Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính

10:29 | 17/03/2020
(LĐTĐ) Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, với nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm hành chính trong thời gian tới.
de xuat tang muc xu phat vi pham hanh chinh Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
de xuat tang muc xu phat vi pham hanh chinh Xử lý 20.821 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự đô thị

Đáng quan tâm, về lập biên bản vi phạm hành chính và thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ ràng hơn thời hạn, địa điểm lập biên bản vi phạm, bổ sung việc lập, gửi biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử; tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bỏ quy định về thủ tục gia hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Dự thảo Luật cũng sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực và bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực.

de xuat tang muc xu phat vi pham hanh chinh
Dự thảo đề xuất quy định rõ hơn thời hạn, địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính. (Ảnh: H.P)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Luật có bố cục gồm 04 Điều, cụ thể, Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2 quy định về việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 3 quy định về việc bãi bỏ một số điều, khoản của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.

Một số nội dung lớn sửa đổi lần này được Chính phủ trình là tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực và bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực. Cụ thể, đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: Tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Báo cáo tổng kết thi hành Luật không đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa... Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực và sửa đổi tên 07 lĩnh vực.

Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.

So với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn và giao Chính phủ quy định lĩnh vực khác được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đa số ý kiến Ủy ban thẩm tra tán thành việc giao Chính phủ quy định lĩnh vực khác được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật và quy định chủ thể được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện kịp thời hành vi vi phạm hành chính, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Đồng thời, đề nghị giải trình rõ hơn sự cần thiết, căn cứ để bổ sung lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định lĩnh vực khác được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính để bảo đảm tính chặt chẽ, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Về việc bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong 06 lĩnh vực và sửa đổi tên của 07 lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ phạm vi của 02 lĩnh vực mới được bổ sung là in và cứu nạn, cứu hộ để không chồng chéo với các lĩnh vực khác; bỏ lĩnh vực quản lý và bảo tồn nguồn gen và phân bón vì đã thuộc lĩnh vực trồng trọt theo quy định của Luật Trồng trọt.

Ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng... ở mức cao hơn để tăng sức răn đe.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, bài học rõ nhất là việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với mức phạt hành chính cao và Nghị định 100/2019 NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông, người dân đã tự ý thức tránh xa rượu bia khi tham gia giao thông. Do vậy, tăng mức phạt hành chính đều có ý nghĩa răn đe của nó cả. Nhất là ở những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta cần mạnh dạn tăng mức phạt thật nặng để tăng sức răn đe.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật Xử lý vi phạm hành chính là dự án Luật quan trọng, được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn. Do vậy, việc sửa Luật cần đảm bảo vừa quản lý nhà nước, quản lý xã hội tốt nhưng vẫn phải đảm bảo tốt quyền con người, quyền công dân.

H. Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này