Âm nhạc trực tuyến lên ngôi thời đại dịch

10:48 | 13/03/2020
(LĐTĐ) Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nghệ sĩ đã phải hủy show diễn khiến cho thị trường giải trí trong nước trở nên ảm đạm. Tổ chức chương trình âm nhạc trực tuyến là lựa chọn phù hợp để đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng.
am nhac truc tuyen len ngoi thoi dai dich An Ngọc: Cô ca sĩ trẻ đam mê dòng nhạc dân tộc
am nhac truc tuyen len ngoi thoi dai dich Bạn biết gì về những bản nhạc rock kinh điển đang thống trị nhạc online?

Trong thời đại được định nghĩa là 4.0, ở lĩnh vực âm nhạc, phương thức thưởng thức cũng thay đổi một cách chóng mặt. Từ nghe nhạc bằng những định dạng ghi âm vật lý, giờ đây nhiều người chủ yếu nghe nhạc trực tuyến với định dạng số hóa. Trên nền tảng đó, hình thức truyền hình trực tiếp hay livestream đã được nhiều nghệ sĩ cũng như các festival âm nhạc thử nghiệm và thành công.

am nhac truc tuyen len ngoi thoi dai dich
Nhạc sĩ Minh Vương livestream giao lưu trực tiếp với khán giả từ phòng thu

Trong bối cảnh thị trường âm nhạc đang bão hòa, làm show online được đánh giá là sự lựa chọn thông minh, hợp thời của nghệ sĩ Việt. Đây được đánh giá là xu thế tất yếu vừa an toàn, vừa mang lại hiệu quả cao. Việc đầu tư để có sản phẩm phát hành trực tuyến ít tốn kém hơn so với việc phát hành album truyền thống mà khả năng lan tỏa, tương tác với khán giả lại tốt hơn.

So với việc phát hành audio, MV ca khúc, làm show online có khả năng tương tác, kết nối với khán giả tốt hơn. Thông thường, trong phần trình diễn ca khúc, nghệ sĩ thường có cuộc trò chuyện để kết nối, tạo sự thân thiện, gần gũi với khán giả. Qua đó, khán giả có thể hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và suy nghĩ của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, với việc phát hành đều đặn hàng tuần, nghệ sĩ có thời gian để lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh từ những phản hồi, góp ý của khán giả để xây dựng sản phẩm âm nhạc hoàn thiện hơn.

"Hãy tưởng tượng khi bạn tổ chức một buổi diễn trong nhà hát, bạn sẽ bị hạn chế số lượng người xem. Nhưng khi được truyền hình trực tiếp, số lượng khán giả sẽ là không giới hạn. Chỉ cần có kết nối Internet bất kể ai cũng có thể xem", ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc sáng tạo của Truyền hình FPT cho biết.

Đi trước chúng ta, giới giải trí Hàn Quốc đã triệt để sử dụng công nghệ âm nhạc trực tuyến. Hãng công nghệ Naver giới thiệu ứng dụng di động mang tên V - Live, cho phép người hâm mộ theo dõi và tương tác trực tiếp với thần tượng thông qua các buổi livestream. Tại Việt Nam, hình thức hát trực tuyến được du nhập từ năm 2016 bằng buổi ra mắt trực tiếp singer "Âm thầm bên em" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

Sau đó, liveshow "Bức tường và những người bạn: Đôi bàn tay thắp lửa" tại triển lãm Giảng Võ cũng thực hiện trên Youtube và VTV go đã có được hiệu ứng tốt trong khán giả. Năm 2017, ca sĩ Hà Anh Tuấn trở thành người tiên phong đầu tư nghiêm túc theo xu hướng này bằng dự án "See Sing Share". Hiệu ứng khán giả từ dự án này đã chứng minh Hà Anh Tuấn đã đi đúng hướng. Trung bình 10 triệu lượt xem mỗi tập. Cũng nhờ phương thức này mà sự kết nối giữa Hà Anh Tuấn và khán giả cũng không ngừng tăng lên.

Điển hình, cú “bắt tay” ấn tượng giữa ban nhạc Anh Em và Truyền hình FPT (với vai trò là đơn vị sản xuất) để cho ra chuỗi chương trình âm nhạc “Music Home” sử dụng công nghệ truyền hình livestream tương tác lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, phát sóng trên Truyền hình FPT và livestream trên mạng xã hội đã tạo nên một xu hướng thưởng thức mới cho công chúng, góp phần lấp đầy những thiếu hụt của thị trường tổ chức và biểu diễn hiện nay. Hướng đi này cũng cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ Việt trong việc tiếp cận và hòa nhập với các xu hướng mới của đời sống âm nhạc thế giới.

