Người đi bộ vi phạm luật giao thông: Lỗi nhiều, xử lý ít

12:05 | 18/03/2014
LĐTĐ -Theo Nghị định 171/2013/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các hành vi như mang, vác hàng hóa cồng kềnh, trèo dải phân cách, sang đường sai quy định, đi vào đường cấm… sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 120.000 đồng.

Luật là vậy, nhưng trên thực tế, số trường hợp bị xử lý do vi phạm những quy định này là rất ít.

“Thuốc đắng” chưa “dã được tật”

Khoảng 23 giờ, ngày 3/3, trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa), một nữ sinh khi sang đường sai nơi quy định bị ô tô BKS 29U - 4036 đâm phải. Vụ TNGT khiến nạn nhân bị thương rất nặng. Khoảng 23 giờ 10, ngày 8/3, trên QL 6 đoạn qua địa phận quận Hà Đông, 3 thanh niên đi bộ cũng bị thương nặng sau khi bị một chiếc ô tô đi cùng chiều đâm phải… Liên tiếp những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến người đi bộ diễn ra trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành luật giao thông của người đi bộ. Những tưởng, sau những vụ tai nạn đó, ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi bộ sẽ được cảnh tỉnh. Tuy nhiên, phớt lờ các quy định, tình trạng người đi bộ vi phạm luật giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến đường.

Người đi bộ vi phạm  luật giao thông trên đường Nguyễn Trãi (đoạn qua Royal City). Ảnh: Trình Vũ

Người đi bộ vi phạm luật giao thông trên đường Nguyễn Trãi (đoạn qua Royal City). Ảnh: Trình Vũ

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số tuyến đường như Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Đào Tấn, Phạm Văn Đồng, Xã Đàn…, tình trạng người đi bộ vượt đèn đỏ, vượt dải phân cách, sang đường sai nơi quy định… - vẫn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, tại những khu vực đã có cầu bộ hành như Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, Chùa Bộc…, ý thức chấp hành luật giao thông của người đi bộ cũng rất thấp. Có mặt tại cầu bộ hành trên phố Tây Sơn trong khoảng 15 phút, chúng tôi đã ghi nhận gần chục trường hợp vi phạm. Điều đáng nói, hầu hết người vi phạm khi được hỏi đều biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, mất ATGT nhưng chỉ vì “tiện, nhiều người vẫn sẵn sàng đánh cược cả sinh mạng để qua đường.

Phạt nặng để thay đổi thói quen

Trao đổi với chúng tôi, đội trưởng một số đội CSGT trên địa bàn TP cho rằng, ý thức kém của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính khiến tình trạng trên ngày càng diễn biến phức tạp. Sự chủ quan của người đi bộ đã đẩy các phương tiện lưu thông trên đường vào tình huống bị động, chỉ cần lái xe lơ đãng một chút, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Liên quan đến việc xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông, đại diện một số đội CSGT cho biết, mặc dù CSGT đã nhiều lần tổ chức ra quân xử lý tình trạng trên nhưng vi phạm vẫn không giảm. Ngoài ra, trong quá trình kiểm soát, xử lý vi phạm, người vi phạm luôn viện ra đủ lý do, như không mang giấy tờ tùy thân, không mang tiền theo người, lần đầu tiên vi phạm… để "né" việc kiểm tra.

PGS - TS Nguyễn Thị Kim Hoa - Chủ nhiệm khoa Xã hội học (trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sở dĩ vẫn còn tình trạng người đi bộ vi phạm luật giao thông là do chế tài chưa đủ mạnh, các lực lượng chức năng chưa sát sao trong việc xử lý vi phạm. Theo bà Hoa, việc xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông nên "học tập" quy định người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm: "Ban đầu khi quy định này được ban hành, nhiều người cho rằng, sẽ rất khó để thực hiện được. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, ý thức của người dân đã được cải thiện đáng kể".

Năm 2014 được UBND TP chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị", một trong những nhiệm vụ được đề ra là thay đổi nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước. Do đó, đề nghị các cơ quan có liên tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp người đi bộ vi phạm để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, tránh những tai nạn đáng tiếc như đã xảy ra.

Theo KTĐT

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này