợ, tiểu thương vì thế cũng vắng theo. 

 

Đánh giá về thực trạng các chợ, trong đó có chợ đầu mối, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cần xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển chợ mang tính thực tế hơn. Cần lựa chọn cơ chế quản lý linh hoạt, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa chủ đầu tư, tiểu thương, khách hàng và các lợi ích xã hội khác. Phát triển các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chợ theo huớng đồng bộ, tạo thuận lợi cho cả người mua và người bán. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tiểu thương, hộ gia đình vào chợ kinh doanh đúng chức năng, ngành nghề với chi phí thấp nhất. 

 

Sở Công thương Hà Nội cũng đã nhìn ra những bất cập, hoạt động kém hiệu quả của các chợ, trong đó có chợ đầu mối, trong đó có cả việc chưa có hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng chợ. Các chợ hiện nay đều mang kiểu dáng, kết cấu  khác nhau. Thêm vào đó là mỗi chủ đầu tư lại có cách khai thác riêng, như mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ giải trí, cho thuê văn phòng, nhà ở… Chợ lại mang tính nửa vời, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng bởi đa phần khách có tiền muốn mua hàng cao cấp thường chọn các trung tâm thương mại lớn, còn khách mua thực phẩm vẫn thích chợ cóc hơn…

 

Cũng theo các cơ quan chức năng, để cải thiện tình hình và cứu vãn sự đìu hiu của các chợ đầu mối, thời gian tới sẽ đưa các chợ đủ điều kiện trở thành trung tâm thương mại, như chợ Đền Lừ, chợ Xuân Đỉnh và thành trung tâm bán buôn như chợ Bắc Thăng Long. Nhưng, điều lạ là trong khi chưa "xử lý tồn đọng” xong thì không hiểu sao người ta lại vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm nhiều dự án trung tâm thương mại khác, như "Tổ hợp trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp”, "Trung tâm bán buôn, bán lẻ hải sản - Khu thương mại và ẩm thực”, "chợ dân sinh Lệ Chi”, "chợ Đồng Tâm” với số vốn đầu tư rất lớn.

Nguồn Đại đoàn kết

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này