Các cấp Công đoàn Thủ đô:

Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động bị ngừng việc vì dịch bệnh

16:30 | 30/03/2020
(LĐTĐ) Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn Thủ đô phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động bị ngừng việc, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng ảnh hưởng dịch bệnh để cắt giảm quyền lợi của người lao động, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.      
giam sat viec thuc hien che do chinh sach doi voi nguoi lao dong bi ngung viec vi dich benh Tạm nghỉ việc vì dịch Covid-19, người lao động được đảm bảo nhiều quyền lợi
giam sat viec thuc hien che do chinh sach doi voi nguoi lao dong bi ngung viec vi dich benh Dịch Covid-19: Người lao động trên khắp thế giới lao đao với nỗi lo ”cơm áo”
giam sat viec thuc hien che do chinh sach doi voi nguoi lao dong bi ngung viec vi dich benh Chính phủ ban hành chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 30/3, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng ký công văn hỏa tốc số 198/LĐLĐ gửi LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, các Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid- 19.

Công văn nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và đời sống, việc làm của hàng chục nghìn người lao động trên địa bàn Thành phố. Để đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ Thành phố Nội yêu cầu Công đoàn cấp trên cơ sở, chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia xây dựng phương án, giám sát việc thực hiện chi trả tiền lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động bị ngừng việc do dịch bệnh Covid- 19.

Cụ thể, đối với người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; ngừng việc do doanh nghiệp (hoặc bộ phận doanh nghiệp) dừng hoạt động vì bị phong tỏa do dịch bệnh Covid- 19; người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường dẫn đến phải tạm dừng hoạt động, không bố trí đủ việc làm cho người lao động…thì tiền lương ngừng việc của người lao động được thực hiện theo khoản 3, điều 98 Bộ Luật Lao động: lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

giam sat viec thuc hien che do chinh sach doi voi nguoi lao dong bi ngung viec vi dich benh
Công đoàn cơ sở phải tham gia xây dựng phương án, giám sát việc chi trả tiền lương ngừng việc và chế độ cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng Covid- 19. Ảnh minh họa.

Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đã cố gắng nhưng không còn khả năng tiếp tục thực hiện thì chủ doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận “Tạm hoãn Hợp đồng lao động” không hưởng lương hoặc hưởng một phần lương theo Điều 32 Bộ Luật Lao động, trương hợp này phải được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.

Đối với trường hợp doanh nghiệp phải sắp xếp thu hẹp sản xuất, cắt giảm chỗ làm việc hoặc dừng hoạt động thì Công đoàn cần tham gia xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, đơn phương chấm dứt hợp động lao động đối với người lao động (theo điều 38 và điều 44 Bộ Luật Lao động). Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo điều 49 Bộ Luật Lao động và công đoàn cơ sở phải hướng dẫn người lao động hoàn thiện thủ thục hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (nếu có).

Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố lưu ý, các cấp Công đoàn phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động bị ngừng việc, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng ảnh hưởng dịch bệnh để cắt giảm quyền lợi của người lao động, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này