Tết Nguyên tiêu – Tết muộn của người Việt

10:03 | 08/02/2020
(LĐTĐ) Rằm tháng Giêng Âm lịch (Tết Nguyên tiêu) là một trong những ngày lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Trước đây, Rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi vào ngày này, những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn.  
tet nguyen tieu tet muon cua nguoi viet Hội An: Người dân và du khách hào hứng thả hoa đăng trong đêm Nguyên tiêu
tet nguyen tieu tet muon cua nguoi viet Cúng Rằm tháng Giêng và những điều không phải ai cũng biết

Ngày rằm tháng Giêng (15 tháng Giêng âm lịch) còn có tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên. Đây là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Vào ngày này, mọi nhà đều chuẩn bị làm lễ cúng rất tươm tất, chu đáo, với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn.

Từ xa xưa dân gian đã có câu: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” để nói về tầm quan trọng của ngày này trong đời sống tâm linh người Việt. Rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn.

tet nguyen tieu tet muon cua nguoi viet
Đối với nhiều gia đình người Việt, Tết Nguyên tiêu được coi như cái Tết muộn. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, vào rằm tháng Giêng, nhiều nơi trên cả nước cũng tổ chức lễ hội linh đình, để tưởng nhớ công ơn của vị thành hoàng, những người có công, cầu một năm mới bình an, may mắn.

Không kiêng kị nhiều như Tết Nguyên đán nhưng Tết Nguyên tiêu cũng là ngày để mọi người xem lại phong thủy trong nhà cho đúng để mong một năm được buôn may bán đắt như: trang trí nhiều cây xanh trong nhà mong một năm tài lộc xum xuê, cắm hoa màu cam cho nhà nhiều vượng khí...

Ông Nguyễn Văn Tuấn (Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Tết Canh Tý năm nay, vợ tôi ốm phải vào viện nên cả gia đình “mất Tết”. Do vậy, Tết Nguyên tiêu chính là thời gian để cả gia đình quây quần, ngồi lại với nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong dịp đầu năm mới”.

Đồng thời ông cũng chia sẻ rằng vợ chồng ông là người coi trọng lễ nghĩa, tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên nên ngày Tết Nguyên tiêu, gia đình ông cúng đủ cả cỗ mặn, cỗ chay, ngoài ra còn cúng cả bánh trôi nước, để mong một năm làm ăn trôi chảy. Sau đó thì gia đình đi chùa cầu bình an cho một năm nhiều sức khỏe và may mắn.

Nhiều năm nay, tại Hà Nội, không khí ngày “tết muộn” diễn ra vô cùng tấp nập. Trước Tết Nguyên tiêu vài ngày, nhiều gia đình đã cùng nhau đi chợ, chọn những cành đào nở muộn để về trưng trong nhà.

Chị Lê Thị Phương (Hoàn Kiếm) đang nhanh tay lựa cho mình một cành đào nhỏ để cắm trên bàn thờ cho biết: “Tết năm nay, gia đình nhà tôi cùng nhau đi du lịch ở Thái Lan từ chiều mồng 1, ra Tết thì đi làm luôn nên không có thời gian ăn bữa cơm với ông bà nội. Vì vậy mà vào ngày rằm tháng Giêng, cả nhà đến nhà ông bà làm cơm cúng Rằm rồi quây quần ăn uống cho ông bà vui, coi như là cái Tết muộn vậy”.

Đối với người làm nông nghiệp thì sau Rằm tháng Giêng mới là thời điểm chính thức bước vào mùa lao động mới, kết thúc quãng thời gian ăn chơi đầu xuân. Do vậy, ngoài tới chùa cầu bình an, may mắn, sức khỏe trong ngày rằm, người Việt cũng rất coi trọng lễ cúng tại nhà trong Tết nguyên tiêu.

Trong ngày lễ này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng của mỗi gia đình, vùng miền có thể khác nhau nhưng đều để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn.

Ngày nay, cùng sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày Tết Nguyên tiêu của người dân cũng ít nhiều thay đổi nhưng nhiều gia đình người Việt vẫn coi Rằm tháng Giêng là Tết muộn, là dịp để bày tỏ lòng thành kính với tiên, cầu mong một năm mới may mắn, bình an.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này