Nhiễu thông tin làm các trung tâm quá tải

16:03 | 05/03/2020
(LĐTĐ) Sau khi Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (Thông tư 38) có hiệu lực, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số thông tin cho rằng trong thời gian sắp tới, học phí thi bằng lái ô tô sẽ tăng cao, thậm chí lên đến 30 triệu đồng. Trước thông tin thiếu căn cứ này, nhiều người đã đổ xô đăng ký học lái ô tô khiến các trung tâm đào tạo quá tải.
Quy định mới về điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe ô tô
Ford Việt Nam chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông

Nhiều trung tâm quá tải

Việt Nam là quốc gia có lượng phương tiện cá nhân lớn vì vậy, các vấn đề xung quanh đào tạo bằng lái xe mà đặc biệt là xe ô tô được người dân hết sức quan tâm. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin, sau khi Thông tư 38 có hiệu lực, quy trình thi sát hạch lái ô tô sẽ có đổi mới về chương trình học và cách thức thi. Cùng với sự thay đổi đó, giá học phí cho mỗi khóa học cũng tăng lên gấp 2 – 3 lần so với thông thường. Trước thông tin trên, nhiều người dân đã chọn cách đăng ký đi học bằng lái xe sớm để tránh “rắc rối”.

Nhiễu thông tin làm các trung tâm quá tải
Thông tin học phí đào tạo bằng lái xe tăng lên 30 triệu đồng/khóa là không chính xác

Ghi nhận thực tế cho thấy, những ngày gần đây, lượng người tới đăng ký học bằng lái xe tại các trung tâm tại một số Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe ở Hà Nội gia tăng đột biến. Hầu hết các khóa học trong tháng 3 đều tuyển đủ học viên, thậm chí nhiều trung tâm đã kín lịch đến tận cuối năm. Anh Nguyễn Nhật Hoàng (ở quận Nam Từ Liêm) cho biết, do sợ học phí tăng nên từ giữa tháng 2 anh đã đi đăng ký nhưng phải học khóa học khai giảng vào tháng 5, đến tháng 8 mới thi sát hạch. "Nghe nói đến cuối năm nay học phí tăng lên 30 triệu và bộ câu hỏi, đề thi, cách thi mới cũng sẽ khó hơn.

Không rõ thực hư ra sao nhưng mình cứ đi học sớm cho chắc” – anh Hoàng chia sẻ. Cùng tâm lý với anh Hoàng, Chị Nguyễn Thị Tú Anh (ở quận Thanh Xuân) chia sẻ: Gần đây, nhiều nhân viên trong công ty chị đang đồn đoán bắt đầu từ ngày 1/5 nếu ai học lái xe sẽ phải điểm danh bằng vân tay, trong phòng học có cài đặt camera giám sát. Học viên phải đi học đầy đủ và thi trên thiết bị mô phỏng trước khi thi thực hành. Thấy nhiều người đăng ký đi học nên tôi cũng sốt ruột và đăng ký theo...

Qua tìm hiểu, nguồn gốc của thông tin tăng học phí thi bằng lái ô tô bắt nguồn từ những quy định mới trong Thông tư 38 ban hành ngày 08/10/2019 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Theo nội dung Thông tư 38 nói trên, mỗi học viên phải học tất cả các phần: Lý thuyết, đạo đức người lái xe, cấu tạo sửa chữa xe, nghiệp vụ vận tải, kỹ thuật lái xe, học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, lái xe trên cabin tập lái, lái xe trên đường giao thông. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đang có một số đề án nâng số câu hỏi lý thuyết từ 450 lên 600 câu hỏi, nhưng chưa có thời hạn áp dụng cụ thể.

Chính những quy định mới được bổ sung theo hướng siết chặt chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái ô tô dẫn đến tâm lý lo lắng, đối phó của nhiều người. Điều này khiến trong thời gian qua, các trung tâm đào tạo lái xe đều quá tải do người dân đổ xô đi đăng ký đi học để “chạy lịch”. Bên cạnh đó, việc một số cá nhân, tổ chức, lợi dụng, thổi phồng thông tin nhằm thu hút học viên và tăng học phí cũng là một giả thiết không thể loại trừ.

