Tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất: Doanh nghiệp cần chứng minh thế nào?

12:58 | 01/04/2020
(LĐTĐ) Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội sẽ tiếp nhận, thẩm định, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng tiền vào quỹ hưu trí và tử tuất khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định.
tam dung dong quy huu tri va tu tuat doanh nghiep can chung minh the nao Giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, tránh lạm dụng, trục lợi
tam dung dong quy huu tri va tu tuat doanh nghiep can chung minh the nao Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Sẽ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, Liên ngành BHXH thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính Hà Nội vừa có Hướng dẫn liên ngành số 882/HDLN-BHXH-LĐTB&XH-TC về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

tam dung dong quy huu tri va tu tuat doanh nghiep can chung minh the nao
Điều kiện, thủ tục, thời hạn doanh nghiệp cần biết khi thực hiện tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Theo hướng dẫn, đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động được quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13 gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động. Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thời gian áp dụng kể từ tháng doanh nghiệp đề nghị và nộp hồ sơ đầy đủ với cơ quan BHXH đến tháng 6/2020. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020, dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì BHXH thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.

Về quy trình và trách nhiệm, thực hiện theo Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau: Trường hợp doanh nghiệp không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, doanh nghiệp làm văn bản đề nghị kèm theo danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm đề nghị; danh sách lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc.

Sau đó, đối với doanh nghiệp do BHXH quận, huyện, thị xã trực tiếp quản lý sẽ gửi danh sách tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở lên thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp do BHXH thành phố trực tiếp quản lý, sẽ gửi danh sách tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội; đối với doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý sẽ gửi danh sách tới Bộ, ngành Trung ương.

Trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh Covid-19 gây ra (không kể giá trị tài sản là đất): Doanh nghiệp làm văn bản đề nghị kèm theo Báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại; Biên bản kiểm kê tài sản thiệt hại do dịch bệnh, sau đó gửi về Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã. Tương tự theo phân cấp như trên, doanh nghiệp sẽ chủ động gửi về Sở Tài chính Hà Nội và cơ quan tài chính các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết

Theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội, các Bộ, ngành Trung ương, hoặc Bộ Tài chính xem xét, xác định và có văn bản trả lời doanh nghiệp.

BHXH Hà Nội cho biết: Sau khi hoàn tất thủ tục trên, doanh nghiệp đảm bảo điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 16 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP có văn bản đề nghị tạm dừmg đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, kèm theo văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại của cơ quan có thầm quyền gửi cơ quan BHXH nơi đơn vị tham gia BHXH. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

BHXH thành phố Hà Nội cũng lưu ý, người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp hồ sơ bản sao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; báo cáo tài chính, báo cáo kê khai thuế tại thời điểm gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại và gần nhất với thời điểm bị thiệt hại; hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán hàng hóa và hồ sơ khác liên quan (như tài liệu về hủy hợp đồng, tiêu hủy tài sản...) (nếu có).

Đồng thời, trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Riêng đối với doanh nghiệp và người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian tạm dừng đóng.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này