Chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới:

Hướng đến phát triển toàn diện học sinh

12:21 | 01/04/2020
(LĐTĐ) Thời điểm này, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang khẩn trương nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 để tổ chức giảng dạy từ năm học 2020 - 2021. Thận trọng, công khai, minh bạch là những tiêu chí được ưu tiên hàng đầu trong việc lựa chọn bởi bản thân các nhà trường cũng ý thức sâu sắc việc lựa chọn SGK lớp 1 sẽ quyết định đến chất lượng dạy và học…
huong den phat trien toan dien hoc sinh Công bố giá 4 bộ sách giáo khoa lớp 1
huong den phat trien toan dien hoc sinh Ra mắt sách giáo khoa lớp 1 phiên bản điện tử
huong den phat trien toan dien hoc sinh Thêm 7 sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt

Tôn trọng quyền tự quyết

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song với tinh thần chủ động, những ngày này các nhà trường trên địa bàn Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng trừ như phun hóa chất khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp hơn giúp đẩy lùi bệnh dịch.

Bên cạnh đó, công tác thảo luận chuyên đề dạy học trực tuyến như “Trường học kết nối”, phần mềm Zoom, Skype, Zalo, email… để áp dụng vào bài dạy trong những ngày học sinh được nghỉ học cũng được triển khai.

huong den phat trien toan dien hoc sinh
Việc lựa chọn SGK lớp 1 mới phải đảm bảo thận trọng, công khai, minh bạch.

Đáng ghi nhận, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô cũng nghiêm túc triển khai Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông để việc lựa chọn SGK lớp 1 đưa vào giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 đúng tiến độ.

Cụ thể, ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, các Phòng GD&ĐT của 30 quận/huyện/thị xã đã nhanh chóng triển khai các nội dung của Thông tư tới tất cả các trường thuộc phạm vi quản lý để các trường bắt tay vào việc xây dựng quy trình lựa chọn SGK.

Trực tiếp đến một số trường tiểu học mới thấy, tinh thần, trách nhiệm của lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương cũng như của cơ sở giáo dục được nêu cao. Tại nhiều cơ sở, ngoài việc tham khảo, nghiên cứu trực tiếp trên các bản sách mẫu, giáo viên còn nghiên cứu qua Internet và sinh hoạt chuyên môn qua phần mềm dạy học trực tuyến để lựa chọn được bộ sách ưng ý nhất.

Trường Tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) là ví dụ. Tại đây, các giáo viên được chia làm 6 nhóm theo môn học, hoạt động giáo dục, mỗi nhóm có khối trưởng chuyên môn làm nhóm trưởng. Thành viên của từng nhóm đọc toàn bộ các đầu sách được phân công, trao đổi, thảo luận về những ưu, nhược điểm trong từng bài học.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc được quyền chọn SGK để giảng dạy là cơ hội để các trường học phát huy quyền tự chủ, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi mỗi nhà trường phải thực hiện nghiêm túc, minh bạch. Khó khăn hiện nay là học sinh đang tạm nghỉ học, nên việc lựa chọn sách chủ yếu mang tính chủ quan, chưa được trải nghiệm bằng thực tế dạy học.

Tương tự, tại quận Hà Đông, việc đánh giá SGK lớp 1 mới cũng đã được các trường hoàn thành. Theo tìm hiểu, toàn quận Hà Đông có 38 trường tiểu học. Thời điểm này các trường đều đã tập hợp phiếu đánh giá từng cuốn sách mỗi môn học của 5 bộ sách mới.

Tuy nhiên, do thời gian này toàn ngành Giáo dục đang tập trung vào việc phòng chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra nên Hà Đông vẫn đang chờ các hướng dẫn tiếp theo của Sở GD&ĐT Hà Nội để triển khai các bước tiếp theo.

Được biết, với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô, ngoài các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, tinh thần chung của các địa phương là SGK được lựa chọn phải phù hợp với năng lực học tập của học sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học trò của mình…

Thận trọng, công khai, minh bạch

Một điểm chung trong quá trình lựa chọn SGK mới là các nhà trường đều xác định đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Bởi chỉ khi lựa chọn bộ sách phù hợp nhất thì mới có thể có kế hoạch giảng dạy cũng như lựa chọn phương pháp hình thức dạy học phù hợp để triển khai ở cơ sở của mình.