Thông tin trên mạng xã hội không có căn cứ

Trước những thông tin về việc tăng học phí đào tạo lái xe đang được dư luận quan tâm, theo ông Nguyễn Hùng Sơn, Giám đốc trung tâm Đào tạo lái xe Đại học Giao thông vận Tải Hà Nội: Sau khi Thông tư 38 có hiệu lực, trên mạng xã hội đã xuất hiện các thông tin sai sự thật về mức học phí cũng như thông tin tuyển sinh dẫn đến việc các đơn vị đào tạo lái xe phải chịu áp lực lớn do lượng người đăng ký học quá đông. Đồng thời, ông Sơn cũng khẳng định, thông tin học phí thi sát hạch lái ô tô sẽ tăng lên 30 triệu đồng/khóa học là không chính xác.

Trước những thông tin thiếu kiểm chứng về việc, các khóa học bằng lái xe, đặc biệt B2 sẽ tăng lên mức 20-30 triệu đồng từ tháng 5/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các Sở Giao thông vận tải cho biết, chương trình đào tạo lái xe ô tô không thay đổi về tổng thời gian khóa đào tạo, chỉ bổ sung hình thức và nội dung giảng dạy lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin học lái xe ô tô. Nội dung bổ sung này nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo lái xe.

Hiện tại, chưa có đơn vị nào nhận được thông tin tăng học phí, chi phí đào tạo ở trung tâm ông vẫn đang được giữ ở mức ổn định, đảm bảo tính đúng và đủ. “Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTV-BGTVT của liên bộ Tài chính và Giao thông vận tải, đã giao cho các cơ sở đào tạo tự xây dựng và công bố mức học phí đào tạo. Tuy nhiên, dù được phép tự chủ về học phí đào tạo nhưng các trung tâm đều ý thức được việc chỉ thu trong mức đủ và đúng với yêu cầu thực tế đặt ra. Còn việc tăng tới 30 triệu đồng/khóa là không hợp lý và không đúng” – ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cũng cho rằng người dân có nhu cầu học bằng lái xe nên theo dõi thông tin học phí, chương trình đào tạo sát hạch trên website của các cơ sở đào tạo có uy tín hoặc trực tiếp liên hệ với các nhân viên trung tâm để nắm bắt chính xác, đầy đủ thông tin. Không nên nghe theo những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội để rơi vào tình trạng bị lừa đảo, tiền mất tật mang. Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Nghiêm Xuân Đỉnh – Phụ trách đào tạo Trung tâm Đào tạo lái xe LOD Hà Nội, cho biết, việc chi phí học và sát hạch cấp giấy phép lái xe trong thời gian tới sẽ không thay đổi nhiều.

Khi Thông tư 38 được áp dụng triệt để, trung tâm có thể điều chỉnh đôi chút học phí do thời gian học lý thuyết và đặc biệt là thực hành tăng lên 1.000 – 1.100 giờ/người đối với hạng B1, B2 và C (trước đây là từ 340 – 752 giờ/người). Mức tăng này chỉ vào khoảng 20 – 50%. Tuy vậy, ông Đỉnh cho biết, đến nay, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa đưa ra thời gian áp dụng đại trà cho các trung tâm, do đó trong thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi gì về chương trình học cũng như học phí...

Trước những thông tin thiếu kiểm chứng về việc, các khóa học bằng lái xe, đặc biệt B2 sẽ tăng lên mức 20-30 triệu đồng từ tháng 5/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các Sở Giao thông vận tải cho biết, chương trình đào tạo lái xe ô tô không thay đổi về tổng thời gian khóa đào tạo, chỉ bổ sung hình thức và nội dung giảng dạy lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin học lái xe ô tô. Nội dung bổ sung này nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo lái xe.

Lộ trình thực hiện các nội dung bổ sung trên được quy định cụ thể tại Nghị định 138/2018 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe ô tô và quản lý chặt công tác này, các Sở Giao thông vận tải cần tuyên truyền để người dân hiểu nội dung đổi mới và lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo lái xe thời gian tới, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các lớp học lái xe khi nhu cầu chưa thực sự cần thiết.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này