Sau 14 số phát sóng năm 2019, “Music Home” đã thu hút 25 triệu lượt xem trên 3 hạ tầng box, mạng xã hội và xem lại. Trong đó, 6 số đầu tiên đạt trên 8 triệu lượt xem và tăng lên 17 triệu lượt với 8 số sau đó. Đặc biệt, những lượt xem cao nhất thuộc về các ca sĩ trẻ như: Văn Mai Hương, Phan Mạnh Quỳnh, Soobin Hoàng Sơn, Bùi Anh Tuấn... Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và tuân thủ những tiêu chí khắt khe về nghệ thuật, sau một mùa lên sóng “Music Home” đã lọt đề cử “Chuỗi chương trình của năm” tại Giải Âm nhạc Cống hiến năm 2019.

Điều đặc biệt của “Music Home” là khán giả có thể chủ động lựa chọn góc máy quay khi xem chương trình, trực tiếp trải nghiệm không gian âm nhạc chân thật như đang có mặt tại nhà hát. Ngoài ra, người hâm mộ có thể tương tác trực tiếp khi để lại bình luận về ca sĩ, những góp ý cho ban tổ chức trong mỗi số chương trình. Thành công ngoài mong đợi của “Music Home” mùa một đã thôi thúc các nhà sản xuất tiếp tục đổi mới để tạo ra các chương trình hấp dẫn, đặc sắc hơn trong mùa hai năm 2020. Có thể nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, “nhà hát Internet” “Music Home” mang tới cho khán giả những trải nghiệm nghệ thuật mới lạ ngay tại nhà.

"Hãy tưởng tượng khi bạn tổ chức một buổi diễn trong nhà hát, bạn sẽ bị hạn chế số lượng người xem. Nhưng khi được truyền hình trực tiếp, số lượng khán giả sẽ là không giới hạn. Chỉ cần có kết nối Internet bất kể ai cũng có thể xem", ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc sáng tạo của Truyền hình FPT cho biết.

Đối với những nghệ sĩ hoạt động độc lập, nhiều người đã bắt kịp xu hướng này. Sáng 10/3, chia sẻ từ Mỹ, ca sĩ Đình Bảo cho biết anh đang thực hiện cách ly phòng dịch Covid-19 tại nhà riêng. Trong thời gian này, Đình Bảo đã thực hiện chuỗi live show trực tuyến mang tên “Đình Bảo - The Story” phát qua kênh YouTube.

Tuy nhiên đứng về phía nghệ sĩ, nhạc sĩ Huy Tuấn lại trăn trở về chất lượng thưởng thức. “Hiện nay ở Việt Nam, thực tế tín hiệu đường truyền và hạ tầng truyền hình vẫn chưa thể đem lại chất lượng âm thanh chuẩn cho các chương trình trực tiếp. Có nhiều chương trình rất đáng tiếc khi thực tế nghệ sĩ chơi rất hay, ca sĩ hát tuyệt vời nhưng đến tai khán giả truyền hình chỉ còn 1/10”.

Nhạc sĩ, ca sĩ Minh Vương cho rằng, chất lượng của show phụ thuộc vào âm nhạc ca sĩ theo đuổi, giám đốc âm nhạc, đạo diễn và band nhạc… Nói chung là phụ thuộc vào ê kíp sản xuất. Còn online hay trực tiếp cũng không ảnh hưởng đến chất lượng của show, chỉ khác nhau ở phương tiện thưởng thức. Rõ ràng khi nghe trực tuyến không thể nào so sánh được với khi nghe trực tiếp. Nghe qua mạng (livestraeam) ngoài việc chất lượng âm thanh giảm sút rất rất nhiều thì phần nhìn cũng hạn chế. Ngoài chất lượng âm thanh, hình ảnh thì không khí cũng rất khác nhau. Đi xem show trực tiếp khán giả được hoà mình vào không gian nghệ thuật, xung quanh còn có những người yêu âm nhạc cuồng nhiệt nữa. Còn ngồi ở nhà, nếu ai có dàn âm thanh được đầu tư thì khả thi, còn cầm duy nhất chiếc điện thoại trên tay hoặc đeo tai nghe vào thì thực sự rất chán.

“Show trực tuyến nói chung và âm nhạc trực tuyến nói riêng là sự phát triển tất yếu của thời đại. Trước khi dịch Covis-19 bùng nổ thì cũng có rất nhiều show trực tuyến được phát cho mọi người xem nhưng có lẽ chưa quá phổ biến. Tôi cho rằng, đây là sự phát triển tất yếu của cuộc sống chứ không phải là giải pháp “chống ế” trong mùa dịch. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng đây cũng là dịp chứng minh sự sáng tạo của nghệ sĩ, buộc họ phải chuyển mình để phù hợp với thời đại công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ”, nhạc sĩ Minh Vương cho biết.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này