Thâm nghiêm Ô Quan Chưởng

13:54 | 27/01/2020
(LĐTĐ) Cùng với những ngôi nhà cổ, những tòa tháp lâu đời, Ô Quan Chưởng nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần dưới chân cầu Chương Dương là một trong những chứng tích mang dấu ấn của Hà Nội xưa. Phủ lên mình sự cổ kính của thời gian, ngày nay Ô Quan Chưởng vẫn hiên ngang trong lòng Thủ đô nhộn nhịp và phồn hoa.
tham nghiem o quan chuong Cửa ô duy nhất của kinh thành Thăng Long
tham nghiem o quan chuong Cửa ô Hà Thành xưa và nay
tham nghiem o quan chuong Ô Quan Chưởng - cửa ô cuối cùng của Hà Nội
tham nghiem o quan chuong
Nhịp sống hằng ngày vẫn tấp nập dưới mái vòm cửa ô. Ảnh: PV

Ca dao Việt Nam có câu: “Ở đâu năm cửa chàng ơi/Sông Nhị Hà mấy khúc nước chảy xuôi một dòng…”. Đó là những câu ca dao nhắc về thành Thăng Long xưa với 5 cửa ô Đống Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Dừa và Ô Quan Chưởng. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, dấu ấn thời gian đã khiến những cửa ô biến mất, chỉ còn lại Ô Quan Chưởng đứng vững trãi trước thời gian chia sẻ vui buồn cùng người Hà Nội. Hàng trăm năm qua, Ô Quan Chưởng vừa là biểu tượng cho tinh thần hiên ngang, bất khuất vừa là nơi lưu giữ tuổi thơ của bao lớp người Hà Nội.

Không may mắn được sống với Hà Nội trong những năm tháng cam go, thế nhưng mỗi lần được nghe kể câu chuyện lịch sử về chứng tích Ô Quan Chưởng, lớp trẻ như chúng tôi lại lâng lâng một cảm xúc yêu mến, tự hào. Ghé chân vào quán ăn ven đường Thanh Hà, chúng tôi bắt gặp bà Nguyễn Thị Cúc (gần 80 tuổi, người gốc Hà Nội hiện đang sinh sống ở phố Chợ Gạo) giữa cái lạnh của những ngày cuối năm.Trong câu chuyện của bà Cúc, Ô Quan Chưởng là nơi gắn bó với bà gần hết cuộc đời.

Ngay từ khi còn là thiếu nữ, bà Cúc đã được nghe những mẩu giai thoại về Ô Quan Chưởng. Theo các cụ kể lại, cửa ô này xưa kia là một cái cổng trấn phía Đông được xây đắp bằng đất vào đời vua Lê Hiến Tông (1740 -1786), niên hiệu Cảnh Hưng, còn có tên gọi khác là ô Đông Hà. Cái tên này giờ vẫn được lưu giữ bởi 3 chữ Hán đắp nổi trên cổng chính. Cửa ô gồm 2 tầng được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổng vọng lâu - kiến trúc đặc trưng của thời nhà Nguyễn. Bao gồm một cửa chính cao 3m và hai cửa ngách, được xây dựng bằng gạch đỏ, theo thiết kế vòm cuốn, phảng phất nét kiến trúc của cổng làng xưa. Tầng thứ 2 có vọng lâu 4 mái vuốt cong 4 góc, được trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị.

Tích xưa kể về cái tên Ô Quan Chưởng xuất phát từ một viên Chưởng cơ cùng với những nghĩa sĩ của mình đã chiến đấu anh dũng chống lại quân Pháp trong đợt đánh vào thành Hà Nội năm 1873. Vị Chưởng cơ này cùng với khoảng một trăm đồng đội đã quyết chiến đấu đến cùng. Sau vì đuối thế, vị Chưởng cơ bị bắt, bị chém ngay trước cửa ô. Nhân dân tiếc thương, từ đó gọi tên cửa ô này bằng cái tên mới Ô Quan Chưởng để ghi nhớ sự hy sinh lẫm liệt của người con trung dũng.

