Gom hàng, đầu cơ có “nguy cơ” bị xử lý hình sự!

13:53 | 11/02/2020
(LĐTĐ) Trước nguy cơ của dịch bệnh và sự gia tăng đột biến nhu cầu của người dân về một số mặt hàng, vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch rửa tay... một số cá nhân đã gia tăng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, lợi dụng việc giá khẩu trang và các thiết bị y tế phục vụ cho việc phòng, chống dịch bệnh tăng cao tại Trung Quốc, một số người còn thu gom khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay... vận chuyển, buôn lậu qua biên giới để kiếm lời. 
gom hang dau co co nguy co bi xu ly hinh su Hà Nội: Tạm giữ lô khẩu trang 100.000 chiếc trong ngôi biệt thự liền kề
gom hang dau co co nguy co bi xu ly hinh su Phát khẩu trang miễn phí cho hành khách trên cao tốc
gom hang dau co co nguy co bi xu ly hinh su Bắt đối tượng nhập khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ bán với giá cắt cổ
gom hang dau co co nguy co bi xu ly hinh su Nhật Bản: Người dân xếp hàng mua khẩu trang phòng virus Corona
gom hang dau co co nguy co bi xu ly hinh su
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra lô khẩu trang được người Trung Quốc thu gom.

Chiều ngày 9/2/2020, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và tạm giữ hơn 50 thùng khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ ở căn biệt thự tại dãy BT6 khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội). Một nam thanh niên mang quốc tịch Trung Quốc nhận là chủ lô khẩu trang này và không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Đây là loại khẩu trang y tế loại 3 lớp do một doanh nghiệp trong nước sản xuất. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định người này đã thu mua khẩu trang và thuê ngôi biệt thự trên để tập kết. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ lô hàng khẩu trang này. Số hàng ngay sau đó đã bị niêm phong và đưa lên xe, chở về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 6. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh làm rõ số hàng trên.

Trước đó, ngày 8/2/2020 qua công tác nắm tình hình địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 26, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hà Nội và Công an xã Tân Triều, huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất kinh doanh nước rửa tay tại xã Tân Triều.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 26 phối hợp với cơ quan công an kiểm tra cơ sở sản xuất nước sát khuẩn, rửa tay khô có địa chỉ tại P.1816 - CT2 Khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì do bà Quách Thị Hà Vân làm chủ. Nơi sản xuất là 1 căn hộ chung cư, nền nhà có nhiều chai lọ, túi ni lông và cồn.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang thực hiện san chiết nước rửa tay khô sang các lọ nhỏ. Chủ cơ sở không xuất trình được một số giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho việc sản xuất nước rửa tay. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản đối với 2 lỗi “Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định” và “Không có công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất”; đồng thời áp mức xử phạt hành chính số tiền 8 triệu đồng, buộc đại diện cơ sở tiêu hủy 105 chai nước rửa tay khô các loại theo quy định.

Không chỉ trên địa bàn Hà Nội, ở nhiều tỉnh thành khác, lợi dụng dịch bệnh, một số cá nhân cũng gia tăng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Điển hình như tại Thái Bình, mới đây một tổ công tác của Công an tỉnh Thái Bình đã bắt quả tang, đình chỉ các hoạt động của một cơ sở sản xuất (có địa điểm tại số 437, đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) vì có các hoạt động sản xuất nước rửa tay không đúng pháp luật. Tại đây, tổ công tác đã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 29D – 123.09 do Đỗ Xuân Trường là lái xe.

Kiểm tra xe ô tô, tổ công tác phát hiện trên thùng xe có chở 14 thùng carton, mỗi thùng chứa 30 chai dung dịch màu trắng ghi nhãn hiệu Rencide III – nước xịt tay sạch khuẩn được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Y Việt, SCB: 15/2020/TYV-TB, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Kiểm tra khu vực sản xuất của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Y Việt, có gần 30 công nhân đang sản xuất, đóng gói hàng hóa là nước rửa tay in các dãn nhãn hiệu: Rencide, Hand sanitizer dạng nước và dạng gel với trên 200 chai chứa dung dịch (trong đó có 160 chai chưa dán tem nhãn, 40 chai đã dán tem nhãn nước rửa tay khô); 23 thùng nhựa loại 20 lít, 80 lít, 120 lít; 44 thùng phi loại 200l chứa cồn công nghiệp; 90 thùng carton, 30 bao tải chứa các vỏ chai loại 100ml, 150 ml, 500ml; nhiều loại tem nhãn in tên Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Y Việt và ca nhựa, máy khoan gắn thanh kim loại để pha chế.

Kiểm tra khu vực kho hàng, tổ công tác phát hiện 6.441 chai chứa dung dịch loại 100ml, 500ml chưa dán tem nhãn, 982 chai loại 100ml, 150 ml, 500ml dán tem, nhãn nhãn hiệu Rencide, Hand sanitizer;… Cơ quan Công an đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Thái Bình lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm nước rửa tay. Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh Thái Bình thì việc sản xuất các sản phẩm nước rửa tay trên của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Y Việt là không đúng quy định của pháp luật. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang khẩn trương điều tra, làm rõ vi phạm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Y Việt và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đánh giá về những vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Nga – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trong Bộ luật Hình sự có tội đầu cơ, hình phạt tù cao nhất đến 15 năm, do đó nhiều ý kiến cảnh báo những người thu gom, tích trữ khẩu trang để bán giá cao, có nguy cơ bị xử lý về tội này.

Cụ thể, Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Tính từ ngày 31/1/2020 – 9/2/2020, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.594 vụ vi phạm tại các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế. Trong đó, chỉ tính riêng trong ngày 9/2/2020, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 139 cửa hàng, xử lý 13 vụ vi phạm, xử phạt 16.750.000 đồng. Qua đó, tạm giữ 105 chai nước sát trùng. Hiện tượng khan hàng đối với các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh tiếp tục xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố.

Tại hầu hết các nhà thuốc,cơ sở kinh doanh trang thiết bị phòng chống dịch bệnh ở Hà Nội, mặt hàng khẩu trang y tế tiếp tục khan hiếm. Tại Hải Phòng cũng xuất hiện tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế và nước sát khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Phần lớn các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, dụng cụ y tế treo biển hết mặt hàng khẩu trang y tế. Trong khi đó tại Đà Nẵng, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, dụng cụ y tế để bảng thông báo hết mặt hàng khẩu trang y tế, nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục triển khai các điểm cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân và khách tham quan du lịch với số lượng hạn chế. Đối với TP. Hồ Chí Minh, tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế như những ngày qua tiếp tục xảy ra. Khu vực kinh doanh tân dược, dung cụ y tế trên địa bàn Quận 10 không còn tình trạng nhiều người xếp hàng mua khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn. Các trung tâm dược phẩm và trang thiết bị y tế trên các tuyến đường thuộc 15 phường Quận 10 hầu hết đóng cửa. Một vài cửa hàng chỉ bán các mặt hàng trang thiết bị y tế khác, không bán khẩu trang y tế. Các điểm kinh doanh trên các tuyến đường Nguyễn Giản Thanh, Tam Đảo,... xung quanh trung tâm đóng cửa; những cửa hàng mở cửa bán trang thiết bị y tế treo bảng “Hết khẩu trang, nước rửa tay”, “Không có khẩu trang”.

H. Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này