Gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động

10:41 | 24/03/2020
(LĐTĐ) Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, nhiều bộ, ngành đã khẩn trương, quyết liệt vào cuộc triển khai các giải pháp trong lĩnh vực phụ trách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động.
go kho cho doanh nghiep va nguoi lao dong Đặt quyền, lợi ích của người lao động lên hàng đầu
go kho cho doanh nghiep va nguoi lao dong Ổn định đời sống, việc làm cho người lao động
go kho cho doanh nghiep va nguoi lao dong Danh sách các doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội
go kho cho doanh nghiep va nguoi lao dong
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam khảo sát đời sống, việc làm, ăn ca của người lao động trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: B.D

Tạm dừng thu kinh phí Công đoàn, bảo hiểm xã hội

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã quyết định lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết: Với tinh thần Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương;

Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc đồng ý cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (doanh nghiệp có số lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên) được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, điều kiện đối với các doanh nghiệp, đơn vị thuộc diện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất: Gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hai trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 mà dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị, thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.

Đặc biệt, trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH Việt Nam đề nghị không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra, nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hằng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất), bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là 32% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng. Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ trọng lớn với tỷ lệ là 22%, trên 2/3 tổng số tiền đóng vào các quỹ. Như vậy, thực hiện chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, việc BHXH Việt Nam ban hành và tổ chức thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động hỗ trợ không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của người lao động trong điều kiện dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Sẽ tăng cường các giải pháp hỗ trợ

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 6 nhóm chính sách hỗ trợ, trong đó sẽ tập trung vào nâng cao và mở rộng đối tượng được hỗ trợ tới tất cả các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, do dịch bệnh Covid-19, đến nay đã có trên 15% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Doanh nghiệp giảm quy mô, dẫn đến số lượng lao động mất việc, giãn việc ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 1/2020 (30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người)…

Theo đó, ngoài hai giải pháp như: Tạm ngừng thu kinh phí công đoàn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất của BHXH Việt Nam đã triển khai, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất thêm 4 nhóm giải pháp nữa. Cụ thể, nhóm giải pháp thứ ba là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc và không có việc làm do tác động của Covid-19, thời gian miễn đóng cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.

Nhóm giải pháp thứ tư, sẽ sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lại cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, để khi tình hình ổn định thì người lao động quay trở lại làm việc.

Nhóm giải pháp thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, trong đó: Doanh nghiệp được hỗ trợ vay tiền (miễn lãi trong thời gian ảnh hưởng) để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định; đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp mà người lao động phải thôi việc, mất việc.

Nhóm giải pháp thứ sáu là chính sách tín dụng với người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã... Đây là chính sách đề nghị cho các loại hình này được vay vốn sản xuất, phục hồi sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên liệu, vật liệu phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%.

Về giải pháp tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất ngành BHXH đã triển khai, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thêm, trong điều kiện hiện nay, Bộ đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng không chỉ phần trăm số lượng lao động bị ảnh hưởng. Theo đó, sẽ không khống chế tỉ lệ 50% đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà sẽ áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10%. Thời hạn áp dụng tạm dừng đóng BHXH, Bộ đề xuất từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.

“Với tác động, đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu đến 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ và 100.000-200.000 doanh nghiệp được hỗ trợ, tương ứng với kinh phí hỗ trợ từ 25.000-49.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này