Dạy học trên truyền hình: Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

10:54 | 27/03/2020
(LĐTĐ) Dạy học trên truyền hình đang là giải pháp chủ động ứng phó trước việc học sinh nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch bệnh, giúp học sinh chủ động ôn tập, củng cố kiến thức. Tuy nhiên, làm sao để tránh sự nhàm chán, nâng cao chất lượng dạy và học là bài toán không dễ.
day hoc tren truyen hinh van chi la giai phap tinh the Tinh giản chương trình, đẩy mạnh dạy học trên truyền hình
day hoc tren truyen hinh van chi la giai phap tinh the Nhiều lợi ích từ việc triển khai dạy học trên truyền hình

Không đến trường nhưng việc học không gián đoạn

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến cho học sinh cả nước chưa thể quay lại trường. Vào lúc này ngành Giáo dục, các địa phương và từng trường đang phải triển khai các phương án ôn luyện kiến thức cho học sinh. Trong đó, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai bài giảng qua truyền hình - một biện pháp cần thiết bổ trợ kiến thức cơ bản cho học sinh, tiêu biểu như ở Hà Nội.

day hoc tren truyen hinh van chi la giai phap tinh the
Hà Nội tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 từ ngày 9/3.

Nhằm hỗ trợ việc học tập, củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19; giúp các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021 và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; từ ngày 9/3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình "Học trên truyền hình" các môn học năm học 2019 - 2020 dành cho học sinh lớp 9 và 12. Tiếp đến, từ ngày ngày 19/3, học sinh các khối lớp 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 cũng được học tập qua truyền hình.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, toàn bộ bài giảng trên truyền hình đều là những bài giảng mới, được xây dựng tiếp nối với các bài học mà các em đã học trước khi nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Các bài giảng được thiết kế đạt chuẩn về kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Sau một thời gian triển khai, hình thức này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh. Qua khảo sát của phóng viên, đa số ý kiến cho rằng, việc học qua truyền hình rất hữu ích, đạt được lợi ích kép khi vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, vừa giúp học sinh học tập, ôn luyện kiến thức.Nguyễn Minh Anh (học sinh Trường Trung học phổ thông Quang Trung, quận Hà Đông) cho biết, dù việc học qua truyền hình khiến học sinh không có tương tác trực tiếp với giáo viên nhưng không vì thế mà giảm hứng thú đối với môn học. “Em thấy giáo viên dạy trên truyền hình đều là những thầy cô có kinh nghiệm. Các bài giảng đều rất dễ hiểu, kiến thức được chắt lọc, tổng hợp nên việc học khá hiệu quả” - Minh Anh chia sẻ.

Tương tự, Lê Thảo My (học sinh trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân) bày tỏ, bản thân em khá hào hứng với nội dung bài giảng, kiến thức nhẹ nhàng, không bị dàn trải, các thầy cô giảng ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu.

Không chỉ các địa phương tổ chức dạy học qua truyền hình, ngày 6/3, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã phối hợp với Hệ thống Giáo dục Họcmai ra mắt chương trình “Lớp học không khoảng cách” nhằm giúp các học sinh bậc phổ thông trên cả nước học tập, ôn luyện trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình được phát trên kênh VTC11, VTC8 và ứng dụng VTC Now thuộc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trên các khung giờ 9h00 - 9h30 sáng (Lớp 5); 14h00 - 14h30 chiều (Lớp 9) và 16h00 - 16h30, 20h00 - 21h30 tối (Lớp 11).

Các bài giảng được thiết kế bám sát với chương trình giáo dục hiện hành dành cho học sinh bậc phổ thông với đội ngũ giáo viên uy tín, giàu kinh nghiệm giảng dạy. Đặc biệt, chương trình được phát sóng hoàn toàn miễn phí trên sóng truyền hình, phủ sóng toàn quốc. Do đó, học sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng đều được tiếp cận với những bài giảng hữu ích.

Tinh giản chương trình

Được biết, tại Hà Nội, để hỗ trợ học sinh học tập trên truyền hình hiệu quả, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT quận/huyện/thị xã, các nhà trường triển khai tới tất cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh lịch phát sóng hàng tuần, nội dung dạy trên truyền hình. Đồng thời yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, chỉ đạo để 100% giáo viên các bộ môn của đơn vị nghiên cứu sách giáo khoa, cùng theo dõi bài dạy trên truyền hình; trao đổi kinh nghiệm trong tổ nhóm chuyên môn, xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp với nội dung bài dạy, gửi bài tập cho học sinh làm và chữa bài cho học sinh. Sau mỗi buổi phát sóng, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng quan tâm tới các ý kiến phản hồi của học sinh, giáo viên để hoàn thiện cả về hình thức, phương pháp và nội dung bài giảng.

Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam), dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới kết thúc. Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam từng kiến nghị Chính phủ dạy học qua truyền hình trong mùa dịch. Phương thức học này đã có từ lâu, nhưng hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, giải pháp này càng hiệu quả hơn nữa.Gần đây, Bộ GD&ĐT đã có văn bản khuyến khích việc học từ xa qua Internet, trên truyền hình thế nhưng lại chưa có cách tổ chức, thống nhất cụ thể. Các Sở GD&ĐT, các trường vẫn đang tổ chức một cách tự phát, thiếu sự đồng bộ trên cả nước.

“Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để làm việc với các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương, đồng thời phối hợp cùng các Sở GD&ĐT để có sự phân công cụ thể. Hiện nay, chúng ta có 12 khối lớp. Do đó, chúng ta có thể sử dụng 12 kênh truyền hình, mỗi kênh đảm nhiệm dạy một khối lớp. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng nên xem xét lại chương trình học, nội dung nào không thực sự cần thiết thì có thể giảm bớt” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện tại, Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai đồng bộ 3 giải pháp để hỗ trợ các địa phương, nhà trường, học sinh chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Cụ thể, giải pháp thứ nhất Bộ GD&ĐT thực hiện là rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường.

Việc tinh giản không thực hiện cơ học mà trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, đảm bảo thống nhất chung trong cả nước chứ không phải phụ thuộc vào từng trường như trước kia. Căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019 - 2020.

Giải pháp thứ hai là Bộ GD&ĐT xây dựng hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình áp dụng cho học kỳ 2 đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình. Các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua Internet, trên truyền hình theo chương trình giáo dục đã được tinh giản. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ nội dung chương trình cốt lõi đã tinh giản để phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc. Điều này tạo điều kiện để các địa phương tổ chức cho học sinh học qua truyền hình, từ đó rút ngắn được thời gian hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học đã điều chỉnh.

Giải pháp thứ ba là căn cứ vào chương trình đã tinh giản nội dung dạy học, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020 nhằm tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 11/8/2020.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biến và kiểm soát dịch bệnh để hướng dẫn kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2019 - 2020 và tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này