Việc lựa chọn bộ sách phù hợp nhất còn giúp thầy cô lựa chọn được phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phát huy năng lực của từng đối tượng học sinh. Qua đó cũng tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng lực, giúp các em đạt mục tiêu bài học cũng như mục tiêu của chương trình giáo dục đề ra.

huong den phat trien toan dien hoc sinh
SGK lớp 1 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, xuất bản.

Theo tìm hiểu, giá thành các bộ SGK cũng là yếu tố quan trọng để các hội đồng lựa chọn SGK các trường cân nhắc trong khâu quyết định cuối cùng. Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giá của 4 bộ SGK lớp 1 mới do đơn vị biên soạn, xuất bản được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai từ năm học 2020 - 2021.

Theo đó, giá các bộ SGK cụ thể như sau: Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (gồm 10 cuốn) giá 179.000 đồng, bộ Chân trời sáng tạo (gồm 9 cuốn) giá 186.000 đồng, bộ Cùng học để phát triển năng lực (gồm 10 cuốn) giá 194.000 đồng và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (gồm 9 cuốn) giá 189.000 đồng. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam cũng xác định bộ SGK Cánh diều (gồm 9 cuốn) có giá 199.000 đồng.

Sau khi công khai giá, dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tính theo giá bộ SGK lớp 1 hiện hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 54.000 đồng thì bộ sách lớp 1 mới do các Nhà xuất bản kê khai đều có giá tăng rất mạnh.

Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn, bởi 5 bộ SGK lớp 1 mới vừa được công bố giá với mức tăng từ 3 tới 4 lần so với bộ sách hiện hành, điều này đang “làm khó” các trường trong việc chọn bộ sách phù hợp.

Theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, việc lựa chọn SGK sẽ được căn cứ trên 2 tiêu chí: Phù hợp với đặc kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập 1 Hội đồng lựa chọn SGK. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng lựa chọn SGK. Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 7 người.

Tuy nhiên, theo giải thích của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các bộ SGK có giá như vậy là bởi việc thực nghiệm SGK cũng đã được thực hiện qua nhiều vòng, trên nhiều đối tượng, ở nhiều địa bàn có điều kiện giáo dục khác nhau.

Ngoài ra, khi có nhiều bộ sách cùng được xuất bản như hiện nay, sản lượng phát hành sẽ giảm đi, các khoản chi phí tổ chức bản thảo được phân bổ theo sản lượng đó sẽ cao hơn so với SGK hiện hành.

Hình thức SGK cũng được chú trọng theo định hướng phát triển năng lực, tăng cường kênh hình, hình ảnh hoá nội dung với hệ thống hình ảnh minh họa phong phú, hấp dẫn. Chất lượng giấy và yêu cầu kĩ thuật in được nâng lên nhằm đảm bảo chất lượng hình ảnh và bảo vệ thị lực cho học sinh…

Trở lại với câu chuyện chọn SGK lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, một giáo viên có hơn 20 năm dạy tiểu học nhận xét: So với những lần thay SGK trước đây, lần này bộ sách mới có nhiều hình ảnh trực quan, phù hợp với học sinh lớp 1.

Đặc biệt, nhiều sách đã bám sát tinh thần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp khi lồng ghép dạy kiến thức văn hóa với nhiều vấn đề khác của đời sống như: Bình đẳng giới, quyền trẻ em, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông…

Bên cạnh những yếu tố tích cực, xét trên câu chuyện chọn SGK lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì việc chọn sách phải chọn cho học sinh và cho giáo viên, là hai chủ thể sử dụng. Nói cách khác, dù lựa chọn ra sao thì với học sinh, SGK phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập tích cực và hiệu quả.

Nội dung sách phải đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực với đủ các thành phần cơ bản, dễ sử dụng, thuận lợi cho việc triển khai hoạt động dạy - học, chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức.

Với giáo viên, SGK cũng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Chẳng hạn, các chủ đề/bài học trong sách phải được thiết kế, trình bày bằng các hoạt động đa dạng, tạo điều kiện cho giáo viên có nhiều phương án lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực…

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này