Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh lao

18:21 | 24/03/2020
(LĐTĐ) Ngày 24/3, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Chương trình Chống Lao Quốc gia đã tổ chức buổi giao ban trực tuyến toàn quốc Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao và Tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2019, kế hoạch năm 2020. Chủ đề của Việt Nam nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay là: “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”.    
bien hiem hoa covid 19 thanh co hoi de cham dut benh lao Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững
bien hiem hoa covid 19 thanh co hoi de cham dut benh lao Việt Nam cam kết cùng thế giới chấm dứt bệnh lao toàn cầu

Lao vốn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan dễ dàng ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được phát hiện kịp thời, chữa trị đúng cách. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, nước ta hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Chia sẻ tại buổi giao ban trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ nhiệm Chương trình Chống Lao Quốc gia chia sẻ: “Ước tính số liệu năm 2018, Việt Nam có 174.000 người mắc lao mới, số người chết do lao ước tính là 11.000 người và có thêm 2000 người chết vì Lao/HIV”.

bien hiem hoa covid 19 thanh co hoi de cham dut benh lao
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban trực tuyến

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm nay là: “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Chủ đề muốn nêu rõ từ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Bởi, hiện nay, hàng năm, số người tử vong do lao còn cao hơn nhiều số tử vong do tai nạn giao thông.

Bệnh lao tuy là bệnh lây nhiễm nhưng hiện có thể chữa khỏi hoàn toàn. Để phát hiện các ca bệnh và điều trị kịp thời, phòng tránh lây lan ra cộng đồng, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả cộng đồng để người bệnh không bị kỳ thị, mặc cảm, mà chủ động phát hiện bệnh, điều trị ngay khi có triệu chứng.

“Nếu công tác phòng, chống lao cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, ngành và cả của cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được”. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, lực lượng quan trọng trong việc hỗ trợ chấm dứt bệnh lao chính là phụ nữ. Chương trình chống lao quốc gia đặt mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ gia đình không mắc lao.

Hội Phổi Việt Nam vừa thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam. Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao.

bien hiem hoa covid 19 thanh co hoi de cham dut benh lao
Giao ban trực tuyến toàn quốc Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2020

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao những kết quả mà Chương trình Chống Lao Quốc gia đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, để chấm dứt bệnh lao trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Chương trình Chống Lao Quốc gia tập trung vào một số định hướng lớn.

Theo đó, Chương trình đề xuất Bộ Y tế chiến lược phù hợp cho giai đoạn mới để định hướng thực hiện Chương trình Chống Lao Quốc gia tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Bên cạnh đó, hoàn thành dự thảo Chỉ thị về tăng cường phòng, chống bệnh lao, tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và Chương trình hành động Quốc gia phòng , chống bệnh lao giai đoạn 2020 – 2030 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất các quy định liên quan đến việc chấm dứt bệnh lao để đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm .

Về truyền thông, Chương trình Chống Lao Quốc gia phải có những bước đột phá hơn nữa trong truyền thông, vận động các cấp chính quyền và cộng đồng tham gia làm sao phát hiện sớm và nhiều nhất các trường hợp lao, điều trị quản lý với kết quả cao, kể cả lao thường và lao kháng thuốc.

"Về vấn đề hậu cần thuốc và trang thiết bị, cần khẩn trương lập Kế hoạch năm 2021 và phương án nguồn vốn để bảo đảm đủ thuốc chống lao, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân lao. Cần chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi nguồn kinh phí từ nhà nước sang sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế cho thuốc chống lao. Ngoài ra, Chương trình cần tiếp tục tranh thủ vận động sự ủng hộ từ các đối tác, nhà tài trợ quốc tế cả về kỹ thuật và tài chính cho công tác phòng, chống lao tại Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Mới đây, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PATSB đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ. Thời gian bắt đầu từ 0h ngày 3/3/2020 đến ngày 1/5/2020. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này