Ứng xử có trách nhiệm trong tuyên truyền chống dịch Covid-19

Kỳ 1: Không giấu giếm, công khai trung thực về dịch Covid -19

15:10 | 26/02/2020
(LĐTĐ) Nhìn lại một tháng chống dịch Covid -19 vừa qua trên cả nước có thể thấy tất cả các biện pháp, phương tiện, các cấp độ tuyên truyền đều được huy động và đã phát huy hiệu quả. Nhờ công tác tuyên truyền, những thông tin, khuyến nghị, ý kiến của các chuyên gia được truyền tải kịp thời giúp cho người dân có quyết định đúng để bảo vệ sức khỏe bản thân.
ky 1 khong giau giem cong khai trung thuc ve dich covid 19 Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học
ky 1 khong giau giem cong khai trung thuc ve dich covid 19 Tuyên truyền chống Covid-19 không thể bỏ được loa phường!
ky 1 khong giau giem cong khai trung thuc ve dich covid 19 “Đìu hiu” ngành vận tải vì dịch Covid-19

Quanh công tác tuyên truyền chống dịch Covid -19, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, nguyên tắc đầu tiên và tối cao nhất là không giấu giếm, công khai trung thực về dịch bệnh, từ số người nhiễm, số người nghi nhiễm…

Cẩn trọng trước thông tin nhiễu

Sự phát triển của mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ để tin đồn và tin giả phát tán, gây tâm lý hoang mang trong công chúng và cản trở không nhỏ tới công tác phòng chống dịch.

Theo dõi, xử lý tin đồn, tin giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác truyền thông trong dịch. Với sự trợ giúp của công chúng, báo chí, các tin đồn, tin giả đã nhanh chóng được phát hiện. Song, hệ lụy từ những thông tin “nhiễu” này đã gây ra những tác động không nhỏ, khiến dư luận hoang mang.

ky 1 khong giau giem cong khai trung thuc ve dich covid 19
Tổ chức phun hóa chất khử khuẩn tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp tại xã Cổ Đông.

Thực tế cho thấy, qua các nền tảng xuyên biên giới như facebook, youtube… không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới thông tin về dịch Covid -19 cũng tràn lan. Tại những quốc gia xác nhận có những ca dương tính với dịch, nhiều hình ảnh chế, thông tin không đúng sự thật cũng được lan truyền chóng mặt.

Đơn cử như hình ảnh cô gái người Trung Quốc ăn thịt súp dơi lan truyền trên mạng xã hội gần đây được gắn với nguyên nhân gây ra dịch bệnh được các chuyên gia hình ảnh xác định phim này có từ năm 2016 gắn với quảng cáo du lịch tại một quần đảo Nam Thái Bình Dương. Ngoài ra, rất nhiều thông tin về số người nhiễm, số người chết vì dịch đã tạo nên luồng thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội và tác động ngược tới đời sống thực.

“Chúng ta luôn nghĩ, đây là một bệnh mới, do đó các bác sỹ không biết chẩn đoán, điều trị như thế nào. Nhưng thực chất, dù như thế nào đi nữa, cũng chỉ là những con virus.

Y học đòi hỏi sự chính xác rất cao chứ không làm theo cảm tính. Dù dịch bệnh ở Việt Nam mới chỉ 16 bệnh nhân nhưng các cán bộ y tế luôn cập nhật làm chủ tình hình, tất cả các bệnh viện đa khoa đều có đơn nguyên để thu dung và tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus này, tức là chúng tôi luôn sẵn sàng để làm việc đó.

Truyền thông làm thế nào để con số cất lên tiếng nói, những con số đó không đe doạ người dân thì mới quan trọng. Chúng ta mà thất bại trên mặt trận truyền thông thì 100% sẽ thất bại khi dịch xuất hiện…”.

(Bác sỹ Trần Văn Phúc - Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn)

Được biết, mục đích của những người tung tin thất thiệt thường là để thỏa mãn tính háo danh. Nói cách khác, ôm tâm lý mỗi lần đăng Status là có hàng chục ngàn lượt thích và chia sẻ đã khiến không ít người bất chấp sự thật, đưa những tin tức sai trái.

Họ xây dựng hình ảnh từ đó, dù hình ảnh đó xấu xí, phản cảm, nhưng nó lại được sức mạnh truyền thông phi chính thức ủng hộ. Chia sẻ quan điểm truyền thông về Covid-19, Ths Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế cho biết, truyền thông về dịch trong thời gian qua đã được triển khai ở các cấp độ, các phương tiện truyền thông và các cách thức truyền thông khác nhau.

Chẳng hạn, mỗi ngày, có 150 triệu thuê bao di động trên toàn quốc được cập nhật thông tin dịch qua tin nhắn SMS từ Bộ Y tế. Trên “mặt trận” mạng xã hội, Zalo, ứng dụng Sức khỏe Việt Nam, cũng đã thành lập cổng điện tử về dịch bệnh, nhằm giải đáp thông tin, giúp người dân hiểu để nhận diện và hạn chế phát tán tin giả.

