Đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế

13:44 | 05/03/2020
(LĐTĐ) Năm 2020, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, ngành Bảo hiểm xã hội xác định thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
dam bao quyen loi cho nguoi co the bao hiem y te Có thể thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu?
dam bao quyen loi cho nguoi co the bao hiem y te Lao động chuyển công ty, có được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế?

Thời gian qua, với những nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội và toàn hệ thống chính trị, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) không ngừng tăng cao.

dam bao quyen loi cho nguoi co the bao hiem y te
Với tỷ lệ bao phủ 90% dân số, người dân ngày càng có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 10,4 triệu người vào năm 2000 (tăng 46% so với năm 1995); tăng lên 23,2 triệu người vào năm 2005 (tăng 123% so với năm 2000); tăng lên 52,4 triệu người vào năm 2010 (tăng 126% so với năm 2005); tăng lên 70 triệu người vào năm 2015 (tăng 34% so với năm 2010) và tăng lên 85,945 triệu người vào năm 2019 (tăng 22,8% so với năm 2015). So với năm 1995, tăng hơn 12 lần, bình quân mỗi năm tăng 48% (đến nay đã đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số).

Trong đó, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Hiện chỉ còn khoảng 10% dân số (khoảng 10 triệu người) chưa có BHYT, thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.

“Kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tuyên truyền vận động có hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh BHYT, sự hài lòng của người bệnh ngày càng tăng, người dân đã tin tưởng vào chính sách BHYT”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định.

Đánh giá về kết quả thực hiện BHYT thời gian qua, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Cùng với việc mở rộng số lượng người tham gia BHYT, cơ quan BHXH và ngành Y tế đã phối hợp, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT với hàng loạt biện pháp đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh như: Lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm; triển khai các đề án giảm tải, bác sĩ gia đình. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT để giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả.

Theo đó, người tham gia BHYT ngày càng có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Số lượt người được khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm. Năm 2009 có 92,1 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT (85,8 triệu lượt khám bệnh ngoại trú, 6,3 triệu lượt điều trị nội trú), đến năm 2019 số lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT tăng gần gấp hai lần với 186 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT. Đến nay đã có trên 1.500 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, với tổng số tiền trên 475 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 33,1%..

Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi khám bệnh, chữa bệnh. Năm 2009 số chi khám chữa bệnh BHYT là 15,5 nghìn tỷ (tương đương 970 triệu USD), đến năm 2019 số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT tăng lên hơn 6 lần với số tiền trên 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Để đạt được những kết quả đó, nhiều giải pháp trong quản lý quỹ đã được triển khai, thực hiện. Mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường, ngành Bảo hiểm xã hội luôn áp dụng các giải pháp quản lý hữu hiệu để vượt qua khó khăn, xử lý các vướng mắc đạt được mục tiêu đề ra.

“BHYT đã bao phủ 90% dân số, quyền lợi của người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế được đảm bảo và ngày càng mở rộng. Điều này chứng tỏ chính sách, pháp luật về BHYT đã đi vào cuộc sống, trở thành một nhu cầu trong đời sống xã hội. Kết quả này thực sự phản ánh những thành tựu quan trọng trong thực hiện BHYT khi chúng ta vừa gia tăng nhanh chóng diện bao phủ về dân số, đồng thời với bao phủ hầu hết các dịch vụ về thuốc, vật tư y tế - một gói tương tự như ở những nước có điều kiện kinh tế phát triển, và mức độ bảo vệ về tài chính cho người sử dụng dịch vụ được đảm bảo, tỷ lệ chi tiền túi cho sử dụng dịch vụ y tế đã giảm đáng kể”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định.

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT trong thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội xác định thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như thực hiện có hiệu quả Luật BHYT và những văn bản pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia, nhất là người tham gia BHYT hộ gia đình; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHYT cho người tham gia; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHYT; các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này