Dịch Covid-19 kéo dài sẽ khiến ngành sản xuất công nghiệp gặp khó 

21:43 | 19/03/2020
(LĐTĐ) Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) diễn biến ngày càng phức tạp, đã và đang đẩy hàng loạt doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vào tình cảnh khốn khó. Thậm chí, dịch kéo dài còn đặt không ít doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản.
dich covid 19 keo dai se khien nganh san xuat cong nghiep gap kho Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
dich covid 19 keo dai se khien nganh san xuat cong nghiep gap kho Thế giới có thể mất gần 25 triệu việc làm vì Covid-19
dich covid 19 keo dai se khien nganh san xuat cong nghiep gap kho Cộng đồng trách nhiệm, chung tay phòng, chống để đẩy lùi dịch Covid-19

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tháng 2/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 23,7% so với tháng trước (chủ yếu do tháng 1 năm nay trùng với kỳ nghỉ tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng 2). Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động khá mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

dich covid 19 keo dai se khien nganh san xuat cong nghiep gap kho
Sản xuất công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu dịch Covid-19 kéo dài

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 3,7% (cùng kỳ giảm 3,5%); ngành sản xuất và phân phối, điện, khí đốt, nước chỉ tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 9,3%); ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 6,4%).

Theo nhận định của Cục Công nghiệp, nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như: chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động...

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn về thị trường tiêu thụ. Trung Quốc, cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: dệt may, da giày – túi xách, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện...

Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu...

Trong và sau thời gian dịch bệnh, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các yếu tố: Bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước; giải quyết các vướng mắc, khó khăn về lao động; tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp...

T.M

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này