"Suốt từ 23 Tết Nguyên đán đến nay toàn bộ ngành Y tế chưa được nghỉ ngơi. Hệ thống y tế dự phòng đã được kích hoạt ngay lập tức, đưa ra tất cả các kịch bản bệnh có thể phát triển để đưa ra các phương pháp đối phó khác nhau. Quan trọng hơn hết, vai trò điều hành của Chính phủ rất rõ nét, các biện pháp đưa ra rất tổng thể, phối hợp nhịp nhàng các bộ ngành, địa phương để chúng ta đối phó với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

ky 1 khong giau giem cong khai trung thuc ve dich covid 19
Cán bộ y tế phun thuốc nhằm phòng chống dịch bệnh do Covid-19 trong trường học.

Tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ y tế cơ sở chúng tôi nhận thấy hoạt động của loa phường vô cùng cần thiết, chúng tôi sử dụng từ phương tiện đơn sơ nhất đến phương tiện hiện đại nhất hiện nay. Các đơn vị như Viettel xác lập một tổng đài với 80 điện thoại viên, mỗi ngày nhận 15 nghìn cuộc gọi cần tư vấn về dịch bệnh. Các ứng dụng như Zalo Việt Nam, App sức khoẻ Việt Nam, DDT giúp thành lập một cổng điện tử mới về dịch bệnh.

Đặc biệt, bên cạnh sự giúp đỡ của các công ty viễn thông là sự trợ giúp của các nhà báo, các toà soạn, nhiều cơ quan báo chí mở chuyên mục về dịch bệnh, cập nhật tin thường xuyên” – ông Vũ Mạnh Cường chia sẻ.

Hiểu đúng để không hoảng loạn

Quanh công tác tuyên truyền chống dịch Covid -19, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đánh giá, vai trò của truyền thông trong việc không để dịch vào Việt Nam và hạn chế dịch lan rộng là vô cùng quan trọng, giúp công việc điều trị đảm bảo vừa sức, đạt hiệu quả cao nhất.

ky 1 khong giau giem cong khai trung thuc ve dich covid 19
Chống dịch Covid -19 có thể thấy tất cả các biện pháp, phương tiện, các cấp độ tuyên truyền đều được huy động và đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Cấp, hiện có một vấn đề quan trọng trong truyền thông chuyên môn là bệnh Covid-19 mới được xuất hiện nên nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến chẩn đoán, phương pháp chẩn đoán. Nói cách khác, bệnh Covid -19 mới xuất hiện nên nảy sinh rất nhiều vấn đề về chẩn đoán, xây dựng phương án điều trị ban đầu, càng về sau càng hoàn thiện hơn.

Liên tục có các cải tiến mới về chẩn đoán, phác đồ… như chúng ta theo dõi. Nếu không phải người của chuyên ngành sẽ không hiểu, hoang mang trước nhiều thông tin chẩn đoán mỗi ngày một khác nhau. Và bản thân các bác sỹ gặp khó khăn khi truyền tải thông tin từ những kiến thức hàn lâm chuyển tải sang thành kiến thức đại chúng, để người dân hiểu rõ và rành mạch hơn.

Lấy ví dụ ngay thời gian qua, bác sĩ Cấp chia sẻ, thông tin virus Covid -19 lây qua khí dung, oresol, nếu chúng ta quy ra là lây qua đường không khí sẽ khiến người dân hoảng loạn.

Người dân sẽ lẫn lộn với ý thức lây qua không khí rất nguy hiểm, sẽ hoang mang hơn và không hiểu đúng phương cách Covid -19 lây lan. Chính vì vậy, việc diễn giải để truyền thông đúng áp dụng với cộng đồng là hết sức cần thiết. Bởi chỉ có truyền thông đúng mới góp phần chuyển tải được khái niệm theo đúng tinh thần.

ky 1 khong giau giem cong khai trung thuc ve dich covid 19
Nhờ sự vào cuộc tích cực, người dân đã có những kiến thức nhất định trong phòng tránh Covid -19.

Theo bác sỹ Trần Văn Phúc - Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn, Việt Nam hiện đang thành công trong việc không để dịch bùng phát trên diện rộng, vai trò của truyền thông rất cao, quyết định đến 30% thành công của đợt dịch, sau đó mới đến công tác chẩn đoán, điều trị, chẩn đoán qua hình ảnh.

Bác sỹ Trần Văn Phúc cho biết thêm, với tư cách là người đồng hành từ dịch Sars 2003, dịch H1N1… cá nhân ông quan sát thấy Việt Nam thực hiện rất tốt việc minh bạch hoá thông tin với toàn dân và thế giới. Điều này đã được ghi nhận và nhận được nhiều sự trợ giúp từ rất nhiều nơi. “Có minh bạch hoá thông tin thì các tổ chức trên Thế giới mới sẵn sàng đồng hành với Việt Nam” - Bác sỹ Trần Văn Phúc nhấn mạnh.

Đinh Luyện

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này