Ngăn chặn các loại “dịch” mới phát sinh trong khâu bán lẻ mặt hàng phòng Covid-19

17:02 | 20/02/2020
(LĐTĐ) Ngày 19/2/2020, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công thương thông báo đã rà soát 223.597 gian hàng với hơn 1 triệu sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki, Chotot, Vatgia, Fado… Trong đó, qua kiểm tra đã xử lý 30.000 gian hàng và gần 48.000 sản phẩm các đơn vị này đã bán với mức giá cao bất thường so với giá thị trường cùng thời điểm.
ngan chan cac loai dich moi phat sinh trong khau ban le mat hang phong covid 19 Nhiều tài xế chủ động phòng dịch trong cuộc chiến chống Covid-19
ngan chan cac loai dich moi phat sinh trong khau ban le mat hang phong covid 19 Ba Vì tập trung tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường phòng dịch
ngan chan cac loai dich moi phat sinh trong khau ban le mat hang phong covid 19 Phòng dịch Corona, nhiều người bịt khẩu trang kín mít khi ra đường

Đây chưa chắc là con số cuối cùng của vấn đề này trên các trang bán hàng qua mạng trong toàn quốc. Khi mà việc bán hàng online được phát triển trong lúc có dịch là một cơ hội, thì những cơ sở kinh doanh mạng này lại lợi dụng để tăng giá đối với người tiêu dùng. Việc lợi dụng này là không thể chấp nhận được.

ngan chan cac loai dich moi phat sinh trong khau ban le mat hang phong covid 19
Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp tăng giá khẩu trang phòng dịch Covid-19

Còn bán lẻ trực tiếp thì sao? cho đến nay chưa thể kể hết số lượng nhà thuốc bị xử lý vì bán hàng cho khách tăng giá đến 3 - 4 lần và với khẩu trang là một sản phẩm điển hình chống dịch. Qua đó, hàng nghìn vụ đã bị phanh phui kiểm tra và đã xử lý hàng trăm triệu đồng, tịch thu hàng trăm nghìn khẩu trang không đảm bảo chất lượng và không rõ nguồn gốc...

Ngoài ra, còn có những hiện tượng sản xuất khẩu trang giả, không đảm bảo tiêu chuẩn cũng bị kiểm tra và bị tịch thu với số lượng lớn trong thời gian vừa qua. Những hiện tượng liên kết treo biển “Không còn khẩu trang” đã xuất hiện, vi phạm Luật cạnh tranh và tội găm hàng trong lúc khó khăn về hàng hóa chống dịch, thế mới biết trong những lúc khó khăn vẫn còn những nhà thuốc, những trang mạng vẫn bán hàng tử tế cho khách, nhiều cơ sở kể cả tư nhân may khẩu trang để phát không cho mọi người.

Những hình ảnh đó rất trái ngược với việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của các tổ chức cá nhân kinh doanh để tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính. Chính phủ đã tỏ thái độ quyết liệt với những hành động sai trái trên, cụ thể có thể rút giấy phép kinh doanh đối với các nhà thuốc vi phạm nghiêm trọng. Đây là việc làm hết sức cần thiết để răn đe những hành động sai trái trên.

Chúng ta cần phải lưu ý rằng, đây không phải là những đợt dịch cuối cùng, còn có thể phát sinh trong những năm tiếp theo, chính vì vậy, việc ngăn chặn từ đầu những vi phạm trong bán hàng của các tổ chức cá nhân trái với đạo đức kinh doanh cần phải được xử lý nghiêm minh và kịp thời.

Công tác phòng và chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng đồng thời cũng phải phòng và chống những “dịch” bán hàng vi phạm những nguyên tắc cơ bản của đạo lý kinh doanh thông thường mỗi khi có dịch phát sinh trên đất nước ta. Vì sự bình yên của xã hội trong tiêu dùng lúc có dịch, chúng ta cần phải có những hành động kiên quyết hơn nữa, góp phần vào việc phòng và chống dịch thành công một cách trọn vẹn.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này