Hãy cứ sống yêu thương từ những thứ vô thường!

20:56 | 12/03/2020
(LĐTĐ) Ngày nay, nhiều gia đình đã tự xây dựng một “nhãn hiệu” cho riêng mình. Những “nhãn hiệu” đó được xây lên từ quyền lực và địa vị xã hội, sự kỳ vọng vào con cái, đời sống riêng tư hạnh phúc của vợ chồng, giá trị của đạo hiếu, hoặc đôi khi lại được xây bằng những thứ hão huyền vô danh. Nếu chúng ta để ý, mỗi gia đình đều có một nhãn hiệu riêng.    
hay cu song yeu thuong tu nhung thu vo thuong Nắm giữ 3 bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình
hay cu song yeu thuong tu nhung thu vo thuong Đừng ghen tuông với "đối tượng đặc biệt" nếu muốn gia đình thuận hòa

Trước đây, tôi có một người bạn thân là con một gia đình giàu có. Mới học đại học thôi mà cậu ta đã có xe riêng, một căn hộ riêng do bố mẹ cung cấp. Tiền cậu ta tiêu không bao giờ phải nghĩ vì đã được cung cấp đủ xài. Ai cũng cho rằng cậu ta quả thật rất sung sướng. Thế nhưng cậu ta luôn bực bội với những người sinh thành.

Điện thoại của cậu ta không bao giờ được tắt, cậu ta phải về đúng giờ để ăn cơm, cậu ta không được tham gia các bữa tiệc buổi tối của sinh viên, cậu ta không được thích cô bạn sinh viên “nhà quê” mà mẹ cậu ta thấy không môn đăng hộ đối, cậu ta phải tuân thủ theo ý của bố mẹ nhất cử nhất động.

Ra trường, cậu được bố mẹ sắp sẵn cho một chỗ ở nơi bố cậu làm việc. Tôi là bạn thân nhất của cậu ta, tôi chứng kiến mẹ cậu ta bài binh bố trận để cậu ta sau hai năm phải lên được chức trưởng phòng. Những cuộc đấu đá loại trừ trong nội bộ cơ quan khiến cậu ta mệt mỏi, nhưng không dám buông xuôi. Cậu ta bảo, đó mới là bước khởi đầu, gia đình cậu ta sẽ phải là người đứng ở những vị trí quan trọng như những anh chị em họ, như cô dì chú bác, như những người đã từng làm ông này bà nọ, đó là truyền thống của gia đình.

hay cu song yeu thuong tu nhung thu vo thuong
Giàu sang có hạnh phúc? quyền lực có hạnh phúc? học vị có hạnh phúc?.. phải chăng hãy cứ sống yêu thương từ những thứ vô thường! (ảnh minh họa: Đức Hà)

Tôi thấy cậu ta không hạnh phúc, cậu ta luôn căng thẳng. Cho đến cuộc hôn nhân của cậu ta cũng vậy. Mẹ cậu ta đuổi thẳng cổ cô người yêu xinh xắn và có học thức của cậu ra khỏi cửa khi cậu dẫn về nhà ra mắt. Cậu phải lấy con gái một ông sếp lớn để củng cố thêm vị thế của gia đình, dẫu cô ta có hơi “hâm hâm” một chút. Nhãn hiệu của gia đình cậu ta là quyền lực. Cậu ta tin rằng mình sẽ hạnh phúc khi đạt đủ quyền lực, giống như bố mẹ, ông bà đã từng làm.

Sau này, khi đã trở thành một giảng viên đại học, tôi lại có một người bạn thân khác. Người này không giàu có, cả gia đình sống bằng lương của nhà nước, nhưng anh ta lại kỳ vọng vào con cái. Anh luôn tìm kiếm các kỳ thi để ép các con thi thố cho bằng được giải nọ giải kia. Các con anh có người học giỏi, có người bình thường, nhưng ai cũng phải thi. Bằng cấp đối với anh rất quan trọng, dù muốn hay không, những đứa con của anh phải có bằng cấp.

Sinh thời, anh cảm thấy thất bại vì bản thân không đạt được học vị cao, không được đi học ở nước ngoài, mặc dù anh là người luôn đứng đầu tất cả các lớp anh đã từng học từ thuở thiếu thời. Những gì anh không làm được, thì bây giờ anh kỳ vọng vào con cái. Những ước mơ anh không thực hiện được, thì giờ con anh sẽ phải thực hiện. Những đứa trẻ vùi đầu vào sách vở đến ngu ngơ cả người, nhưng mỗi khi chúng đoạt giải thưởng mang về là anh vui mừng khôn tả.

Nhà anh là một căn hộ tập thể ở sau trường Bách Khoa, tuy không rộng lắm nhưng treo chi chít bằng khen, giấy khen và các giải thưởng của con anh. Dường như những giải thưởng này mang lại cho anh hạnh phúc, mang lại cho gia đình anh một nhãn hiệu riêng: Gia đình học vị.

Hồi tôi về quê ngoại, có cô em họ về đằng mẹ tôi lại có một “nhãn hiệu” gia đình khác. Các con cô khá thông minh nhưng đứa thì học đại học, đứa thì hết cấp ba chuyển sang học nghề. Cô không ép đứa con nào học cao hay thấp, miễn là phù hợp và quan trọng là chúng thích. Hoàn cảnh gia đình cô cũng bình thường, cô không bao giờ nói về ước mơ hay kỳ vọng.

Cô làm giáo viên, chồng cô làm cán bộ ở phòng công chứng huyện. Trong bữa ăn, lúc nào cũng thấy cô chăm chăm gắp thức ăn cho chồng, cho con. Tôi hỏi, cô mong muốn gì nhất cho gia đình của mình. Cô bảo, chỉ cần vợ chồng hòa thuận, con cái có công ăn việc làm và yêu thương nhau, thế là mãn nguyện. À, hóa ra, đó cũng là nhãn hiệu của gia đình cô.

Còn nhiều lắm những nhãn hiệu khác mà tôi đã từng gặp, từng chứng kiến và tự mình đưa ra định nghĩa. Cũng như một con người, nhãn hiệu của họ có thể xây lên từ những thứ đắt tiền, có thể từ một khuôn mặt xinh, dáng người đẹp, có thể được xây từ quyền lực, cũng có thể được xây từ sự hiểu biết…

Nhãn hiệu là gì sẽ khó định nghĩa vì nó là quan điểm khác nhau của mỗi người. Nhưng cũng có thể không có gì quá cao xa mà nó chỉ đơn giản được xây từ những điều giản dị nhất cho cuộc sống luôn tốt đẹp hơn với thái độ sống tích cực.

Nhưng dù bạn xây dựng nhãn hiệu cho gia đình mình là gì, thì cũng đừng quên cái đích cuối cùng của nó. Mỗi người đi trên một con đường khác nhau, tự làm đường cho mình, hoặc đi trên con đường có sẵn, cũng đều phải đi đến đích. Cái đích mà mỗi gia đình cần đến chính là Hạnh Phúc.

Bạn đã bao giờ cố gắng xây dựng nhãn hiệu cho gia đình mình mà quên mất cái đích đó chưa? giầu sang có hạnh phúc? quyền lực có hạnh phúc? học vị có hạnh phúc?.. phải chăng hãy cứ sống yêu thương từ những thứ vô thường!

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này