Lùi thời gian tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020: Không gây xáo trộn

11:35 | 05/03/2020
(LĐTĐ) Phương thức thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Việc tổ chức thi tuân thủ nguyên tắc không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12.
Thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23 đến ngày 26/7/2020.
Một số thay đổi trong Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia

Đảm bảo thời gian ôn tập

Cuối tháng 2, căn cứ diễn biến của dịch bệnh Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã thông tin về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020. Theo đó, khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 được Bộ GD&ĐT điều chỉnh như sau: Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020, hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020, thi THPT quốc gia từ ngày 23 đến ngày 26/7/2020.

Lùi thời gian tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020: Không gây xáo trộn
Thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019. (Ảnh: P.T)

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) cho biết, đây là mốc thời gian đủ để các trường hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đủ cho học sinh cuối cấp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh vẫn sẽ có hơn 3 tuần kể từ khi kết thúc năm học để ôn thi và vẫn có 20 ngày để đăng ký dự thi như mọi năm. Bên cạnh đó, với lịch trình điều chỉnh đã công bố, các khoảng thời gian để thực hiện các khâu của kỳ thi vẫn được giữ ổn định như các năm trước để đảm bảo tính khả thi, tránh sai sót, hướng tới dữ liệu thi, tuyển sinh chính xác.

Hiện nay, công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi đang được Bộ GD&ĐT chủ động cùng các địa phương, các cơ sở giáo dục tiến hành. Các địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học để vừa hoàn thành đúng kế hoạch năm học; vừa có đủ thời gian, nguồn lực để tổ chức tốt kỳ thi năm nay.

Ngày 3/2, phần lớn các địa phương đã cho học sinh lớp 12 đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài để đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Riêng một số địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… vẫn cho toàn bộ học sinh nghỉ học.

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Việc tổ chức thi tuân thủ nguyên tắc: Không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12; tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội; đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, đảm bảo kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh.

Chính vì thế, các địa phương cần chủ động, tích cực tổ chức dạy học, ôn tập có chất lượng, không cắt xén chương trình ngay cả trong thời gian cho học sinh nghỉ học và nhất là khi học sinh quay trở lại trường; các thầy cô nên phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và đề thi tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh; chuẩn bị đầy đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên và lên kế hoạch tập huấn đầy đủ, chất lượng để đảm bảo thực hiện tốt các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi; rà soát kỹ càng cơ sở vật chất, thiết bị…

Nội dung đề thi chủ yếu ở chương trình lớp 12

Trước những băn khoăn, lo lắng của học sinh lớp 12 trước nguy cơ hổng kiến thức vì kỳ nghỉ kéo dài, PGS.TS Mai Văn Trinh cho hay, phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Những điều chỉnh về mặt kỹ thuật cũng chỉ liên quan đến cán bộ tham gia kỳ thi không ảnh hưởng đến thí sinh. Do đó các thí sinh có thể yên tâm học, ôn tập và chuẩn bị sức khỏe, tâm lý tốt nhất cho kỳ thi. “Việc nghỉ học do Covid-19 đã gây xáo trộn nhất định trong việc học tập của các em. Tuy nhiên, thời gian tạm nghỉ học cũng chính là cơ hội để các em tự học, ôn tập, bổ sung kiến thức cho mình. Nếu biến điều này thành cơ hội thì thực ra các em có nhiều thời gian ôn thi hơn các năm trước” - PGS.TS Mai Văn Trinh chia sẻ.

Trước lo lắng cho rằng, thời điểm thi vào cuối tháng 7 là tháng nắng nóng của khí hậu nước ta và cũng trùng với mùa mưa miền Bắc, có khả năng ảnh hưởng tới sự an toàn của cán bộ, thí sinh, PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết: Trước đây, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào tháng 6; xa hơn một chút, từ 2014 về trước, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng được tổ chức vào hai tuần đầu của tháng 7. Khoảng thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay là vào cuối tháng 7.

Từ kinh nghiệm thực tế trước đây, để chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra trong các ngày thi, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, có phương án phối hợp với các lực lượng địa phương nhất là công an, quân đội, giao thông… trong việc ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan. Đặc biệt, các địa phương phải có phương án dự phòng trong trường hợp phải thay đổi địa điểm tổ chức thi, đồng thời có phương án để học sinh đến trường thi và nơi cư trú an toàn trong thời gian thi, kiên quyết không để bất kỳ học sinh nào vì khó khăn mà không thể dự thi.

PGS.TS Mai Văn Trinh đề nghị các nhà trường, các gia đình cần có kế hoạch hỗ trợ các học sinh với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả để các em không bỏ phí thời gian không đến trường mà cần tận dụng thời gian này để bổ sung kiến thức còn thiếu, còn yếu và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tới.

Cũng theo PGS.TS Mai Văn Trinh, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cơ bản được giữ ổn định như năm 2019. Do đó, Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề minh họa. Tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019. “Phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và được xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Các nhà trường cần tổ chức cho giáo viên, học sinh tham khảo, phân tích kỹ đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019 làm cơ sở cho việc dạy học, ôn tập đạt kết quả tốt" - PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết thêm, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo có kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, đồng thời sẵn sàng tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2020 tại các địa phương cũng như làm tốt công tác tuyển sinh của trường mình. Với khung thời gian như đã nêu trên, nếu tình hình dịch bệnh không có diễn biến bất thường, phức tạp hơn trong thời gian tới thì công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 sẽ được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ lịch trình.

Được biết, dự thảo sửa đổi quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 đã được đưa lên mạng để lấy ý kiến dư luận và dự kiến sẽ công bố vào giữa tháng 3. Cùng với ban hành quy chế, Bộ GD&ĐT cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất các các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này