Đến nay, Ô Quan Chưởng vẫn còn lưu giữ được tấm bia đá có nội dung nghiêm cấm lính canh nhiễu nhương dân chúng qua lại thành. Đây là tấm bia được dựng theo lệnh của Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu – vị Tổng đốc được đông đảo nhân dân và sĩ phu Hà thành nể trọng, người đã tuẫn tiết để khẳng định tinh thần bất khuất trước quân Pháp ngoại bang.

“Thời xưa, ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài gần 100 mét, phía ngoài cửa ô coi như đất ngoại thành. Con đường xưa vốn có hai hàng cây nối nhau san sát, bố mẹ tôi đã dặn các con, cháu khi chơi dưới cổng không nên đùa nghịch, không được tự tiện leo trèo lên lầu vọng lâu và không được phá hoại cây cối xung quanh kẻo phải tội”, bà Cúc chia sẻ.

Bao nhiêu năm dãi dầu mưa nắng, Ô Quan Chưởng đã bạc màu thời gian, dương xỉ, rêu xanh bao phủ lên những bức tường gạch sần sùi, lồi lõm. Ô Quan Chưởng vẫn luôn là bằng chứng lịch sử nhắc nhở về tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân chống giặc ngoại xâm và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.

Đổi thay trên con phố là những ngôi nhà ngói khi xưa, giờ đã được thay thế bằng những ngôi nhà tầng khang trang, đẹp đẽ hơn. Dành một khoảng thời gian lặng ngắm nơi đây, ai cũng có thể cảm nhận được đủ sắc màu cuộc sống. Bước chân của những người dân lao động dần trở nên hối hả hơn, bởi cửa ô vẫn giữ vai trò là lối đi, đầu mối thông thương từ phía tả ngạn sông Hồng vào trong nội thành. Đặc biệt vào những ngày cận Tết, hàng hóa đi lại tập nập càng khiến cửa ô càng trở nên náo nhiệt.

“Ở phố Ô Quan Chưởng, những người thuộc thế hệ trước và gắn bó lâu năm với con phố này không còn nhiều, do đó chúng tôi trân quý lắm. Có người còn dành cả 20 năm để quét dọn, làm sạch cửa ô bởi lượng người đi lại lớn. Nơi đây đông quanh năm nhưng đông nhất là vào những ngày giáp Tết kể từ sau ngày ông Công, ông Táo.

Bao nhiêu năm nay, những gánh hàng rong, xe đạp tất tả xống áo chở đào cành, quất cảnh, hoa tươi từ Nhật Tân, Tứ Liên đi qua mái vòm toả về các con đường thành phố từ buổi sớm mai. Cửa ô này chỉ thật sự vắng vẻ vào những ngày mùng 1, mùng 2 Tết rồi sau đó lại đông trở lại. Tôi có đứa cháu đi làm ở miền Nam, Tết nào về đây cũng phải dành 1 buổi dạo quanh Ô Quan Chưởng chỉ để ngắm nhìn. Nghe nó bảo đi xa thì nhớ, vạn vật ở Hà Nội đều có thể đổi thay, chỉ trừ nơi đây là vẫn không thay đổi”, bà Cúc tâm sự.

Vào những cuối năm, Hà Nội đẹp mơ màng bởi sự chuyển biến của đất trời sắp sửa bước sang năm mới. Giữa không khí hối hả, từng nụ đào, nụ tầm xuân chuẩn bị khoe sắc làm nổi bật vẻ cổ kính, rêu phong của cửa ô xưa. Trong nét thâm nghiêm, thi thoảng Ô Quan Chưởng lại đón những đoàn khách đến chụp ảnh. Thường là du khách nước ngoài thích thú trước cửa ô còn sót lại của Hà Nội hay những người con của Thủ đô luôn mang trong mình tình yêu quê hương, xứ sở.

Ngắm khung cảnh rộn ràng ấy, sẽ thấy có sự tương phản của cổ xưa và hiện đại, của trầm mặc và náo nhiệt. Qua bao thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó, cố giữ gìn cho Hà Nội nghìn năm văn hiến một kỳ quan đơn sơ, dân dã mà quý giá đến vô cùng.

P. Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này