Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19

Khẳng định phương châm lấy phòng để chống

11:29 | 05/03/2020
Sáng 4/3, Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến tại 250 điểm cầu trong toàn quân. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) dự và chỉ đạo diễn tập.
khang dinh phuong cham lay phong de chong Phòng, chống dịch COVID-19: Không để cách ly quá tải
khang dinh phuong cham lay phong de chong Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang
khang dinh phuong cham lay phong de chong Phòng, chống dịch Covid-19: Tuyệt đối không lơ là, chủ quan
khang dinh phuong cham lay phong de chong
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội theo dõi diễn tập.

Phát huy tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”

Phó Thủ tướng nêu lên 5 điểm mới cần lưu ý trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Trước hết là tình huống từ một tâm dịch nay dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện thêm nhiều tâm dịch, lây lan rộng ra cộng đồng. Do vậy, chúng ta phải lường trước, chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống có thể xuất hiện thêm ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam có thể ngay trong giờ tới, ngày tới.

Dù xác định hay không xác định được nguồn lây nhiễm, chúng ta đều phải nhanh chóng cách ly, điều trị kịp thời, khoanh vùng triệt để, tránh lây lan rộng ra cộng đồng. Nếu giai đoạn trước, chúng ta tập trung vào ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, thì hiện nay dịch bệnh đã lan rộng ra hàng chục nước nên bên cạnh việc tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, thì cần chuyển sang giai đoạn phát hiện sớm các ca nhiễm tại cơ sở y tế, cộng đồng để kịp thời điều trị, khoanh vùng, dập dịch triệt để.

Tình huống sẽ thiếu các loại vật tư y tế, trang thiết bị, thuốc điều trị Covid-19 ở quy mô toàn cầu phải được tính đến để có phương án chuẩn bị các phương tiện, vật tư thay thế, không để bị động. Chúng ta cũng cần xem xét, phân tích, dự báo kịch bản dịch bệnh Covid-19 gây xáo trộn các chuỗi cung ứng về sản xuất kinh doanh dịch vụ toàn cầu dẫn đến kinh tế thế giới có xáo trộn, thậm chí là các chương trình nghị sự ở tầm quốc tế về kinh tế, chính trị sẽ có xáo trộn.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học phải khẩn trương nghiên cứu, giải đáp câu hỏi đặt ra về sự tồn tại, hướng biến đổi của virus Covid-19 sau đợt dịch này. “Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới cần kiên định, kiên trì theo các phương châm chỉ đạo, nguyên tắc chống dịch đã đề ra nhưng sách lược chiến thuật thì thay đổi phù hợp với tình hình”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tiếp tục tăng cường năng lực cơ sở vật chất dự phòng trang thiết bị vật tư; năng lực phát hiện, cách ly, điều trị ngay tại y tế cơ sở với sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành bằng các ứng dụng công nghệ thông tin…

Thực tế phòng, chống dịch vừa qua, điển hình là khoanh vùng, cách ly tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho thấy cơ chế phối hợp liên ngành cần nhuần nhuyễn hơn nữa.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh Covid-19 là dịch bệnh mới nên chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, xem xét lại cơ chế phối hợp và kể cả văn bản pháp luật, từ đó đúc kết, rút kinh nghiệm, sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình mới; xây dựng các kịch bản, phương án, cơ chế điều hành khi có dịch bệnh trong tương lai.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Không được chủ quan, bao giờ dập được dịch hoàn toàn chúng ta mới yên tâm. Tôi có lòng tin, với sự ra quân đồng bộ của cả hệ thống, đặc biệt là của Quân đội, chúng ta sẽ chống dịch thành công. Ngắt dịch sớm Việt Nam sẽ tận dụng được thời cơ, lợi thế của nước trở thành điểm đầu tư, điểm đến an toàn trước các nước khác”.

Với tinh thần quyết tâm: "Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", Phó Thủ tướng mong muốn Quân đội tiếp tục tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, góp phần tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mang lại lòng tin cho nhân dân để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh lần này.

Sớm sản xuất test-kit xét nghiệm

Cũng trong chiều qua (4/3), Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), ngày 4/3/2020 đã họp để xem xét một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Trên cơ sở phân tích tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và các nước trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế tập trung thảo luận về công tác hậu cần, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất; bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác sàng lọc, phân loại, cách ly, tầm soát và điều trị dịch bệnh; các giải pháp phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng cũng như ngăn chặn lây chéo trong các cơ sở điều trị…

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Chuyên gia Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết cần tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả bài học kinh nghiệm về phát hiện sớm, cách ly, giải quyết triệt để ổ dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, chúng ta cần làm rõ định nghĩa “vùng dịch” để từ đó có các biện pháp tập trung khoanh vùng; đồng thời đưa ra quan điểm tiến tới thực hiện cách ly tại nhà nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin thêm, dự kiến ngày 5/3, Trung tâm Điều hành chỉ huy hỗ trợ điều trị dịch Covid-19 sẽ chính thức vận hành, kết nối, hỗ trợ các đội phản ứng nhanh với tinh thần “đem chất xám xuống các tuyến huyện”; phân tuyến điều trị hợp lý, tránh tình trạng lây lan khi vận chuyển bệnh nhân.

Liên quan đến tình hình sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm (test-kit), theo báo cáo của Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, 3 loại test do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được khuyến nghị có thể sử dụng để chẩn đoán virus SARS-CoV-2.

Ngày 3/3, Hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Bộ Y tế cấp phép sử dụng test-kit này trong những ngày sắp tới. Chiều 4/3, Bộ Y tế hoàn thiện các thủ tục để tiến hành sản xuất hàng loạt, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

Nhằm kiểm soát, cách ly các trường hợp đã nhập cảnh vào Việt Nam từ những nước có dịch, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, khách sạn tại các tỉnh có cảng hàng không quốc tế và các tỉnh lân cận, bố trí cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh từ các nước có dịch theo hình thức có trả phí.

Bên cạnh đó, Tổng Cục Du lịch lập và gửi danh sách nơi lưu trú, dịch vụ, giá dịch vụ cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để thông báo với hành khách nhập cảnh có nhu cầu đăng ký; đồng thời phối hợp các Bộ, ngành và chính quyền địa phương để thực hiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Liên quan đến tình hình học sinh đi học trở lại từ ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, 60/63 tỉnh, thành phố quyết định, thời gian chính thức học sinh Trung học phổ thông đi học trở lại từ ngày 2/3 và dự kiến vào ngày 17/3 đối với học sinh các bậc: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Đến nay, qua theo dõi và báo cáo của ngành giáo dục, tỷ lệ học sinh quay trở lại trường học đạt 97% trong ngày 2/3 và 98% trong ngày 3/3.

Chiều 4/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành “bộ check-list”, thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe tại nhà và trường học cho các em học sinh khi đi học trở lại. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 4/3, Việt Nam có 77 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng; 15.374 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

L.T.H

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này