Trở lại nơi ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập

15:56 | 14/03/2020
(LĐTĐ) Từ lâu, di tích lịch sử 48 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã đi sâu vào tâm thức của hàng triệu người dân Việt Nam. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945. Nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng.
tro lai noi ra doi cua ban tuyen ngon doc lap Thước phim quay Lễ Độc lập: Vẫn bí ẩn về người cầm máy
tro lai noi ra doi cua ban tuyen ngon doc lap Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Hịch non sông đất nước
tro lai noi ra doi cua ban tuyen ngon doc lap Bản Tuyên ngôn Độc lập: Còn mãi với thời gian

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Chủ nhân của ngôi nhà khi ấy là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ.

tro lai noi ra doi cua ban tuyen ngon doc lap
Phòng trưng bày tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang.

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà này là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Tại đây đã diễn ra cuộc họp thành lập Chính phủ lâm thời và đặc biệt, trong căn phòng ở tầng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 02/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đánh dấu bước ngoặt phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu Người trở về Hà Nội, nơi Bác đã ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.

tro lai noi ra doi cua ban tuyen ngon doc lap
Một góc trưng bày chuyên đề.

Trải qua gần 100 năm thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn nguyên vẹn, đó là các tòa nhà nối liền nhau hình chữ nhật với 2 mặt trước, sau thông thoáng, cửa chính nằm trên 48 phố Hàng Ngang, cửa hậu nằm trên 35 phố Hàng Cân. Nối giữa là khoảng sân hình vuông, có chiếc giếng và cây xanh trồng xung quanh. Trên mỗi tầng đều có một chiếc ban công rộng được trồng hoa, tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời với thiên nhiên.

Tầng một của ngôi nhà trưng bày những tư liệu theo chủ đề kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm Ngày thành lập nước, 85 năm Ngày thành lập Đảng. Hiện nay, di tích đang trưng bày chuyên đề “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang – nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập”.

tro lai noi ra doi cua ban tuyen ngon doc lap
Tầng 2, đặt chiếc bàn lịch sử nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

Tại tầng hai, ấn tượng nhất là chiếc bàn lịch sử đặt một chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã từng sử dụng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, các hiện vật giới thiệu về phòng tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người ở và làm việc tại đây; phòng họp có đặt chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián ở giữa, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương đã làm việc.

Tầng ba của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương.

Từ nhiều năm nay, đã có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Đặc biệt vào ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, lượng du khách tăng đột biến. Đã có rất đông học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước đã chủ động tìm đến di tích tìm hiểu, học tập. Sinh viên các trường đại học thường xuyên tập hợp thành từng nhóm là những tình nguyện viên hướng dẫn khách du lịch tại di tích 48 Hàng Ngang.

Năm 1970, ngôi nhà này đã được dành làm nơi lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, do đó năm 1979, Nhà số 48 phố Hàng Ngang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Quyết định số 54/VH-QĐ ngày 29/4/1979.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng, một địa chỉ đỏ để các thế hệ sau tìm đến và biết thêm về nơi ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vừa qua, cùng với 4 "địa chỉ đỏ" là 5D Hàm Long, Nhà tù Hoả Lò, Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm, Nhà lưu niệm Bác Hồ, di tích 48 Hàng Ngang đã được Thành đoàn Hà Nội chọn là nơi tổ chức sinh hoạt truyền thống chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) trên địa bàn thành phố, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng 90 năm vẻ vang của Đảng, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc.

P.B

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này