Thanh toán không dùng tiền mặt và cuộc chạy nước rút

07:56 | 28/02/2020
(LĐTĐ) Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (2016-2020) đã bước vào giai đoạn cuối, tuy nhiên, mục tiêu đạt tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020 và rút xuống còn 8% vào cuối năm 2025 sẽ khó đạt được. Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến thanh toán số (thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt) tại Việt Nam chưa phát triển là do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập.
thanh toan khong dung tien mat va cuoc chay nuoc rut Đảm bảo hoạt động thanh toán và rút tiền của người dân dịp Tết Nguyên đán
thanh toan khong dung tien mat va cuoc chay nuoc rut Bệnh viện công đầu tiên của Hà Nội thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
thanh toan khong dung tien mat va cuoc chay nuoc rut Đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục

Sẽ có “cách mạng” trong thanh toán số

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet và các thiết bị điện tử đã giúp hành vi tiêu dùng có nhiều thay đổi. Trong đó, một số thanh toán như nộp phí các dịch vụ công, viện phí, học phí, tiền điện, nước... đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, việc phát triển thương mại điện tử cũng khiến thanh toán số trở nên phổ biến hơn trong nền kinh tế. Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã cho phép sử dụng các tài khoản viễn thông trong thanh toán dịch vụ số, liên quan đến thương mại điện tử quy mô nhỏ, giúp thanh toán số ngày càng gần gũi hơn với các tầng lớp dân cư.

thanh toan khong dung tien mat va cuoc chay nuoc rut
Nhiều người tiêu dùng hiện nay đã sử dụng phương thức thanh toán số trong các giao dịch mua, bán.

Số liệu từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương đưa ra cho thấy, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua internet, di động tăng tới 238% về giá trị. Từ đó đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua internet, smartphone khiến cho phương thức thanh toán này tăng mạnh cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch.

Là một trong những người thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán số, chị Hà Linh ở Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây mỗi lần đi siêu thị hoặc mua sắm chị Linh thường hay trả bằng tiền, nhưng kể từ khi các ngân hàng sử dụng phương thức thanh toán qua internet Banking và điện thoại smartphone tích hợp phần mềm QR Pay… nên chị Linh không phải lo mang theo tiền mặt mỗi khi đi mua sắm tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Tương tự như chị Hà Linh, chị Thu Hà ở Cầu Giấy (Hà Nội) từ lâu cũng đã chuyển sang sử dụng thanh toán điện tử thay cho thói quen dùng tiền mặt trước đây. “Thanh toán điện tử tiện lợi hơn nhiều nhưng vì lười tìm hiểu công nghệ và hay đi chợ cóc, chợ tạm nên tôi chủ yếu sử dụng tiền mặt. Thế nhưng, khi đi mua sắm ở các trung tâm thương mại, siêu thị, hoặc đi du lịch thì tôi lại thường xuyên sử dụng thanh toán điện tử. Quả thật nếu tìm hiểu thì đây là loại hình thanh toán rất tiện ích, tiện lợi”, chị Thu Hà chia sẻ.

Trước sự bùng nổ của phương thức thanh toán số, không đứng ngoài cuộc để nhường "sân chơi" cho các công ty công nghệ, thời gian qua, các ngân hàng đã tham gia một cách năng động, thậm chí còn ra mắt những ứng dụng, nền tảng riêng dành cho việc thanh toán bên cạnh ứng dụng mobile banking đặc trưng và phổ biến. Chẳng hạn, Vietcombank ra mắt VCB Pay, YOLO của VPBank, Sacombank Pay, QuickPay (TPBank) hay Ví Việt (LienVietPostBank)…

Thậm chí, một số lãnh đạo ngân hàng thương mại từng khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hợp tác và đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như việc áp dụng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, giọng nói…), sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS…Với sự vào cuộc mạnh mẽ này, chắc chắn thời gian tới, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là một trong những phương thức được nhiều người sử dụng bởi tính ưu việt, tiện ích.

Cần sự phát triển đồng bộ hơn

Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua internet, di động tăng nhanh về giá trị. Tuy nhiên, số liệu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương đưa ra cũng cho thấy một thực tế, hiện tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm và không đồng đều.

thanh toan khong dung tien mat va cuoc chay nuoc rut

Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thanh toán số thực sự “bùng nổ”

Theo các chuyên gia kinh tế, việc người tiêu dùng dịch chuyển sang thanh toán điện tử góp phần làm cho các hoạt động thương mại gắn liền với nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các dịch vụ công gần đây hầu hết đã chuyển sang thanh toán điện tử, các doanh nghiệp cũng chuyển hóa mạnh mẽ từ dùng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử và các Bộ, ngành cũng đã chuyển hoạt động lên website, mạng xã hội... đảm bảo tính công khai, minh bạch và hội nhập hơn, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế.

Những điều này giúp hoạt động của doanh nghiệp dần dần được số hóa, nâng cao hiệu quả quản trị, tiết kiệm chi phí, thời gian... đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để đẩy nhanh hơn nữa việc phát triển thanh toán số, chúng ta đang vấp phải không ít khó khăn, bởi để đáp ứng quá trình thanh toán không chỉ có ngân hàng mà cần có các quỹ đầu tư, các công ty tài chính... Vì thế, việc kết hợp công nghệ cao với các chính sách, biện pháp, quy định của cơ quan quản lý tài chính là một trong những đòi hỏi quan trọng để chúng ta có thể đảm bảo yêu cầu về nâng cao vị thế thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế quốc dân.

Về mặt công nghệ, đây là lĩnh vực tương đối mới, các Cty công nghệ cao thực hiện việc thanh toán ở Việt Nam đều mới thành lập nên kinh nghiệm để phát triển hoạt động công nghệ và khả năng tài chính có giới hạn. Trong khi đó, việc chuẩn bị phần cứng, phần mềm để ứng dụng, sử dụng trôi chảy trong nền kinh tế vẫn còn những khó khăn. Về cơ chế, chính sách tài chính, chúng ta còn có những khó khăn, lúng túng khi thích ứng với thời đại công nghệ cao, chưa chuyển hóa hết các quy định hiện có thành những quy định mang tính đơn giản có thể ứng dụng ngay trong hoạt động công nghệ cao. Thêm nữa, khả năng kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước với việc thanh toán trong nền kinh tế vẫn còn những kẽ hở, nên xuất hiện một số hình thức lợi dụng công nghệ cao để hoạt động tín dụng đen, hoặc một số hoạt động thanh toán cần nghiên cứu, quản lý.

Đề cập đến vấn đề trên, chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để hướng tới một xã hội không tiền mặt, trước hết, chúng ta cần hoàn thiện các quy định về thương mại điện tử, chữ ký số... để từ đó có thể thúc đẩy hoạt động thanh toán trôi chảy. Tiếp đó, các Bộ, ngành quản lý cần tích hợp công nghệ để có sự liên thông giữa các cơ quan quản lý nhằm làm cho hoạt động thanh toán, quy định liên quan đến nhau, phù hợp, không vênh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị; các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất. Đối với người tiêu dùng phải nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, kể cả người thân, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để đảm bảo phòng tránh hacker cao nhất…qua đó, đưa thanh toán số bước sang một thời kỳ mới.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này